Đang ở trong một mối quan hệ nhưng vẫn thấy cô đơn cùng cực và tất cả đều có lý do

Đối phương vẫn ở bên cạnh bạn, thậm chí là ngủ cùng một phòng nhưng bạn vẫn cảm thấy sự cô đơn mãnh liệt đang tồn tại. Nó tựa như một vách ngăn vô hình và ngày qua ngày từng chút phá hủy tâm hồn bạn. Chỉ có một người đầu tư nhiều thời gian, năng lượng, nỗ lực, tài chính, tình cảm… còn người kia thì không. Mối quan hệ một chiều là một mối quan hệ thiếu cân bằng trong việc cho đi và nhận lại. 

Tình trạng này khiến người trong cuộc vô cùng kiệt sức vì mối quan hệ thiếu cân bằng này không làm cuộc sống của bạn phong phú cũng như tăng sự kết nối sâu sắc giữa hai người yêu nhau. Và đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào kiểu quan hệ này:

Nỗ lực của bạn luôn bị đánh giá thấp

Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy việc nuôi dưỡng sự thân mật của hai người trở thành trách nhiệm của riêng mình, thay vì nên được chia sẻ thì bạn đang đơn phương trong mối quan hệ này. Thậm chí, những nỗ lực và sự vun đắp của bạn luôn bị người kia đánh giá thấp hoặc giảm đi tầm quan trọng, bằng việc cho rằng bạn đang phóng đại cảm xúc một cách không cần thiết. Dù bạn dốc lòng cho họ ra sao, họ cũng không đồng cảm và thực sự đón nhận. Lòng bạn đang trống rỗng nhưng họ không mảy may chạm đến.

Bạn cảm thấy mình không đủ tốt để được quan tâm

Bạn hết lòng hết dạ với đối phương nhưng mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Theo thời gian, bạn bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của mình và tin rằng mong muốn của bạn không đủ quan trọng để người kia đáp ứng. Rốt cuộc, nếu bạn đủ tốt, họ sẽ không muốn làm cho bạn hạnh phúc sao? Tâm trí của bạn cứ xoay vòng với sự hoài nghi chính mình như thế.

Bạn luôn bào chữa cho biểu hiện của người kia

“Anh ấy/cô ấy đã có một ngày tồi tệ hoặc đang trải qua một giai đoạn khó khăn.” là câu cửa miệng bạn tự xoa dịu mình hoặc bào chữa với mọi người xung quanh. Nghe có vẻ như là một sự thông cảm và hiểu chuyện. Nhưng việc liên tục biện minh cho hành động vô lý, đi quá giới hạn của người yêu cũng đồng nghĩa bạn đang trốn tránh sự thật và tạo điều kiện cho họ ngày một cư xử tệ hơn.

Người nói lời xin lỗi luôn là bạn

Để giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ, bạn có thể thấy mình phải xin lỗi nhiều hơn chỉ để kết thúc các cuộc tranh cãi ngay cả khi bạn không làm gì sai. Bạn có nhận ra rằng có sự bất bình đẳng về quyền lực rõ ràng giữa hai người không? Bạn chấp nhận nhận phần thiệt về mình chỉ vì bạn quan tâm đến cảm xúc của người còn lại và không muốn tình cảm bị sứt mẻ.

Không bao giờ biết chắc chắn cảm xúc của đối phương

Bởi vì sự giao tiếp giữa hai người là rất ít nên bạn thường cảm giác mình suy nghĩ quá nhiều về cách cư xử của nửa kia và không thể dò ra được đối phương đang nghĩ gì. Chính sự không chắc chắn này, bạn có khuynh hướng gạt bỏ cảm xúc của mình và lo nghĩa nhiều hơn cho người cảm xúc của người kia. Một cuộc tình chứa đựng quá nhiều sự phỏng đoán về nhau liệu có thật sự bền lâu?

Kỳ vọng trong chuyện tình cảm của hai người khác nhau

Hạnh phúc và sự dài lâu của mối tình không được ưu tiên nhiều như mong muốn cá nhân. Trong khi bạn muốn cả hai tiến xa hơn, đối phương chỉ thích hò hẹn mà không có ràng buộc. Họ cũng không hào hứng hoặc tha thiết gì khi nghe về những điều quan trọng đối với bạn. Hai bạn đang ở trong một mối quan hệ, nhưng dường như có quá ít sự giao nhau về cả quan niệm sống lẫn sở thích.

Bạn có suy nghĩ sẽ thay đổi hoặc kiểm soát người kia

Bạn thường gợi ý hoặc lèo lái câu chuyện để người kia có thể tương tác, bày tỏ suy nghĩ nhiều hơn nhưng lại thường thất bại. Việc ép buộc ai đó thay đổi con người của họ, ngay cả khi bạn nghĩ điều đó là tốt cho họ cũng chưa chắc đem lại kết quả. Bạn quên rằng mọi người sẽ không thay đổi trừ phi trước hết họ muốn điều đó cho chính mình và sau đó là ý thức được thay đổi này sẽ tốt cho mối quan hệ hiện tại.

Vậy khi nào thì nên cho nhau lối đi riêng?

Nếu người kia không sẵn sàng lắng nghe bạn, điều chỉnh hành vi của mình, phản ứng lại bằng thái độ phòng thủ, đổ lỗi hoặc giận dữ thì đó là tất cả dấu hiệu cho thấy khả năng trở lại quỹ đạo của cuộc tình này là bằng không. Đồng thời, nếu bạn đang trải qua quá nhiều lo lắng, tội lỗi, xấu hổ và oán giận, đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đã phải gánh chịu quá nhiều trách nhiệm.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng kiệt quệ về mặt cả tinh thần lẫn thể chất. Nếu mọi thứ đã đi đến ngưỡng đổ vỡ, đây là lúc bạn nên làm điều tốt cho mình, yêu lấy bản thân để xoa dịu những phần thiệt thòi bấy lâu. Trong bất kỳ mối quan hệ nào thì một bàn tay vỗ cũng không thành tiếng; bạn biết rõ điều này, đúng không nào?


From the same category