Năm 2019, tại bệnh viên Tenon, phía đông Paris, Hom Nguyen đã trưng bày một bức chân dung khổ lớn để tưởng nhớ Edith Piaf, nơi mà nữ danh ca huyền thoại của nước Pháp chào đời.
Tác phẩm có kích thước 9×3,6m được lắp đặt trên một bức tường của khu hộ sinh đã thể hiện lòng kính trọng của Hom Nguyen với “đứa trẻ” được sinh ra trong chính cái nôi của mình. Bên cạnh đó là bức tranh 280x180cm được đặt trong sảnh của tòa Meynel tại bệnh viện. Cho tới nay, những bức họa này vẫn được trưng bày tại bệnh viện và luôn thu hút mọi sự chú ý.
Ý tưởng của Hom Nguyen về bức chân dung của Edith Piaf bắt nguồn cuộc trò chuyện giữa Hom Nguyen và võ sĩ quyền anh người Pháp là Jean-Marc Mormeck, anh đã kể cho Hom về Marcel Cerdan, “tay đấm” huyền thoại của Pháp và cũng là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời Edith Piaf. Hom ngưỡng mộ sự mạnh mẽ nhưng vẫn mong manh trong đôi mắt của Edith và tìm thấy sự đồng cảm với cuộc đời nghiệt ngã của bà. Vươn lên từ một cô gái nghèo đi hát rong để kiếm sống và trở thành nữ ca sĩ lừng danh nhưng luôn phải chống trọi với trấn thương tâm lý trầm trọng bởi cuộc sống nhiều biến cố.
Một trong số đó là sự ra đi của Marcel Cerdantrong một tai nạn máy bay. Cô đã phải dùng đến rượu và morphin để xoa dịu tinh thần. Nhưng cũng chính thời gian này, Edith Piaf đã cho ra đời những ca khúc ấn tượng khó quên trong sự nghiệp như “L’Hymne à I’Amour”. Giọng hát của Edith Piaf không nặng về kỹ thuật mà thu hút bởi cảm xúc chân thật, cùng những bài ca u buồn lôi cuốn người nghe.
Có lẽ, Hom Nguyen nhìn ra những điểm chung giữa Edith Piaf và mẹ của anh là bà Lan khi cả 2 người phụ nữ này đều trải qua cuộc đời kém may mắn nhưng lại luôn giữ vững lòng chân thành, mộc mạc, lan tỏa hơi ấm tới những người xung quanh. Edith Piaf từng tới vùng biên giới và nói chuyện với những người con của người nhập cư như cách Hom đã làm. Cuộc đời của Edith Piaf như tác động mạnh mẽ tới người nghệ sĩ khiến anh phải cầm cọ lên, tinh lặng, và thăng hoa với từng nét vẽ, vệt màu để tạo nên tuyệt tác về một tượng đài được kính trọng qua hàng thập kỷ.
Vị trí đặt bức chân dung cũng thể hiện của sự gắn kết của cá nhân nghệ sĩ đối với thế giới bệnh viện. Bởi mẹ của Hom bị tàn tật và phải ngồi xe lăn, anh thường dành phần lớn thời gian ở bệnh viện và nó giống như sân chơi đối với anh. Tuy trải qua một tuổi thơ khó khăn, nhưng khi được hỏi về việc nếu có thể quay lại quá khứ và thay đổi mọi thứ hay không thì Hom trả lời rằng không, quá khứ đối với anh là một phần tạo nên mỗi con người như ngày hôm này. Tuổi thơ của anh, dù không dễ dàng gì, nhưng anh vẫn giữ quá khứ đó trong sự sáng tạo và sứ mệnh của mình như một lời cam kết chân thành cho bản thân.