“Liệu bạn còn nhớ tên tôi, khi ta gặp nhau trên thiên đường. Liệu mọi thứ có như ngày xưa, khi ta gặp nhau trên thiên đường?”
Đó là những lời hát đã làm rung động hàng triệu trái tim trong ca khúc “Tears in Heaven” của Eric Clapton.
Khi phát hành vào năm 1991, ca khúc này nhanh chóng lọt vào top 10 ca khúc hay nhất tại hơn 20 quốc gia và giành giải Grammy tại hạng mục Ca khúc của năm và Album của năm (“Unplugged”) cùng giải thưởng màn trình diễn giọng ca pop nam xuất sắc nhất.
Nhưng những cảm xúc làm nên sự thành công rực rỡ của bài hát lại đến từ một câu chuyện cực kỳ đau lòng. Đó là bi kịch về cái chết của Conor, cậu con trai 4 tuổi của ông.
Ngày 20/3/1991, Conor chơi trong căn hộ tại New York (Mỹ), nơi mà cậu bé đang sống cùng mẹ, nữ diễn viên Italy Lory del Santo, bạn gái cũ của Eric Clapton. Sau khi vệ sinh căn hộ, người giúp việc đã vô tình để mở một cánh cửa sổ mà quên không đóng lại, và Conor đã không may ngã qua đó, rơi từ tầng 53 xuống đất tử vong tại chỗ.
Vào thời điểm đó, luật pháp New York yêu cầu người dân phải rào chắn cửa sổ trong các tòa nhà chung cư, nhưng một phán quyết vào năm 1984 đã cho phép chủ sở hữu tòa nhà tự quyết định có lắp đặt thiết bị an toàn hay không.
Vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra, Clapton đang ở trong một khách sạn gần đó, chuẩn bị đón Conor đi ăn trưa và thăm Sở thú ở Công viên Trung tâm theo kế hoạch của hai cha con.
“Điều đầu tiên tôi nhớ được là một cuộc gọi từ căn hộ của hai mẹ con,” Clapton trả lời
trong một cuộc phỏng vấn năm 1992 với nhà báo người Anh Sue Lawley. “Tôi đã rời phòng khách sạn để đi đón thằng bé rồi cùng ăn trưa. Lory ở đầu dây bên kia, cực kỳ kích động, và nói rằng thằng bé đã chết. Và tôi không thể tin được vào điều đó.”
Clapton nói rằng ông cảm thấy “ớn lạnh sống lưng” và “tắt máy ngay lập tức” sau khi nghe tin. Và vẫn không thể tin được vào chuyện đã xảy ra, Clapton đã vội vã chạy từ khách sạn đến tòa chung cư, nơi ông nhìn thấy “xe cứu hỏa và xe cấp cứu” đang đỗ bên ngoài. Khi bước chân vào căn hộ đầy những người đến từ dịch vụ ứng cứu khẩn cấp, Clapton nhớ lại rằng lúc đó ông cảm thấy như cảnh tượng đó không liên quan gì đến mình. “Tôi cảm giác như mình đã bước vào cuộc sống của một người khác. Và đến giờ tôi vẫn cảm thấy như vậy,” Clapton nói với Lawley.
Tang lễ của Conor được tổ chức 2 ngày trước sinh nhật lần thứ 46 của nghệ sỹ.
Clapton mô tả mối quan hệ của mình với Conor là mối quan hệ gần gũi nhất mà ông có được cho đến thời điểm đó trong cuộc đời mình, và ông cho rằng con trai mình là một trong những lý do khiến ông tỉnh táo trở lại.
Vào cuối những năm 1970, Eric Clapton đã bỏ heroin nhưng lại sử dụng rất nhiều loại chất gây nghiện khác nhau, bao gồm cocaine và rượu. Và chỉ khi Conor chào đời vào năm 1986, ông mới có động lực để trở lại cuộc sống lành mạnh.
“Tôi đã thực sự làm điều đó vì Conor bởi tôi nghĩ bất kể tôi là một kẻ như thế nào, tôi cũng không thể ở bên thằng bé trong tình trạng như vậy,” Clapton viết trong cuốn hồi ký “Clapton: The Autobiography” năm 2007. “Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ rằng khi thằng bé hình dung về tôi, thì đó lại là hình ảnh về một người cha tồi tệ.”
Ba năm sau khi Conor qua đời, Clapton cho biết thay vì quay trở lại lối sống cũ, bi kịch này đã tiếp thêm sức mạnh để ông tiếp tục thực hiện lời hứa của mình với Conor và tiếp tục sống một cuộc đời lành mạnh hơn. Để đối mặt với nỗi đau buồn vô hạn đó, ông đã dành nhiều tháng sau cái chết của Conor để bay qua bay lại giữa Anh và Antigua, tham dự các buổi trò chuyện về vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ tại các nhà cao tầng, tìm kiếm niềm an ủi trong cây đàn guitar và sáng tác âm nhạc.
Hai ca khúc được sáng tác trong thời kỳ này được lấy cảm hứng trực tiếp từ những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời ông. “Circus Left Town” kể về kỷ niệm hai cha con đi xem xiếc vào đêm trước khi Conor qua đời. “Tears in Heaven” thậm chí còn giàu cảm xúc hơn, với câu hỏi khắc khoải rằng liệu chúng ta có gặp lại những người thân yêu đã qua đời trước mình hay không.
Vào thời điểm đó, Eric Clapton đang làm về âm nhạc cho bộ phim “Rush” năm 1991, cùng sáng tác với người viết lời Will Jennings. Và ông ngỏ ý muốn Jennings viết tiếp phần lời cho “Tears in Heaven.” Jennings đã cố gắng tìm cách từ chối, nhưng không thể.
Vào thời điểm đó, Jennings đã là một nhạc sỹ xuất sắc. Đối với ông, câu đầu tiên của bài hát là quan trọng nhất, và Eric đã hoàn thành câu đầu tiên. Điều này giúp ông dễ dàng điền vào các dòng còn lại.
Jennings cho biết trên Songfacts: “Eric đã viết câu đầu tiên của bài hát, với tôi đó đã là toàn bộ bài hát, nhưng anh ấy vẫn muốn tôi viết phần còn lại. Tôi nói với anh ấy rằng đó là việc cá nhân của anh ấy, và anh ấy nên tự viết mọi thứ.”
Còn đối với Clapton, ca khúc đó dựa trên một thứ gần như là bản năng thuần túy. “Tôi đã sử dụng âm nhạc trong tiềm thức như thể một tác nhân để chữa bệnh, và thật tuyệt vời là nó đã phát huy tác dụng,” ông cho biết trên ABC News nhiều năm sau đó.
Trong các cuộc phỏng vấn, Eric Clapton cho biết ý tưởng về bài hát đã xuất hiện trong đầu ông từ rất lâu trước đó, nhưng ông ấy không tài nào khiến cho nó trở nên hiện hữu cho đến khi thảm kịch xảy ra. Đó là câu hỏi mà Clapton đã tự đặt ra rất lâu trước đó, khi ông nội của ông qua đời, rằng “liệu chúng ta có thực sự gặp lại nhau hay không?”
Ban đầu, ông không định phổ biến ca khúc này trước công chúng, tuy nhiên, sau đó đạo diễn của “Rush” đã thuyết phục ông phát hành ca khúc này, bởi ông cho rằng bài hát sẽ giúp những người gặp hoàn cảnh tương tự có thể vượt qua nỗi đau, giống như chính Eric Clapton.
“Tears in Heaven” không phải là một ca khúc vui vẻ, và “Rush” nhanh chóng mờ nhạt tại các rạp chiếu phim, nhưng bài hát sau đó đã trở thành một bản hit quốc tế và là đĩa đơn bán chạy nhất của Clapton tại Mỹ.
Sau đó, Clapton cũng đưa “Tears in Heaven” vào album “Unplugged” phát hành năm 1992 của mình. Dù xuất phát từ cảm xúc riêng của một người cha mất con, niềm hy vọng và nỗi đau tưởng chừng không thể chịu đựng được từ ca khúc đã chạm đến trái tim của hàng triệu người nghe.
Bi kịch của Conor đã thúc đẩy Clapton đến với Ruth Kelly Clapton. Cô bé sinh trước Conor 1 năm, là con của Clapton và Yvonne Kelly, một giám đốc phòng thu tại Mahattan. Đề nghị được gần gũi hơn với con gái của Kelly trong khoảng thời gian Conor qua đời đã được chấp nhận, và sau nhiều lần tiếp xúc, cả hai đã xây dựng được một mối quan hệ thân thiết.
Clapton đã viết trong hồi ký của mình: “Thật tuyệt vời khi lại được ở bên một đứa trẻ – một đứa con của tôi.”
Clapton nhớ lại: “Nhìn lại những năm tháng đó, tôi nhận ra ảnh hưởng sâu sắc của con bé đối với hạnh phúc của mình. Sự hiện diện của con bé trong cuộc sống của tôi là điều rất quan trọng khiến tôi hồi phục trở lại sau mất mát. Con bé khiến tôi nhận thấy mình vẫn còn điều thực sự cần quan tâm trong cuộc đời, và khiến tôi trở lại thành một con người bình thường một lần nữa.”
Năm 2004, Eric Clapton tuyên bố sẽ ngừng biểu diễn “Tears In Heaven” bởi: “Tôi không còn thấy mất mát nữa, trong khi đó là cảm xúc cốt yếu để hát được tốt ca khúc này. Những xúc cảm khi viết nên ca khúc ấy đã mất hết trong tôi rồi và thật sự, tôi không muốn chúng trở lại.”
“Cuộc sống tôi giờ đã khác. Ca khúc ấy hay cả chuyện quá khứ cần được yên nghỉ và nếu được, tôi sẽ giới thiệu chúng theo một cách mới,” Eric cho biết thêm.
Đến năm 2013, Eric quyết định đưa ca khúc này trở lại lần đầu tiên trong tour diễn vòng quanh thế giới kỷ niệm 50 năm sự nghiệp.
Eric cũng từng trả lời trên ABC News rằng bất chấp thảm kịch, ông cũng thấy hài lòng vì đã góp phần nâng cao nhận thức về sự an toàn của trẻ em sau cái chết của Conor. Sau vụ tai nạn này, chính quyền thành phố New York đã phải xem xét lại về luật quy định việc lắp lưới bảo vệ an toàn tại chung cư và các tòa nhà cao tầng.
Ông đã từng khuyến cáo mọi người: “Hãy sử dụng lưới cửa sổ và cổng an toàn trên cầu thang. Đây là một điều rất dễ dàng và nó có thể giúp ngăn chặn một thảm kịch khủng khiếp. Hãy tin tôi. Tôi biết rõ điều này”.