Đa phần mọi người đều nghĩ rằng, mọi nguồn cơn đau khổ đều phụ thuộc vào mức độ tình cảm ta dành cho người kia. Theo đó, người trao gửi tình cảm nhiều hơn sau chia tay sẽ cảm thấy khó để vực dậy, chứ chưa nói tới việc đi bước tiếp theo. Tuy nhiên, theo chuyên gia về mối quan hệ và ngôn ngữ cơ thể Katia Loisel, đàn ông và phụ nữ có những cách thể hiện khác nhau khi đối mặt và bước qua một cú sốc tình cảm.
Nhìn nhận về góc độ tâm lý, dù phụ nữ sẽ trải qua cảm giác đau khổ về tinh thần và thể xác nhiều hơn, nhưng lại sẽ phục hồi và tự chữa lành vết thương nhanh hơn đàn ông. Một cuộc khảo sát mức độ đau khổ về tình cảm của cả 2 giới cho thấy, mức độ chịu đựng ở nữ thể hiện con số 6.84 cao hơn so với nam giới là 6.58. Không chỉ vậy, nỗi đau về thể xác cũng ở mức cao hơn so với cánh mày râu.
Nữ giới thường đặt hết niềm tin và tình cảm của mình dành cho nửa kia. Trong khả năng có thể, họ luôn muốn sửa chữa mối quan hệ thay vì chỉ đơn giản là chấm dứt. Và đối với một người nghiêm túc trong chuyện tình cảm, họ ý thức được một khi mối quan hệ tan vỡ là chấm dứt thật sự thay vì xem chuyện đó như một trò đùa. Đối mặt sớm với sự đau buồn không ít thì nhiều sẽ giúp họ có khả năng vượt qua sớm hơn. Họ bắt đầu dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè và làm mới cuộc sống của mình. Nữ giới dặn lòng sẽ không mảy may để tâm tới một cuộc tình đã đi vào dĩ vãng nữa.
Ngược lại, phái mạnh thường khá điềm tĩnh với quyết định buông tay và không có dấu hiệu đau buồn, luyến tiếc. Có ít nhất 3 lý do lý giải được tình trạng này. Một là, họ chưa đủ trưởng thành trong tình yêu, tính tình sớm nắng chiều mưa nên lời chia tay được thốt ra còn trước cả khi họ nhận ra sự quan trọng của người kia. Hai là, họ cảm thấy bình thản sau một cuộc đổ vỡ với tâm lý rằng mình không còn bị ai trói buộc.
Cuối cùng, theo các nghiên cứu cũng cho thấy, bộ não đàn ông thường phản ứng rất chậm trong các vấn đề về tình yêu. Ngay cả khi rời xa người mình yêu, họ phải mất ít nhất 1 tháng mới nhớ đến người cũ và tìm lại ký ức về khoảng thời gian tươi đẹp của cả hai. Lúc này, họ rơi vào căn bệnh PRG (Cảm giác đau buồn sau một mối quan hệ) trong một thời gian dài. Khi những mất mát ngày càng rõ hơn, họ mới bắt đầu đau khổ và nhớ thương tình cũ quay quắt. Tinh thần suy sụp cũng khiến nam giới sa đà vào rượu bia và chất kích thích.
Trong khi phụ nữ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và dần dà đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo, thì đàn ông cảm thấy mọi chuyện thật tồi tệ, ủ rủ hơn rất nhiều so với sự đau buồn trước đó của nữ giới. Thậm chí, nhiều người còn vì không thể chấp nhận được cuộc tình đã không còn hy vọng níu kéo mà không ngừng làm phiền gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người kia.