Biến đổi khí hậu: Người châu Âu ngày càng hạn chế đi lại bằng máy bay - Tạp chí Đẹp

Biến đổi khí hậu: Người châu Âu ngày càng hạn chế đi lại bằng máy bay

Gentlemen by Đẹp

Khảo sát cho thấy 74% người được hỏi cho biết họ có ý định cắt giảm tần suất di chuyển bằng máy bay vì lý do môi trường một khi biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Munich, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đa số công dân châu Âu được khảo sát cho biết họ có dự định hạn chế di chuyển bằng máy bay và tiêu thụ ít thịt nhằm góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo cuộc khảo sát do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố ngày 11/1, trong số 27.700 người thăm dò ý kiến tại 27 nước thành viên của EU, 74% trong số đó cho biết họ có ý định cắt giảm tần suất di chuyển bằng máy bay vì lý do môi trường một khi các biện pháp hạn chế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được dỡ bỏ. Trong số này có 43% người được hỏi cho biết họ sẽ thực hiện điều này “mọi lúc” và 31% cho biết sẽ “thỉnh thoảng.”

Khi được hỏi liệu họ có dự định chọn di chuyển bằng tàu thay vì máy bay cho các hành trình ngắn, 71% người được hỏi trong cuộc khảo sát của EIB trả lời họ sẽ thực hiện điều này.

Cũng theo cuộc thăm dò được thực hiện từ tháng 10-11/2020, 66% người châu Âu được khảo sát cho biết họ đã ăn ít thịt hơn, qua đó giúp hạn chế hoạt động chăn nuôi và góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, 13% người được hỏi cho biết họ dự định sớm thực hiện điều này.

Phó Chủ tịch EIB Ambroise Fayolle nhận định người dân EU cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu và họ mong muốn cuộc khủng hoảng khí hậu cần được giải quyết “bằng hành động chưa từng có tiền lệ.” Ông cho biết EIB có thể hỗ trợ người dân thích nghi với những thói quen lành mạnh, thân thiện với môi trường bằng cách tài trợ năng lượng sạch và phương tiện giao thông phát thải ít CO2.

Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVD-19 lây lan đã khiến lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm trong năm 2020 so với những năm gần đây. Tuy nhiên, năm 2020, cùng với năm 2016, lại được xác định là hai năm nóng nhất lịch sử, cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cắt giảm khí thải để thể giới tránh bị “mắc kẹt” trong một tương lai “thảm họa.”

EU đang soạn thảo một gói chính sách mới nhằm hạn chế ô nhiễm, bao gồm các biện pháp như cải tạo các tòa nhà để sử dụng ít năng lượng hơn, buộc các nhà sản xuất ôtô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn và áp phí carbon cao hơn đối với các nhà máy.

EU cũng đặt mục tiêu cung cấp 3 triệu điểm sạc điện công cộng dành cho ôtô điện vào năm 2030. Ngoài ra, lệnh cấm đối với ống hút nhựa và dao sử dụng một lần sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Tác giả: Phương Oanh (VietnamPlus)

12/01/2021, 11:17