Theo dòng sự kiện hiện nay, khi những mặt tối của nam diễn viên Ngô Diệc Phàm được vạch trần trước công chúng, khán giả càng quan tâm hơn về nhân phẩm cũng như cách ứng xử của nghệ sĩ trên màn ảnh và trong đời sống. Chủ đề “Liệu người nổi tiếng có cần sở hữu nhân cách tốt?” càng được người hâm mộ tranh luận náo nhiệt, đồng thời xuất hiện không ít luồng ý kiến trái chiều.
Có thể nói khi trở thành người của công chúng đồng nghĩa với việc mọi lời nói và hình ảnh của bạn đều xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, đối với idol sở hữu lực lượng người hâm mộ hùng hậu thì họ chính là tấm gương để các bạn trẻ noi theo và học hỏi. Không ít lần, nhiều nghệ sĩ khiến người hâm mộ của mình thất vọng bởi bê bối đời tư hay thậm chí là vi phạm chuẩn mực đạo đức hoặc pháp luật. Đơn cử là sự việc gần đây nhất của Ngô Diệc Phàm khi hành vi của nam diễn viên khiến dư luận phẫn nộ. Theo điều tra, cảnh sát Bắc Kinh cho biết Diệc Phàm và đại diện của mình thật sự lợi dụng công việc để đạt được lợi ích riêng và nhu cầu cá nhân. Sự việc này vẫn đang được điều tra và nhanh chóng gây nên cơn “bão mạng” tại xứ sở tỷ dân và các khu vực khác tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo báo Thanh Niên (trực thuộc Nhật báo Nhân dân) tại Trung Quốc, Ngô Diệc Phàm là nghệ sĩ thần tượng không có quá nhiều sản phâm âm nhạc hoặc phim ảnh nổi bật, tất cả những gì nam diễn viên đang làm đó là xây dựng một “hình tượng” hoàn hảo, đáp ứng mọi mong muốn của công chúng. Dù hình tượng đó là thật hay giả thì Diệc Phàm vẫn có trách nhiệm duy trì nó vì đây là chức nghiệp của nghề thần tượng. Trang báo này cũng cho rằng, thân là một người nổi tiếng sở hữu hơn 50 triệu người theo dõi trên Weibo, đa phần ở độ tuổi chưa trưởng thành, vì thế “đạo đức cá nhân” của nam diễn viên không chỉ đơn thuần là có vi phạm pháp luật hay không, mà còn phải xem xét dựa trên chuẩn mực đạo đức xã hội.
Không giống như những ngành nghề khác và cũng không thể nói nghệ sĩ cũng là người bình thường, bởi lẽ đây là một nghề đặc thù vì không phải ai cũng có thể làm được và trụ vững được. Trở thành một nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ thần tượng, bạn nhận được những lợi ích từ người hâm mộ, bạn nhận được sự quan tâm, theo dõi từ hàng nghìn, hàng triệu người mỗi ngày, chính vì thế chuẩn mực đạo đức của bạn cũng cao hơn người bình thường.
Nếu xây dựng một hình tượng hoàn toàn giả tạo, lợi dụng danh tiếng, vật chất của bản thân để thực hiện những hành vi trái với chuẩn mực và có phần quá đà thì “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Thay vì cố gắng xây dựng một hình tượng không tì vết trong mắt công chúng và ngày càng sa vào hố đen, người nghệ sĩ nên tự ý thức hoàn thiện mình, đồng thời thu hút người hâm mộ bằng những giá trị thực như các tác phẩm và tài năng.
Số nghệ sĩ trở lại hoạt động bình thường sau nhiều lần phạm lỗi trong hành vi, phát ngôn hay vấp phải nhiều vụ bê bối đời tư là không hề hiếm. Thực chất, nghệ sĩ cũng là con người, vẫn sẽ có những sai phạm nhỏ, nhưng khán giả có thể bỏ qua cho họ vài lần và tiếp tục ủng hộ nếu họ cố gắng hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai. Với những sự việc lớn hơn, đa phần nghệ sĩ lựa chọn cách im lặng, tạm ngưng hoạt động và chờ khán giả nguôi ngoai, đến khi mọi việc lắng xuống họ lại quay trở lại. Phần lớn khán giả cũng có xu hướng quên đi theo thời gian, điều này có thể khiến người nghệ sĩ xem đây là thường lệ và tiếp tục phạm phải sai lầm.
Để nghệ thuật có thể thăng hoa một cách đích thực, chính công chúng phải trở nên nghiêm khắc hơn để những ngôi sao chỉ dựa vào hình tượng sẽ không thể trụ vững, đặc biệt là những nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức. Chẳng cần nói đâu xa, tại làng giải trí Hàn Quốc, nơi được xem như là lò đào tạo idol bậc nhất châu Á, các ca sĩ thần tượng được công ty chủ quản xây dựng một hình tượng hoàn hảo. Không rõ tính cách, suy nghĩ của họ ra sao, qua bàn tay của các nhà sản xuất, họ trở nên hào nhoáng và là một hình mẫu lý tưởng của biết bao cô gái, chàng trai.
Đến khi các nạn nhân trực tiếp lên tiếng, vạch trần mặt tối của các ngôi sao, thì hóa ra vẻ ngoài tử tế trong mắt công chúng lại chỉ là vỏ bọc. Trong khi các nghệ sĩ đứng trên ánh hào quang, những người từng bị họ gây nên thương tổn lại chỉ vùi mình trong bóng tối, chật vật thoát ra khỏi những sang chấn tâm lý. Trong thời gian qua, làn sóng Hallyu vấp phải không ít scandal, khi hàng loạt sự việc được đưa ra ánh sáng. Từ những hành vi bạo lực học đường trong quá khứ, bắt nạt thành viên cùng nhóm, đến quấy rối tình dục, hay thậm chí là các hành vi liên quan đến mại dâm, tất cả đều gây nên làn sóng chấn động. Nhưng dưới sự bảo bọc của các công ty quản lý, họ vẫn bình yên và chờ mọi thứ lắng xuống theo thời gian cũng như cơ hội quay trở lại làng giải trí.
Không ít nghệ sĩ lợi dụng sự mềm lòng của người hâm mộ để quay trở lại con đường nghệ thuật và tẩy sạch những bê bối. Suy cho cùng, đối với các vụ bê bối nghiêm trọng như sự việc của Ngô Diệc Phàm gần đây, khán giả cần nghiêm khắc lên án, theo dõi sát sao, thay vì để mọi việc trôi qua êm thấm. Bởi nếu không, mọi nỗ lực của các nạn nhân chẳng khác gì “dã tràng xe cát”, và người nổi tiếng thật sự có “đặc quyền” hô biến mọi sai lầm, thậm chí là không cần phải chịu trách nhiệm cho những việc đã làm.