Hom Nguyen, sinh năm 1972 tại Paris, là một nghệ sĩ tự học với phong cách nghệ thuật hết sức bản năng. Sở trường của anh là tranh chân dung, nắm bắt cảm xúc đa dạng của con người, từ hạnh phúc đến tuyệt vọng. Anh gói gọn bản chất của mọi dáng vẻ, mọi ánh mắt bên trong khung vẽ canvas thông qua những nét vẽ mềm mại và những đường sơn đan xen
Sinh ra ở Paris vào đầu thập kỉ 70, trong một gia đình lao động thuần tuý, Hom Nguyen sống với mẹ tại một căn hộ chỉ rộng vỏn vẹn 13 mét vuông. Mẹ anh – bà Lan – là một người phụ nữ Việt Nam khép kín và không biết tiếng Pháp, hằng ngày làm công việc phụ giúp ở một tiệm cắt tóc. Khi cậu bé Hom Nguyen mới tròn hai tuổi, tai họa đã giáng xuống gia đình nhỏ, mẹ anh bị tai nạn ô tô trên đường cao tốc khi đi làm về, khiến bà hoàn toàn bị liệt. Tuổi thơ của Hom Nguyen phải trưởng thành trước tuổi, vừa quấn quít bên mẹ vừa xoay sở với cuộc sống muôn vàn khó khăn trên một đất nước xa lạ. Thế giới của cậu bỗng xoay quanh bác sĩ, sân chơi là bệnh viện và bạn bè là những bệnh nhân xung quanh.
Từ khi 8 tuổi, cậu bé Hom Nguyen đã thích vẽ những nét nguệch ngoạc các khuôn mặt và phong cảnh bằng bút chì lên sổ tay, góc bàn, khăn giấy… Tuy nhiên, vì trách nhiệm cuộc sống anh đã phải mưu sinh bằng một nghề thực tế hơn đó là đánh giày và bán giày. “Vào thời điểm đó, cuộc sống không hề dễ dàng. Tôi đang làm công việc bán giày trên con đường Rue des Canettes ở Paris. Một ngày nọ, có anh chàng chỉ cho tôi rằng bạn có thể nhuộm giày với nhiều màu sắc khác nhau, và tôi ngay lập tức trở thành một nghệ sĩ patina. Một cậu bé đánh giày!” Hom nói một cách tinh nghịch.
Mặc dù sớm bộc lộ năng khiếu vẽ từ khi còn nhỏ, tuy nhiên, trách nhiệm cuộc sống đã làm anh chậm bước chân vào thế giới nghệ thuật. Chỉ đến năm 2009, nghệ thuật mới bắt đầu chiếm trọn cuộc sống và tâm trí anh như một nhu cầu lớn để bày tỏ cảm xúc khi người mẹ của anh qua đời. Hom quyết định tạo sự nghiệp riêng với tư cách là nghệ nhân đồ da patina, đó cũng là trải nghiệm đầu tiên mang anh trở lại với thế giới của màu sắc.
Tích cóp số tiền mình có được, Hom Nguyen đã tới Tokyo để học hỏi từ những bậc thầy về hình xăm ở Shibuya, quan sát thế giới và phát triển kỹ thuật của riêng mình. Khi quay về Pháp, Hom Nguyen vận dụng những kiến thức đó và tập trung vào kỹ thuật patina, màu sắc và chất liệu. “Mọi việc bắt đầu suôn sẻ, tôi bắt đầu kiếm được một số tiền và làm những đôi giày được đặt thửa riêng. Nó đã trở thành mốt, từ những đôi giày Stan Smiths đến Berluti…”
Ngay cả thương hiệu Berluti danh giá, ban đầu có thái độ kém thân thiện với Hom, sau này, đã đồng ý gặp nghệ sĩ và đưa ra quyết định hợp tác cùng anh. Khi Hom cho họ xem các bản vẽ và ảnh chụp các tác phẩm của mình, họ nói với ông ấy: “Cậu là một nghệ sĩ thực thụ, một nghệ sĩ patina, cậu sẽ tiến xa, ở trong một thế giới hoàn toàn khác…”
Sự ra đi của mẹ luôn nhắc nhở anh về giấc mơ nghệ thuật còn dang dở và dòng chảy cảm xúc đó đã kích thích Hom chuyển đến một xưởng rộng hơn ở Bagnolet, để tập trung vẽ chân dung khổ lớn. Anh coi việc đứng trước tấm vải canvas là một cuộc chiến với nội tâm mình. Những gì nhận được sau cuộc đối đầu này chính là những đường nét khuôn mặt mượt mà, chiều sâu của đôi mắt và sự lột tả thần thái đặc biệt chân thực. Anh bắt đầu vẽ rất nhiều bức chân dung của người nổi tiếng, Jean-Paul Belmondo, Charlie Chaplin hay thậm chí là Joeystarr dưới nét vẽ của anh đều hé lộ những cảm xúc, góc nhìn rất đời mà chưa được biết đến. Như thể họ đột nhiên khám phá được những điều bí ẩn còn ẩn sâu trong tâm hồn của chính mình vậy
Dần dần, các tác phẩm của anh được thế giới biết đến thông qua nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế như “Dark Side”, “Trajectoire”… tại A2Z Gallery Paris, triển lãm cá nhân tại Paris, Singapore, Hong Kong…Trong triển lãm nghệ thuật đương đại Art Paris Art Fair tổ chức vào năm 2016 tại Grand Palais, Tổng thống Pháp lúc đó là François Hollande đã đến tham dự và đánh giá rất cao những tác phẩm của Hom.
Dù không được đào tạo bài bản, Hom Nguyen từ chối mọi chủ nghĩa tuân thủ trong sáng tạo của mình. Người họa sĩ tự học khẳng định quan điểm rằng anh không vẽ để làm hài lòng bất kỳ ai mà là kết quả của sự phóng chiếu tinh thần.
Vào năm 2019, trong một triển lãm mang tên “Togeth’her” hợp tác giữa Viện bảo tàng Monnaie de Paris và Tạp chí Vogue Paris, Hom Nguyen đã vẽ một bức chân dung của Michèle Obama gây ấn tượng mạnh mẽ đối với giới yêu nghệ thuật. Nhà đấu giá Christie’s sau đó đã đấu giá thành công tác phẩm này nhằm gây quỹ hỗ trợ các chương trình bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ do UN Women đứng đầu.
Sử dụng những nét vẽ ngẫu hứng sử dụng chì than cơ bản, thuần khiết, cựu phu nhân tổng thống Mỹ hiện lên quyền lực, ý chí và bản lĩnh, như chính thông điệp mạnh mẽ về nữ quyền mà anh muốn truyền tải thông qua tác phẩm của mình. Có lẽ, nhiều điều mà Hom làm ngày hôm nay cho thấy dấu ấn của một tuổi thơ sóng gió, nên anh có một trái tim, trí óc, và đôi tay cầm cọ giàu cảm xúc, cho phép tái hiện được cái hồn của một yếu nhân hay một người bất kì thật sống động trên những tấm toan. Đối với Hom, mẹ là người truyền cảm hứng và là lí do anh bước chân vào con đường nghệ thuật, chính vì thế nên anh luôn dành sự tôn trọng cho những người phụ nữ trong cuộc sống này.
Phải nói rằng, Hom Nguyen đặc biệt nhạy cảm với những giá trị nhân văn mà anh thể hiện và truyền tải vì vậy cảm xúc khi ngắm tranh của anh là một thứ tình cảm xoa dịu, một sự kết nối nhẹ nhàng, sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Những giá trị đó luôn hiện hữu trong mọi sáng tác nghệ thuật của anh, tạo nên mối liên kết giữa con người, gắn kết tất cả chúng ta với nhau.