Tôi có được nhìn thấy đâu đó bức ảnh chụp bà hồi trẻ, phải nói là một nhan sắc sắc sảo mặn mòi đúng kiểu gái miền Trung, đúng kiểu yêu chí chết của bà?
Nói không phải tự hào chứ đúng là hồi xưa tôi xinh thật, nhiều người đeo đuổi lắm, có cả “đại gia” chứ không đùa đâu, đừng tưởng hồi ấy không có “đại gia”. Có chứ, trời ơi nhiều lắm, già rồi nói sai làm chi! (cười). Thuận Yến đã xấu lại còn nghèo, thế mà mình cứ mê ông ấy mới lạ chứ!
Thì thế mới có được một bóng hồng đẹp đến thế trong “Chia tay hoàng hôn” chứ! Một cuộc chia tay trong khói lửa, khi người chồng không biết vợ mình đã mang thai?
Ấy là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, lúc đó chúng tôi đang ở Huế, cùng anh em trong Đoàn văn công giải phóng Thừa Thiên – Huế. Thế trận căng thẳng, hai vợ chồng được chia làm hai mũi hành quân khác nhau, có lúc tưởng đâu khó lòng gặp lại. Tới lúc gặp được nhau, hai đứa ôm nhau khóc hết nước mắt vì không nghĩ mình còn sống được, không hiểu sao vẫn còn sức về được đến đấy. Nhưng không lâu sau đó, tôi được chuyển ra Bắc vì mắc bệnh tim, và cũng không biết là đã mang thai Thanh Lam.
Mà khổ thân ông Yến, ông ấy sáng tác thì lãng mạn thế thôi chứ thực ra ông ấy sợ đạn bom lắm. Đang ngồi chơi mà nghe tiếng bom là mặt cứ thế tái dại đi, tay chân run cầm cập. Tận đến thời bình, nghe tiếng bom trên TV thôi mà cũng vẫn sợ. Về sau ông mắc chứng alzheimer, tôi đồ là một phần cũng vì nỗi ám ảnh ấy.
Nhưng cũng chính nhờ phôi thai trong khói lửa chiến tranh và chênh vênh giữa hai lằn ranh sống chết ấy mà tình yêu càng trở nên đẹp hơn, sâu hơn và cũng rộng hơn, “nơi gặp” của tình yêu lứa đôi cũng chính là tình yêu đồng bào, đồng chí. Không ai sinh ra để dạn bom đạn cả, nhưng chính sức mạnh tình yêu đã giúp họ trở nên dám sống, và với Thuận Yến là dám quên đi những gian khổ sợ hãi của mình để viết nên những bản tình ca thật đẹp…