COVID-19: Hàn Quốc giãn cách hết Tết, dân Thái Lan muốn tiêm phòng - Tạp chí Đẹp

COVID-19: Hàn Quốc giãn cách hết Tết, dân Thái Lan muốn tiêm phòng

Sống

Hàn Quốc duy trì các quy định giãn cách xã hội hiện tại trong hai tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; trong khi hầu hết người dân Thái Lan được hỏi đều muốn tiêm vắcxin COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 31/1 cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ: “Làn sóng lây nhiễm thứ ba lại ập vào Hàn Quốc. Do đó, chính phủ quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội hiện tại trong hai tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.”

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội để giúp hồi sinh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, do số ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các trường học và bệnh viện vẫn tiếp tục tăng, nên chính phủ quyết định gia hạn các biện pháp này.

Kể từ ngày 8/12/2020, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong thang bậc 5 cấp, ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ năm người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc.

Ngày 22/1, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua với 346 ca sau khi đạt đỉnh 1.241 ca trong ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, số ca lây nhiễm lại gia tăng và tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 (tức số người mà một bệnh nhân COVID-19 làm lây nhiễm), đã tăng lên.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Hàn Quốc cũng cho biết nước này sẽ tiêm vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho 60.000 người sớm nhất vào giữa tháng Hai và vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh) cho 2,19 triệu người trong nửa đầu năm nay.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 355 ca nhiễm mới ngày 31/1, trong đó có 325 ca lây nhiễm trong nước.

Kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit Rajabhat được công bố ngày 31/1 cho thấy hầu hết người dân Thái Lan được hỏi muốn được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, nhưng vẫn lo lắng về các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Cuộc thăm dò được thực hiện theo phương pháp trực tuyến đối với 1.570 người trên khắp đất nước Thái Lan trong thời gian từ ngày 22-29/1. Khoảng 65,99% số người được hỏi muốn được tiêm vắcxin phòng COVID-19 nhưng muốn chờ xem liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào không; 20,70% muốn được tiêm chủng ngay lập tức; và 13,31% không muốn tiêm chủng.

Thái Lan đã lên kế hoạch bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 từ tháng tới. Đợt đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra từ tuần thứ ba của tháng 2/2021 và đợt thứ hai sẽ diễn ra sau đó 12 tuần, hoặc khoảng thời gian giữa tháng Năm và tháng Sáu.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch tiểu ban quản lý vắcxin ngừa COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan, Sophon Mekthon cho biết lô vắcxin đầu tiên gồm 50.000 liều của hãng AstraZeneca dự kiến sẽ đến nước này vào tháng Hai và sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và những người có tình trạng sức khỏe kém ở những tỉnh có số ca nhiễm cao là Samut Sakhon, Nonthaburi, Samut Prakan, Pathum Thani và Tak. Sau đó, vào tháng Sáu, chính phủ sẽ bắt đầu dành vắcxin cho nhiều nhóm hơn.

Theo ông Sophon, trong trường hợp lô vắcxin AstraZeneca thứ hai không đến đúng hạn, Thái Lan có thể sẽ sử dụng một biến thể sản xuất trong nước của loại thuốc đó để thay thế. Do chính phủ dự định tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho tất cả “những người sống ở Thái Lan” trên cơ sở tự nguyện, việc tiêm vắcxin cho những lao động nhập cư sẽ phải liên quan đến các kế hoạch đồng chi trả, trong đó chủ lao động của họ sẽ phải đóng góp.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 31/1 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đảm bảo rằng việc phân phối vắcxin ngừa COVID-19 sẽ công bằng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo người phát ngôn, công tác tiêm phòng COVID-19 ở Thái Lan bao gồm ba giai đoạn, trong đó hai giai đoạn đầu dành cho các đối tượng ưu tiên theo thứ tự và giai đoạn thứ ba là tiêm vắcxin cho toàn dân để đưa đất nước trở lại bình thường.

Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ phát triển vắcxin ngừa COVID-19 ở trong nước. Ba loại vắcxin tiên tiến nhất đang được phát triển là loại mRNA của Khoa Y thuộc Đại học Chulalongkorn, loại tiểu đơn vị protein (dựa trên thực vật) của Công ty Baiya Phytopharm và Khoa Dược thuộc Đại học Chulalongkorn, và loại DNA của Công ty Bionet-Asia.

Ngày 31/1,Thái Lan ghi nhận thêm 829 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 18.782 ca, trong đó có 77 ca tử vong. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết có 822 ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong đó lao động nhập cư người Myanmar chiếm 680 ca ở tỉnh Samut Sakhon) và bảy ca nhập cảnh.

Tác giả: Mạnh Hùng-Ngọc Quang (VietnamPlus)

31/01/2021, 21:11