Nếu ắc quy hết điện, bạn sẽ không thể khởi động được xe, nhưng đừng lo lắng, Đẹp sẽ chỉ bạn xử lý trong tình huống đó một cách hiệu quả nhất.
Việc “giãn cách xã hội” với khuyến cáo là mọi người nên ở nhà trong đợt dịch Covid-19 này khiến bạn không sử dụng xe hơi trong suốt cả 2 – 3 tuần, thậm chí lâu hơn. Điều này có thể làm ắc quy xe bị hết hoặc yếu điện làm bạn không thể khởi động xe sau đó. Cũng có khi bạn để xe qua đêm mà sáng hôm sau đã không đề nổ được, đừng quá lo lắng, nhất là với chị em phụ nữ hoặc những ai mới lái xe.
Trước hết, bạn nên biết một chút về những nguyên nhân khiến ắc quy trên xe bị yếu hoặc hết điện.
Đầu tiên là xe để lâu không hoạt động khiến điện năng ắc quy bị hao hụt. Chính vì thế, nếu để xe “trùm mền” lâu ngày như trong đợt dịch này thì cứ khoảng 5–7 ngày bạn nên khởi động xe và để nổ máy chừng 15–20 phút để vừa đảm bảo vận hành xe vừa nạp điện cho ắc quy.
Thứ hai là ắc quy bị hỏng, không có khả năng giữ tích điện. Tuổi thọ trung bình của ắc quy ô tô thường là khoảng 2-3 năm, sau thời gian đó ắc quy có thể bị hỏng bất ngờ. Bạn có thể nhìn vào dấu hiệu nhận biết (màu xanh chuyển sang đỏ hoặc cam) trên bình (nếu có) hoặc đèn báo ắc quy hiển thị trên bảng đồng hồ. Trường hợp hỏng thì chỉ có cách thay mới là tốt nhất.
Nguyên nhân thứ ba là khi dừng, nghỉ hoặc đỗ xe qua đêm mà bạn quên tắt các thiết bị điện như đèn trần, đèn chiếu sáng, xi nhan, hệ thống giải trí, quạt gió điều hòa… Một số xe hơi đời mới sẽ tự động tắt đèn chiếu sáng trước khi bạn bấm khóa xe nhưng đèn đọc sách có thể sẽ không tắt.
Nguyên nhân thứ tư có thể đến từ việc chập các thiết bị điện hoặc các phụ kiện điện mà bạn gắn thêm trên xe khi đi qua vùng ngập nước quá mức… Nhiều lái xe độ thêm nhiều thứ mà quên mất công suất của ắc quy nên làm giảm tuổi thọ hoặc khiến ắc quy hết điện nhanh hơn. Chuột cắn phá gây chập cũng là một trong những nguyên nhân gây hư hỏng ắc quy.
Với nguyên nhân ắc quy bị hết điện thì bạn có thể khắc phục khởi động xe bằng các cách sau:
Nếu là xe số, bạn có thể nhờ người đẩy để xe di chuyển rồi vào số (số cao, thường là 4 hoặc 5,6) thì xe dễ khởi động hơn. Cách này không áp dụng cho xe sử dụng số tự động hoặc CVT.
Nếu bạn không muốn gọi cứu hộ thì hãy liên hệ ngay chiếc xe gần nhất, có thể là xe đỗ bên cạnh hoặc đi ngang qua để câu điện sang khởi động. Muốn làm được điều này thì bạn nên trang bị sẵn một bộ dây câu bình ắc quy để trên xe (hoặc một đoạn dây điện dài hơn 2m chịu tải lớn). Bạn nhờ xe bên cạnh nối dây sang và khởi động xe là xong.
Cách thứ ba là sử dụng thiết bị kích điện, trên thị trường hiện nay có bán nhiều loại này. Nó vừa là sạc dự phòng điện thoại, vừa có thể kích nổ ô tô khi cần thiết.
Đỗ 2 xe cạnh nhau hoặc đấu đầu vào nhau, tắt toàn bộ các thiết bị sử dụng điện trên xe (điều hòa, đèn, giải trí…). Mở nắp ca pô cả 2 xe, vệ sinh qua điện cực ở ắc quy, chiếc xe cho nổ máy và nối các đầu dây theo đúng cực dương với cực dương, âm với âm. Để như thế khoảng chừng 5–10 phút là ắc quy có đủ điện để khởi động xe, hoặc nếu vội thì sau khi đấu xong bạn có thể nổ luôn và di chuyển liên tục chừng 10–20 phút để xe sạc điện vào ắc quy.
Chú ý quy tắc đấu nối dây câu bình như sau: Bạn kết nối cọc dương của xe hết điện trước rồi kẹp vào cực dương của ắc quy xe cho (thường là dây màu đỏ), kẹp đầu âm vào cực âm của xe cho điện đầu còn lại kẹp vào khung xe hết điện (dây màu đen). Không nên nối cực âm của xe ắc quy có điện và hết điện với nhau. Khi tháo thì làm ngược lại, tháo cọc âm trước, cọc dương sau.