Nhà chính trị gia lỗi lạc người Mỹ – Bess Myerson đã từng viết rằng: “Yêu thì đơn giản vô cùng nhưng thất tình thì thật là kinh khủng”. Trong chuyện tình cảm, nếu may mắn thì đôi tình nhân buộc phải dừng lại vì cả hai không thể cùng nhau đi tiếp, còn đau đớn hơn thì một trong hai bị nửa kia nhẫn tâm phản bội. Những cú sốc trong tình yêu tưởng chừng sẽ vùi chôn một người mãi mãi, nhưng sẽ không nếu chúng ta biết cách để vượt qua.
Bất cứ ai trải qua một cuộc chia tay đều ước rằng mình có thể trở lại trạng thái bình thường sớm nhất có thể. Thế nhưng, nhiệm vụ khó khăn nhất đối của người đáng mang trong mình niềm đau là giải thoát tâm hồn khỏi những cảm xúc hỗn độn đó.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Journal of Positive Psychology, chúng ta cần ít nhất 11 tuần để cảm thấy tốt hơn sau khi kết thúc một mối quan hệ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy, 18 tháng là khoảng thời gian cần để hàn gắn vết thương lòng. Trên thực tế, việc hồi phục sau đổ vỡ sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn như thế nào, một cuộc tình đậm sâu hay chớp nhoáng, vụ lợi. Quá trình hàn gắn có thể còn khó khăn hơn nếu bạn mãi tiếc nuối những kỷ niệm đẹp đã cũ.
Đây là kim chỉ nam dành cho cả người thất tình và người đang trong một mối quan hệ. Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy tổn thương khi chuyện tình cảm bất thành, nhưng sẽ không đến mức hủy hoại bản thân hay cảm thấy không thể sống tiếp. Trong khi đó, nếu ký gửi hạnh phúc và niềm vui của đời mình vào tay người khác, thì thất vọng, buồn bã, cay đắng và đau đớn sẽ chiếm lấy bạn ngay khi mọi kỳ vọng vỡ tan tành. Thay vào đó, yêu bản thân và tử tế với chính mình nên là điều bạn tâm niệm dù là độc thân hay đang hạnh phúc với nửa kia.
Quyết định tha thứ là một cuộc đấu tranh nội tâm không hề dễ dàng với người chịu đựng sự tổn thương. Thế nhưng, thù hận, oán trách cũng không khiến bạn thoải mái hay tìm lại niềm vui. Nếu đó là một người tồi tệ, hãy cứ đơn giản là bỏ lại mọi thứ sau lưng, “xốc” lại tinh thần và tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn. Như triết gia Jonathan Lockwood Huie, người nghiên cứu và suy nghẫm về hạnh phúc, từng nói: “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản.” Người gây ra niềm đau cho chúng ta vốn không xứng đáng để được ghi nhớ quá lâu trong cuộc đời này.
Nếu bạn đã hết lòng cho người mình yêu trong suốt một khoảng thời gian dài, đây là lúc rất cần để tận hưởng cuộc sống tự do tự tại. Thay vì cuống cuồng tìm một đối tượng mới khi bản thân thật sự chưa sẵn sàng, hãy tận dụng thời điểm này tạo dựng một hình ảnh mới hơn cho chính mình. Không phải một cuộc tình hay bất kỳ điều gì khác, chính bản thân bạn mới nên được đầu tư và xem trọng hơn cả. Cuộc sống độc thân, tự do không ràng buộc có hàng vạn điều thú vị, chẳng qua bạn chưa thật sự biết cách tận hưởng nó mà thôi.
Vài người sau khi bước ra khỏi một mối quan hệ đổ vỡ sẽ chọn đóng cửa trái tim mình vì sợ dẫm phải vết xe đổ. Thế nhưng, không phải mối quan hệ nào cũng kết thúc trong đau khổ, người mà ta cho cơ hội tiếp theo không biết chừng là mối duyên tuyệt vời hiếm có khó tìm. Tác giả của quyển sách “The Wounded Healer” – Henri Nouwen cũng đồng tình với nhận định trên, khuyến khích mỗi người không nên ép bản thân dừng khao khát yêu và được yêu. Bởi bạn không thể ngăn cản tình yêu đến, hay khiến trái tim thôi rung động một lần nữa với những yêu thương chân thành.