Nhà văn William Gibson từng nói đại ý: chúng ta quan sát để chuyển động, và chuyển động để có thể quan sát. Điều này ứng thế nào với hai anh?
Nó làm chúng tôi nhớ đến thời điểm quyết định làm phim. Hồi đó cả hai hăm hở muốn làm bộ phim đầu tiên, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra kinh nghiệm sống và hiểu biết với thế giới bên ngoài hầu như là con số 0, bộ phim có làm ra cũng sẽ rỗng không như vậy. Vì thế chúng tôi không có cách nào khác là lùi lại đôi chút, học trước, làm sau. Đúng là có thực mới vực được đạo, chúng tôi phải có tiền và chút kinh nghiệm thực tế đã trước khi có thể đi xa hơn và quan sát nhiều hơn. Thế nên ban đầu chúng tôi vận động là để quan sát.
Làm phim tài liệu thể hiện rõ ràng sự tương tác cộng hưởng: phải đi thì mới ghi lại được những câu chuyện xứng đáng được kể; nhưng bạn sẽ không thể đi xa được và không kể hay được nếu ở mỗi nơi không chịu khó dừng lại nhìn ngó xem có nhân vật nào cần được trò chuyện, hay địa điểm nào phải đến để có được những source hình đắt giá hơn.
Tôi thích cách hai người từng ví von việc đặt chân tới những quốc gia như Congo, Afghanistan hay Nepal để làm phim giống như đi tới sự mơ hồ (“go to the unknown”). Sự mơ hồ ấy có thể diễn giải như thế nào?
Thường thì bạn không biết mạch câu chuyện sẽ đưa bạn đến vùng đất nào, chứng kiến cảnh tượng gì, nên lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những tình huống mới, nhất là ở những vùng chiến sự hay đại dịch như vậy, điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng cũng có những kỉ niệm rất thú vị nhé. Tôi nhớ đó là một trong những chuyến đi đầu tiên, hai chúng tôi đang ngủ trưa nhờ trong một căn nhà nhỏ cạnh sa mạc ở Burkina Faso (miền Tây châu Phi) thì có một anh bạn chạy đến đánh thức chúng tôi dậy để… thực hành tiếng Đức. Anh bạn này nói tiếng Đức rất giỏi, anh tự học vì thích thôi, nhưng không có nhiều người để luyện tập cùng. Một chuyện khác là khi ở Congo, chúng tôi đi xe suốt 2 giờ để có thể gặp được nhân vật, nhưng phút cuối người ta báo nhân vật vừa lên trực thăng đi mất rồi…