Chuyện phim dở: Trách nhiệm của nhà sản xuất hay biên kịch?

Trong khi giải Oscar cho Phim hay nhất được trao cho người đứng đầu dự án phim – nhà sản xuất, thì tại sao phim dở lại nằm ở trách nhiệm của một mình người biên kịch?

Nghề viết kịch bản tưởng dễ mà không hề đơn giản. (Ảnh minh họa: Limitless/ScreenJunk)

Sau một năm nhiều biến động vì dịch bệnh, khán giả có cơ hội nhìn lại và quan tâm nhiều hơn tới điện ảnh Việt Nam. Nhiều phim ra đời nhưng chất lượng không được tốt và câu chuyện được quan tâm chính là: Biên kịch dở hay lỗi do nhà sản xuất?

Kịch bản tốt chưa chắc có phim hay

Theo nhận định của các nhà làm phim, kịch bản tốt chưa chắc làm nên một bộ phim hay, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn xuất, chất lượng hình ảnh, âm thanh…

Tuy nhiên, một bộ phim hay chắc chắn phải có kịch bản tốt, còn một kịch bản dở chắc chắn dẫn đến một bộ phim tệ. Song, kịch bản hay hoặc dở lại không phụ thuộc 100% vào người biên kịch.

Trên thực tế, nhà sản xuất (hay còn gọi là nhà làm phim) mới là người chịu trách nhiệm nội dung bộ phim. Biên kịch chỉ như người thư ký, chắp bút cho mong muốn, hình dung của nhà sản xuất về phim của họ.

Biên kịch, đạo diễn Kay Nguyen (phải) và biên kịch/nhà sản xuất Tilo Owsley của nhóm A Type Machine – tác giả kịch bản của 3 phim Việt dự sơ tuyển Oscar ”Cô Ba Sài Gòn,” ”Hai Phượng” và ”Mắt Biếc.” (Ảnh: NVCC)

Từng đứng ở vị trí của đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch Kay Nguyễn cho biết: Ở những dự án lớn, trước khi tiếp cận biên kịch, nhà sản xuất đã có hình dung khá rõ về bộ phim của mình: Từ nội dung, các cảnh quan trọng, chính yếu… đến poster, trailer. Thậm chí họ cũng đã “đo ni đóng giày” sẵn nhiều nhân vật, vai diễn cho các diễn viên của mình.

“Nhà sản xuất có thể mất tới hàng năm trời tính toán những việc kể trên, sau đó mới gọi tới người viết kịch bản. Khi biên kịch chắp bút, họ trở thành người viết thuê cho nhà sản xuất, thế nên trong ngành mới có câu nói ‘Biên kịch chỉ giỏi bằng mức nhà sản xuất cho phép họ được thể hiện mà thôi’,” chị chia sẻ.

Vì vậy sẽ là không công bằng nếu để một mình biên kịch phải nhận toàn bộ búa rìu dư luận vì một bộ phim dở.

“Tôi bức xúc vì biên kịch Việt Nam suốt ngày bị chê là viết dở. Chỉ vì yếu tố dễ nắm bắt và dễ nhận thấy nhất là câu chuyện trong kịch bản mà khán giả lại nhằm cái dễ nhận thấy nhất đó để trách móc.

Ngay cả khi biên kịch phải liên tục sửa rất nhiều mà bỗng dưng dự án hết tiền, có thể nhà làm phim buộc phải cắt bỏ phần tiền đầu tư đồ họa, âm nhạc… và gây ảnh hưởng đến chất lượng chung của bộ phim, lỗi đâu phải do biên kịch,” biên kịch Kay Nguyễn chia sẻ.

Vì thế khi xem phim, khán giả cần hiểu chất lượng của phim thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. “Việc này cũng giống như giải thưởng Oscar cho hạng mục Phim hay nhất cũng được trao cho nhà sản xuất vậy,” chị nói.

Biên kịch chỉ dành hơn 80% thời gian để để sắp xếp, chỉnh sửa các thẻ nội dung có trong kịch bản. (Ảnh minh họa: Monte Williams/Linkedin)

Nói về quá trình hình thành một kịch bản, nhiều người nghĩ rằng biên kịch chỉ cần ngồi một chỗ để viết ra tác phẩm hoàn chỉnh. Trên thực tế, người trong nghề cho biết họ phải dành hơn 80% thời gian để xây dựng và sắp xếp nội dung.

Cụ thể, biên kịch sẽ ghi các phần, các tình tiết dự kiến có trong phim lên nhiều chiếc thẻ nhỏ, rồi gắn chúng lên những tấm bảng để sắp xếp, chỉnh sửa trình tự nội dung, tranh luận, tính toán kỹ càng… trước khi dành khoảng 20% thời gian còn lại cho việc đổ chữ lên giấy.

Nhiều người đang “lấy tiền” của biên kịch

Từ chia sẻ của một nhà sản xuất tại Việt Nam đã có kinh nghiệm làm việc ở thị trường điện ảnh quốc tế, tổng chi phí dành cho việc viết và chỉnh sửa kịch bản chưa bao giờ là rẻ.

Ở nhiều dự án lớn, số tiền này có thể chiếm không dưới 5-10% mức đầu tư cho cả phim.

“Tuy nhiên, đôi khi nhà sản xuất không tin vào khả năng của biên kịch nên đã thuê họ với giá quá rẻ. Trong 2-3 tháng viết kịch bản – thời gian dù ngắn nhưng là ‘tiêu chuẩn bất thành văn’ của thế giới – người biên kịch đáng được nhận mức thù lao tốt để họ chuyên tâm vào sản xuất. Trong trường hợp nếu nhà sản xuất trả ít tiền, nhận về kịch bản dở thì cũng là lẽ bình thường,” nhà sản xuất này cho biết.

Anh gọi đây là tình huống “tam giác bất khả”: “Trong tam giác của rẻ-nhanh-chất lượng, bạn không thể có cả 3 yếu tố cùng lúc, tối đa chỉ có thể là 2 yếu tố mà thôi. Nếu muốn nhanh và rẻ thì chắc chắc không chất lượng, còn nếu muốn nhanh và chất lượng thì cái giá không thể rẻ được,” nhà sản xuất này cho biết.

Một trong những nguyên nhân khiến thù lao biên kịch thấp là sự thiếu niềm tin của nhà sản xuất vào người viết kịch bản. (Ảnh minh họa).

Sau khi mua về một kịch bản dở, nhà sản xuất buộc phải khắc phục bằng cách phải thuê thêm một hoặc nhiều biên kịch khác để sửa. Có khi, chính nhà sản xuất đó hoặc diễn viên, đạo diễn trong ê-kíp cũng cùng ‘nhảy’ vào sửa.

“Vì thế, số tiền bỏ ra cho kịch bản rõ ràng là lớn, nhưng số đầu người phải chia tiền cũng tăng, thành ra mỗi người chỉ được cầm một khoản tiền nhỏ. Có thể nói là chính họ đang lấy tiền của biên kịch, để lại cho biên kịch chỉ 100-200 triệu đồng sau nhiều tháng làm việc, có khi cả năm trời,” anh nói.

Biên kịch cũng cần tự trách mình

Rõ ràng, câu chuyện thiếu niềm tin vào biên kịch của nhà sản xuất thời gian qua cũng là điều phải suy ngẫm. Bởi lẽ, nếu một kịch bản thực sự tốt, phù hợp với thị trường thì có lẽ không nhà sản xuất nào lại chỉnh sửa cho… dở đi.

Nhà sản xuất giấu tên trên cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, người viết kịch bản cần phải trau dồi khả năng để cho ra sản phẩm thuyết phục nhà làm phim ngay từ đầu; khiến họ thấy biên kịch có thể tiếp tục chỉnh sửa theo ý của nhà sản xuất cho đến ngày dự án khởi quay và không cần kiếm thêm người khác “chọc tay” vào kịch bản.

Đạo diễn Kay Nguyễn cho biết vì mỗi thể loại phim kịch tính, kinh dị, hài, giao đấu… đều có kỹ thuật viết khác nhau, biên kịch nên trau dồi chuyên môn ở một thể loại nhất định để cho ra kịch bản sâu và tốt, lấy được lòng tin của nhà sản xuất.

“Ví dụ kịch bản cho thể loại thriller (giật gân) phải thể hiện được sự hồi hộp, có chi tiết giấu giếm, gài cắm, có nhân vật bị truy đuổi; hài thì phải có các các mảng, miếng hài đặc sắc thế nào, chọc cười ra sao…” chị cho biết.

Diễn viên Trấn Thành, biên kịch Bình Bồng Bột, đạo diễn Charlie Nguyễn trong Vietnam Cinema 2020, bày tỏ kỳ vọng thay đổi ở thù lao, trình độ của biên kịch Việt Nam trong năm mới 2021. (Ảnh chụp màn hình)

Trong chương trình Vietnam Cinema 2020, sau khi diễn viên Trấn Thành kêu gọi tăng lương cho người biên kịch và người dựng phim, biên kịch Bình Bồng Bột (“Tiệc trăng máu,” “Trạng Tí”…) cũng nói rằng anh hy vọng “thù lao cho biên kịch sẽ tăng gấp đôi,” với điều kiện trình độ của anh và những người đồng sự phải “tăng gấp ba.”

Ở phương diện nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn (phim Dòng máu anh hùng) cũng kỳ vọng vào một thế hệ biên kịch tiềm năng mới chứ không chỉ một vài cá nhân xuất sắc.


From the same category