NGUYỄN QUANG DŨNG - HỒNG ÁNH: TÌNH BẠN HƠN 25 NĂM VÀ CẶP NÀNG THƠ - ĐẠO DIỄN Ở TUỔI TRUNG NIÊN - Tạp chí Đẹp

Nghe cách Dũng gọi Hồng Ánh trên phim trường của mình: “Ê, bà Ánh, bà lại đây tui nói bà nghe nè”, ai cũng phải phì cười.

Ít ai biết Nguyễn Quang Dũng và Hồng Ánh là đôi bạn học chung từ lớp 6, giữa họ có một tình bạn thân thiết đã kéo dài hơn 25 năm, nhưng phải đến gần đây, Hồng Ánh mới lần đầu tham gia phim của Nguyễn Quang Dũng.

Một người theo đuổi dòng phim thương mại, một người vốn quen mặt trong những thước phim nghệ thuật. Tình bạn của cả hai vô tình mang đến sự giao thoa thú vị trong điện ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đến cuộc phỏng vấn với áo thun, mũ lưỡi trai, quần chớm gối, như đi từ khách sạn xuống bờ biển. Nói chuyện với anh lúc nào cũng vui, vì anh luôn cười tít mắt. Trong nghệ thuật cũng vậy, Nguyễn Quang Dũng quan niệm cái đích cao nhất của làm phim là phải vui.

SỢ BÀ ÁNH CHÊ, KHÔNG THÈM ĐÓNG PHIM GIẢI TRÍ CỦA TÔI

Sau “Tháng năm rực rỡ” và đến “Tiệc trăng máu”, hình như anh lại có nàng thơ mới – Hồng Ánh?
Đúng vậy, một nàng thơ trung niên của một đạo diễn trung niên (cười lớn). Hồng Ánh với tôi là bạn bè thân thiết đã hơn hai chục năm. Đối với tôi, Ánh luôn là một gương mặt quý giá và tài năng bậc nhất của điện ảnh. Điều quan trọng là cách làm việc của Ánh rất nghiêm túc. “Tiệc trăng máu” cũng mới mẻ với Ánh vì đến phim này cổ không còn phải khổ nữa.

Vì sao là bạn bè thân thiết đã lâu nhưng phải tới tận “Tháng năm rực rỡ”, Hồng Ánh mới xuất hiện trong phim của anh?
Bởi vì tới phim này mới có nhân vật phù hợp với Ánh. Thêm nữa là trước đây, Hồng Ánh hay đóng phim nghệ thuật hơn. Tôi cũng không nghĩ Ánh sẽ chịu đóng chính phim thương mại, giải trí như của tôi. Một ngày, tôi chỉ hỏi chơi thôi: “Ủa, bà có đóng phim thương mại không?”. Hồng Ánh bảo: “Có chứ”. Rồi cứ thế, tôi rủ bả đóng phim của tôi, ai dè bả gật đầu cái rột.

Hồng Ánh bảo bây giờ cứ anh mời là sẽ đóng. Anh có vui vì điều này?
Vui chứ, nhưng nhiều diễn viên cũng nói như vậy với tôi lắm (cười). Vì về cơ bản, tôi rất cưng diễn viên. Một thời gian dài trước đây, điện ảnh khó khăn, diễn viên của chúng ta không được chăm sóc đúng mức như nước ngoài.

Theo quan điểm của tôi, diễn viên luôn là người quan trọng nhất của đoàn phim. Ai cũng có thể thay thế được, kể cả đạo diễn, trừ diễn viên. Do đó, tôi vô cùng trân trọng họ.

Thanh Hằng, nàng thơ quen thuộc của anh lại vắng bóng trong dự án mới này. Do anh, do Hằng hay do ai nhỉ?
Thanh Hằng có lẽ đóng phim tôi nhiều nhất, từ “Những nụ hơn rực rỡ”, “Siêu nhân X”, “Mỹ nhân kế” đến “Tháng năm rực rỡ”… Chúng tôi rất hợp nhau, nhưng thú thật, với “Tiệc trăng máu” thì Hằng trẻ quá, ê kíp cũng đề nghị nhưng tôi thấy không hợp.

Trong “Tháng năm rực rỡ”, anh vẫn xếp Thanh Hằng đồng tuổi với Hồng Ánh đó thôi?
Với “Tháng năm rực rỡ”, tôi cũng vẫn thấy Thanh Hằng trẻ. Nhưng lúc đó cũng khó tìm được một diễn viên có “máu đại ca” như Hằng. Thời điểm đó tôi cũng đưa ra nhiều lựa chọn, nhưng cả ê kíp lại chỉ chọn Thanh Hằng, tôi cũng phải chịu. Tôi thì chơi thân với Hằng, bàn ra lại rất kỳ (cười).

THÀ CHẾT TRONG SỰ BAY BỔNG
CÒN HƠN LÀ AN TOÀN MÀ SỐNG

Nếu coi “Ước hẹn mùa thu” là một bước lùi thì ở “Tiệc trăng máu” tới đây, khán giả có thể kỳ vọng Nguyễn Quang Dũng sẽ tiến không?

Tiến hay lùi thực ra đều mang ý kiến chủ quan nhất định. Tôi làm phim cũng nhiều, mỗi dự án lại có một số phận. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và “Siêu nhân X” đều bị chê, doanh thu không cao nhưng tôi lại thích.

Gần như năm nào tôi cũng có phim. Quan trọng là mình không lặp lại mình, hơn là chuyện lùi một bước hay tiến ba bước. Với “Ước hẹn mùa thu”, phải nói là tôi rất thích. “Tiệc trăng máu” thì khéo hơn cả thích, vì tôi… sướng.

Báo chí chê bai, khán giả kêu nhạt, anh lại thích, vì “văn mình vợ người” hay các đạo diễn đôi khi lại ngược đời?

Chắc ngược đời đấy, vì chẳng phải riêng tôi, Victor Vũ hay Charlie Nguyễn cũng đều có những phim tâm đắc mà khán giả và truyền thông lại không thích. Chúng tôi đôi khi muốn làm một cái khác với mình, thành ra mất cái duyên gốc. Nhưng biết sao được, cứ phải dấn thân thôi. Hồi làm “Nụ hôn thần chết”, “Những nụ hôn rực rỡ”, tôi đâu nghĩ sẽ thành công. Ấy vậy mà lại được đón nhận, lại thắng. Đó là sự thú vị và không thể đoán biết của thị trường. 

Thế mà nhiều người nói “Ước hẹn mùa thu” là phim Nguyễn Quang Dũng muốn quên đi?
Không đáng quên chút nào. Sao phải quên? Các phim của mình tôi đều có những thích thú riêng, tôi chả bao giờ muốn chôn vùi bất kỳ cái gì. Nhưng với truyền thông, đôi khi đây lại là câu chuyện khác. Nhắc đến ông Dũng, họ nhắc đến phim thành công, còn không thành công thì nhắc qua qua thôi, làm mờ đi. Chuyện là vậy, chứ nói thật, “Ước hẹn mùa thu” không hề khiến tôi tiếc nuối.

Vậy chứ anh tiếc nuối phim nào?
“Dạ cổ Hoài Lang”. Nó ra đời từ một mơ mộng trong suy nghĩ của tôi, rằng phim Việt Nam chỉ quan tâm đến giới trẻ mà bỏ qua người lớn tuổi. Do đó, tôi làm “Dạ cổ Hoài Lang” để tặng cho người lớn. Tinh thần là vậy, nhưng trong quá trình quay và khi đạt thành phẩm lại có những tiếc nuối nhất định.

Không thể phủ nhận Nguyễn Quang Dũng đã là một thương hiệu của điện ảnh Việt. Nhưng tại sao phim của anh đôi khi vẫn gây chông chênh giữa hay và dở, đáng xem và đáng quên?
Cũng giống như ca sĩ thôi, có bài hit bên cạnh những bài bình thường, thậm chí nhạt. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà họ thành công. Được khen và bị chê là nghiệp của mình. Hôm nay mình làm kiểu này, mai mình làm kiểu khác, bị chê cũng đúng chứ. Nhưng trên cả những điều đó là mình có còn cảm hứng không, có được trải nghiệm không.

Với giới quan sát thì thế hệ đạo diễn như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Cường Ngô có vẻ đang dần xa với những cập nhật của thị trường điện ảnh. Điều này có đúng không?
Có thể, sự cách biệt thế hệ đạo diễn là điều dễ nhìn thấy, nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc vì đó là đam mê, dù có lúc thành công có lúc thất bại, có lúc an toàn, có lúc nguy hiểm. Nhưng tôi thà chết trong sự bay bổng còn hơn an toàn mà sống nên vẫn cứ phải làm những thứ mơ mộng thôi (cười).

Ngoài 40 tuổi, anh mơ mộng những gì?
Mơ mộng muốn làm thêm những món ăn mới cho thị trường, dù mình có được đón nhận hay không. Một đạo diễn đã thành công và sau lại thất bại cũng là chuyện bình thường. Có nhiều lý do, có thể họ đi sớm thời đại hoặc họ đã quá cổ hủ.

Vậy anh nghĩ mình đang ở đứng ở đâu, sớm hơn hay cũ hơn thời đại? 
Điều này chắc phải đợi tác phẩm mới của tôi ra mắt, mọi người xem và nhận định.

ĐỂ DÀNH TÁC PHẨM
CHO THẰNG DŨNG LÀM PHIM

Không nhiều đạo diễn Việt có lượng fan đông đảo như anh, nghĩa là có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền đi xem phim không phải vì ngôi sao mà vì đó là phim của Nguyễn Quang Dũng. Anh biết điều đó không?
Tôi thì đúng là đạo diễn được nhiều người biết đến. Đó một phần là do phim, còn một phần là nhờ tôi làm giám khảo “Vietnam Idol” nên khán giả dễ nhận diện hơn. Nhưng thật ra cũng có người nhầm hoài à, họ tưởng tôi là nhạc sĩ đó chứ.

Một đạo diễn được nhiều người biết đến có áp lực hơn một đạo diễn không mấy ai nhớ mặt gọi tên?
Nghề làm phim không thể không có áp lực, áp lực mỗi ngày, mỗi giai đoạn. Tất nhiên, mình nhận dự án nào cũng phải xem có làm được không, có nhà đầu tư phù hợp không.

Một áp lực khác là làm cái gì mà thấy an toàn thì tôi cũng không vui, không sướng. Vì thế mà anh Lê Hoàng mới nói rất đúng về tôi: phim của Nguyễn Quang Dũng hoặc rất thích xem, hoặc xem và không chịu được.

Lê Hoàng còn bảo phim của Nguyễn Quang Dũng… không thật nữa?
Chắc bởi tôi bị ảnh hưởng nhiều từ series “Harry Potter”. Tôi thích một câu chuyện không thật nhưng suy nghĩ, cảm xúc và mơ ước phải là thật.

Là đạo diễn của phim ca nhạc đầu tiên, phim 3D đầu tiên, Nguyễn Quang Dũng giờ có còn muốn tiên phong như vậy?
Yếu tố 3D trong “Mỹ nhân kế” chỉ để làm marketing, chứ ý đồ của tôi là nói về sự sơ khai của đồng tính nữ trong bối cảnh thời gian của phim. Đạo diễn nào mà chẳng thích làm những cái chưa ai làm.

Nhưng “Tiệc trăng máu” không thể là điều gì quá tiên phong được vì nó là phim remake. Chỉ là nó sẽ có nhiều cái mới. Đó là bộ phim có tới 7 ngôi sao, ai cũng là vai chính. Tất cả cùng chơi một trò chơi, trong bối cảnh duy nhất. Giống như làm show mà có 4 diva hát một bài vậy đó.

Biết khó trong chuyện làm mới nhưng anh vẫn nhận làm phim remake. Là “thừa thắng xông lên” hay bí kịch bản?
Thực ra sau “Tháng năm rực rỡ”, tôi không nghĩ sẽ tiếp tục làm phim remake nhưng dự án này cuốn hút tôi. Phim này concept quá hay, làm rất vui và có thêm nhiều hứng thú.

Nhưng đúng, kịch bản là một vấn đề. Chúng ta quá khan hiếm kịch bản, ít người viết và ít kịch bản hay. Đời tôi đã viết 6 kịch bản, không lẽ lại viết thêm (cười).

Chuyển thể từ kịch bản văn học cũng là một hướng tốt, nhất là khi anh lại có cha là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Sáng. Chắc anh từng nghĩ tới điều này?
Dĩ nhiên, tôi có ý định làm phim từ tác phẩm của ba. Tôi cũng rất thích làm phim về chiến tranh, và cha tôi cũng muốn con trai làm phim từ tác phẩm của ông.

Trước có nhiều người đến hỏi xin chuyển thể kịch bản làm phim, ông toàn bảo: “Thôi để dành cho thằng Dũng nó làm”. Tôi lại phải đùa ông: “Ai làm thì cứ cho người ta làm, có sao đâu mà cứ phải để hết cho thằng Dũng” (cười). Nhưng thú thật, tôi chưa đủ tự tin làm phim của
ba mình.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tìm đọc thêm bài viết của chuyên đề Đẹp+

Tổ chức PHƯƠNG LINH Sản xuất HELLOS. Nhiếp ảnh LƯU MỘC VINH 
Trợ lý nhiếp ảnh NHƯ KHÔI TRẦN Trang điểm và làm tóc THẮNG TRẦN 
Stylist TÔ QUỐC SƠN Trợ lý stylist ĐỖ VĨNH MINH 
Trợ lý sản xuất VƯƠNG MINH Địa điểm 102 PRODUCTIONS
Bài QUANG ĐỨC Thiết kế UYỂN QUÂN

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP