Halloween thật "chill" với 7 tựa phim phim kinh dị thách thức những người can đảm nhất - Tạp chí Đẹp

Halloween thật “chill” với 7 tựa phim phim kinh dị thách thức những người can đảm nhất

Review

Nhắc đến Halloween, ngoài những màn hóa trang sinh động, không thể không nhắc đến những tác phẩm kinh dị làm nên một ngày 30 tháng 10 trọn vẹn. Nếu không thể gặp gỡ bạn bè, bạn vẫn có thể khiến cho đêm Halloween của bạn thêm phần sống động và thú vị với 7 tựa phim kinh dị này. 

“The Medium” (2021): Câu chuyện hòa trộn giữa đức tin tín ngưỡng và tâm lý con người

Là dự án hợp tác giữa Thái Lan và Hàn Quốc, “The Medium” (Bà đồng) lấy bối cảnh vùng Isan ở xứ chùa vàng. Một nhóm nhà làm phim tư liệu về chủ đề siêu nhiên đến gặp gỡ Nim (Sawanee Utoomma) – bà đồng nổi tiếng của làng. Nhưng một số sự việc lạ lùng xảy ra khiến đoàn phim chuyển sang theo sát Mink (Narilya Gulmongkolpech) – cháu gáo của Nim. Nhưng càng lúc, những sự việc bất thường càng khiến đoàn phim và những người thân của Mink lo lắng, bởi dường như mọi việc không đơn giản như họ hình dung ban đầu.

Phim xoáy sâu vào những mê tín cực đoan của con người và được dẫn dắt bằng hình thức phóng sự thực tế, từ cách miêu tả văn hóa vùng đất, đến tín ngưỡng, nghi lễ siêu linh. Cách làm này thực sự khiến cho “The medium” trở nên hấp dẫn, kịch tính và chân thực tới mức rùng rợn. 

“No One Gets Out Alive” (2021): Cơn ác mộng của người nhập cư

“No One Gets Out Alive” (Ác mộng không lối thoát) là tác phẩm kinh dị khắc họa một cuộc sống đầy cạm bẫy đối với những người nhập cư đến nước Mỹ. Phim theo chân Ambar (Cristina Rodlo) – một người gốc Latinh, cô đã tìm mọi cách nhập cư đến Mỹ để có thể thay đổi cuộc đời u tối của mình. Tuy nhiên, vì nhập cư bất hợp pháp, không có giấy tờ tùy thân, Ambar chỉ tìm được một nhà khách bí ẩn với giá rẻ, nơi mà rất nhanh chóng sau đó đã trở thành một cơn ác mộng đối với cô.

Khác với những tác phẩm kinh dị thông thường, nhà làm phim không tập trung quá nhiều vào các cảnh hù dọa. Trái lại, bộ phim mang đến một bầu không khí ghê rợn thông qua cách xây dựng câu chuyện đan xen giữa thực và ảo ảnh. Các góc máy tập trung vào nhân vật làm tăng sự hồi hộp cho khán giả. 

“There’s Someone Inside Your House” (2021): Một kẻ sát nhân luôn “rình rập” cùng những bí mật

Dựa trên tiểu thuyết của Stephanie Perkins, “There’s Someone Inside Your House” (Có ai đó trong ngôi nhà của bạn) lấy bối cảnh trước khi buổi lễ tốt nghiệp diễn ra, những học sinh tại ngôi trường Osborne bỗng bị một tên lạ mặt theo dõi, và hắn sẽ “vén màn” bí mật đen tốt nhất trước khi kết liễu sinh mạng của nạn nhân. Khi các vụ giết người ngày càng gia tăng với tần suất dày đặc, mọi người ai cũng cảm thấy hoang mang và lo sợ vì nỗi kinh hoàng đang đè nặng lên họ. Bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành người tiếp theo.

Công thức kinh dị trong “There’s Someone Inside Your House” còn khiến người ta bất ngờ hơn vì nghe qua cái tên, ắt hẳn sẽ kỳ vọng về một bộ phim quỷ ám. Nhưng thật chất dự án là một bức tranh về tâm sinh lý của thanh thiếu niên thời đại mới. Bộ phim đã đảo ngược lại nhiều khuôn khổ làm phim kinh dị, và dù chưa biết có đủ tác động để tạo nên làn sóng mới hay không nhưng vẫn cực kỳ đáng để bạn bỏ thời gian theo dõi.

“Fear Street” (2021): Là nhân vật phản diện tàn ác hay nạn nhân của những nỗi kinh hoàng?

Bộ ba “Fear Street” (Phố Fear) lấy cảm hứng từ loạt tiểu thuyết cùng tên dành cho giới trẻ của R.L. Stine, xoay quanh một thị trấn tên Shadyside bị ám trong nhiều thế kỷ. Lời nguyền đã khiến nó trở thành một thành phố nguy hiểm. Phần đầu tiên của “Fear Street” lấy bối cảnh vào năm 1994, sau khi một phụ nữ trẻ bị giết một cách bí ẩn, một nhóm thanh thiếu niên phát hiện ra rằng những sự kiện kinh hoàng đã ám ảnh thị trấn của họ. Phần hai sẽ diễn ra tại một khoá tu mùa hè, trong khi phần ba sẽ quay lại vài thế kỷ trước, từ những ngày đầu của thị trấn Shadyside.  

Chuỗi series kinh dị này sẽ kể những câu chuyện riêng lẻ, khác nhau nhưng tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ với một lời nguyền trong quá khứ. Phim sẽ đưa những cảm giác sợ hãi, đáng sợ từ các yếu tố không tự nhiên, ma quỷ chuyển sang những đối tượng cụ thể hơn là con người, để tăng cảm giác căng thẳng và hồi hộp từ nhiều khía cạnh khác nhau. 

“His House” (2020): Thứ đáng sợ nhất luôn là thực tại

Không giống những bộ phim kinh dị về ngôi nhà ma ám thông thường khác, “His House” (Nhà của hắn) theo chân cặp vợ chồng Bol (Sope Dirisu) và Rial (Wunmi Mosaku), họ chạy trốn khỏi vùng quê đang bị tàn phá bởi chiến tranh và tị nạn ở Anh quốc. Cả hai được cấp quyền cư trú tạm thời trong một khu nhà tồi tàn. Tưởng chừng đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời khốn khổ, họ lại không ngờ rằng ngôi nhà lại tồn tại những thực thể siêu nhiên quái dị. Điều đó khiến cuộc sống của họ càng trở nên bất an, đồng thời họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị cơ quan chức năng trục xuất về nước vì những hành vi bất thường trong thời gian cư trú.

“His house” cũng khắc họa sự khốn khổ cùng chiến tranh, biến nạn nhân thành kẻ thủ ác. Câu chuyện được kể không có anh hùng hay phản diện, chỉ có nguyên nhân và hậu quả. Phim có cách xây dựng bầu không khí kinh dị chậm chạp, từ tốn, nhưng mỗi cảnh kinh dị là sự kết hợp của nhiều màn jump-scare khác nhau. Điều này giúp cho nỗi sợ hãi được kéo dài và dồn dập ở những đoạn cao trào.

“It Comes at Night” (2017): Ai là ác quỷ khi màn đêm buông xuống?

“It Comes at Night” (Màn đêm buông xuống) lấy bối cảnh giả định trong tương lai, khi một dịch bệnh bí ẩn đã bộc phát trên toàn thế giới. Người cha Paul (Joel Edgerton) cùng gia đình mình phải ẩn nấp trong một ngôi nhà ở ngoại ô, và luôn phải tuân theo một quy luật nghiêm ngặt để đảm bảo sinh tồn: “Không được ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết”. Nhưng đến một ngày nọ, một gia đình đến xin tá túc tại ngôi nhà của Paul, mọi biến cố bắt và tai họa cũng bắt đầu từ đây. 

Sự kinh dị mà kịch bản của “It Comes at Night” muốn nói tới có lẽ chính là những mâu thuẫn, hiềm khích, sự ích kỷ và cả sợ hãi xâm lấn trong tâm trí con người. Đó mới chính là thứ giết chết họ chứ chẳng phải ma quỷ hay dịch bệnh. Bộ phim đặt ra câu hỏi về cách những người còn sống đối xử với nhau sau đại dịch. Chỉ bởi vì sự nghi kỵ và không tin tưởng mà họ có thể sát hại nhau. Và liệu khi đặt bản thân trong tình huống đó, chúng ta có thể làm khác được hay không?

“Hush” (2016): Màn truy sát ít tiếng ồn nhưng đầy ám ảnh

“Hush” (Sự im lặng chết người) xoay quanh Maddie (Kate Siegel) – một nhà văn trinh thám nổi tiếng nhưng bị câm điếc từ năm 13 tuổi. Cô sống tại một căn nhà ở vùng quê hẻo lánh để tiện cho việc sáng tác. Một ngày nọ, cô nhận được tin nhắn với những bức ảnh sinh hoạt hằng ngày của mình. Đó là lúc cô nhận ra mình không đơn độc và nhận thấy mối nguy hiểm đang rình rập. 

Thứ tạo ra điểm khác biệt thực sự chính là “giọng nói trong đầu” của Maddie. Nhờ điều này mà suy nghĩ nội tâm của cô gái mới được bộc lộ với khán giả. Tất cả mọi thứ chìm trong một sự yên lặng từ đầu đến cuối, nhưng chính sự yên lặng đó lại tạo nên một nhịp phim căng thẳng và đầy nỗi khiếp sợ.

 

 

Tác giả: Tôn Ngọc Anh Thư

29/10/2021, 17:37