14 bộ phim “feel-good” tràn ngập tinh thần lạc quan đẩy lùi “đại dịch hoảng sợ”

Những ngày gần đây, sự lây lan dữ dội của dịch bệnh đã kéo theo sự bùng nổ của khái niệm mang tên “đại dịch hoảng sợ”. Trong bối cảnh đó, dòng phim “feel-good” đóng vai trò như một liều thuốc tinh thần cần thiết, đan cài vào tâm trí người xem những mảng sáng lạc quan của cuộc sống và ít nhiều tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau “vượt bão”.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, người ta thấy sự hình thành của “feel-good” như một dòng phim riêng của chính mình và ngày càng chiếm sóng rộng rãi trong văn hóa đại chúng. Khi ấy, “feel-good” đã không còn là một cụm từ để chỉ trạng thái tinh thần đơn thuần, mà dường như đã chuyển dạng thành một phương tiện phòng vệ của con người trước những khó khăn mới phát sinh của xã hội hiện đại, hàm chứa trong đó mong muốn giản dị, đó là tìm lại sự cân bằng và niềm tin vào cuộc sống. Nói cách khác, khi tìm về những tựa phim “feel good”, người ta tìm kiếm sự an ủi và vỗ về.

Những bộ phim dán nhãn “feel-good” đã trở thành một phép thuật cho tinh thần, cho phép người xem biến mất vào những câu chuyện với hồi kết tốt đẹp cùng thông điệp cảm động để rồi sau đó, ta quay lại cuộc sống thực với một nguồn cảm hứng mới.

Và trong những ngày ở nhà tránh Covid-19, cùng Đẹp điểm qua 14 cái tên hứa hẹn sẽ đưa người xem vào những thế giới riêng vô cùng độc đáo, để ta tạm quên đi đám đông bên ngoài vách tường yên ổn, tạm xua tan bộn bề của loạt thông tin ảm đạm, cầm trên tay một tách trà nóng hay ly cà phê đá và hoàn toàn “biến mất” vào một cảm giác feel-good.

“Amélie” (2001)

Bộ phim kinh điển của nước Pháp đã làm say mê hàng triệu khán giả có khả năng “sưởi ấm” người xem ngay từ những giây đầu tiên bước vào thế giới tưởng tượng đầy màu sắc của Amélie (Audrey Tautou). Sau thời gian dài sống khép mình, Amelié quyết định bước ra khỏi khu vực an toàn của bản thân để đi tìm chủ nhân của chiếc hộp kỷ niệm cô vô tình thấy. Theo chân một trong những nhân vật tượng đài của điện ảnh thế giới, người xem cùng cô đi qua những mối nhân duyên kỳ lạ. Ta tìm thấy trong phim những mảnh ghép giá trị tạo nên ý nghĩa chân thật nhất của cuộc sống, đó chính là sự sẻ chia và nâng niu giữa con người với nhau, xuất phát từ những hành động tưởng như giản đơn mà ta trao gửi đi.

“My Neighbor Totoro” (1988)

Không chỉ phù hợp với trẻ em, các bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli còn giúp người lớn hoài niệm về tuổi thơ của mình. Chuyện phim bắt đầu khi hai chị em Satsuki và Mei cùng bố chuyển nhà về một vùng nông thôn để được gần bệnh viện nơi mẹ hai đứa trẻ đang điều trị. Tại đây, hai đứa trẻ dần khám phá ra một bộ mặt hoàn toàn khác ẩn sâu bên trong ngôi làng bình yên, nơi những linh hồn bí ẩn sinh hoạt ngay bên cạnh con người. Khi Satsuki và Mei làm quen với Totoro, một linh hồn thần rừng thoắt ẩn thoắt hiện, những chuyến phiêu lưu kỳ lạ của cả hai bắt đầu.

“Midnight in Paris” (2011)

Là một bộ phim của Woody Allen, “Midnight in Paris” không thể thiếu các motif thường gặp ở những tác phẩm đến từ vị đạo diễn lừng danh này: những cuộc tranh luận thức thời của tầng lớp trí thức am hiểu văn hóa nghệ thuật, cảnh vật và phố thị không chỉ đơn thuần phục vụ vai trò phông nền mà trở thành một “nhân vật” trong câu chuyện, âm hưởng hoài niệm, chút hài hước châm biếm và sự lãng mạn bao trùm. Có thể nói, bộ phim tôn vinh cái đẹp theo những tiêu chuẩn truyền thống thuần túy – văn hóa, nghệ thuật, con người trong phim mở ra trước mắt người xem một thời hoàng kim đã qua. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phim nhắc ta nhớ rằng: sau say mê và chìm đắm là bước ra để tiến về phía trước.

“Frances Ha” (2012)

Được viết bởi hai cái tên tài năng của làng điện ảnh Hollywood là Noah Baumbach và Greta Gerwig, bộ phim xoay quanh câu chuyện của Frances, cô gái 27 tuổi bất ngờ phải đối mặt với những khó khăn không hồi kết khi đang cố gắng chạm tới ước mơ làm vũ công tại New York. Mất nhà, không việc làm, cuộc sống bất ổn giữa dòng chảy xiết của thành phố không ngủ, thế nhưng Frances vẫn giữ được nhịp độ nhẹ nhàng, khoan thai trong cách đối mặt với vấn đề, từ đó đưa người xem vào trạng thái tinh thần thoải mái và lạc quan hơn để nhìn nhận lại các thử thách trong cuộc sống.

“Spirited Away” (2002)

Mang về cho Nhật Bản tượng vàng đầu tiên cho hạng mục “Phim Hoạt hình xuất sắc nhất” vào năm 2003, “Spirited Away” là bộ phim dù được “replay” bao nhiêu lần thì người xem vẫn luôn tìm thấy những chi tiết mới mẻ để quan sát và chiêm nghiệm. Câu chuyện trưởng thành của cô bé Chihiro đưa người xem đi qua hành trình kỳ ảo tới vùng đất linh hồn, nơi tất cả mọi thứ đều chìm sâu trong màn sương mơ hồ, và cô phải tự đi tìm lời giải đáp chung cho vô vàn những câu hỏi không tên của mình.

“The Help” (2011)

Bộ phim xoay quanh hành trình đấu tranh để xuất bản cuốn sách mang tên “The Help” của nữ phóng viên Skeeter, phản ánh sự bất công giai cấp và chủng tộc mà những người giúp việc da đen trong khu phố cô sống đang phải chịu đựng. Xuyên suốt bộ phim là sự công bằng và tình người, đưa người xem đi từ sự tù túng và chật vật hàng ngày của các nhân vật thuộc tầng lớp thấp cổ bé họng, cho đến sự chữa lành và niềm tin mới mà họ có được về một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình và chính mình.

“Coco” (2017)

Đoạt giải Oscar cho Phim hoạt hình Hay nhất năm 2018, “Coco” không chỉ là một bộ phim về gia đình và ước mơ, mà còn là về kiếp người và hồi ức. Vùng đất của người chết trong phim hiện ra không bi lụy hay ảm đạm, mà ngược lại, những linh hồn vẫn tiếp tục xây dựng một cuộc sống nối dài của kiếp người đã qua ở bên kia chiều không gian của thế giới. Với không ít những khoảnh khắc cảm động đến nghẹn ngào, bộ phim khiến người xem trân quý hơn cuộc sống mà ta đang có cũng như cơ hội để ta được tiếp tục xây đắp kỷ niệm với những người thân yêu.

“Castaway on the Moon” (2009) 

Hai tâm hồn cô đơn và mệt mỏi – cô gái Hikikomori tự giam hãm bản thân bên trong căn phòng ngập ngụa rác, chàng trai nợ nần lựa chọn tự khép lại cánh cửa cuộc đời vĩnh viễn – bỗng tìm ra nhau giữa thế giới rộng lớn trong hoàn cảnh khó tin nhất. Đó là câu chuyện của “Castaway on the Moon”, bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc với lối kể chuyện dí dỏm, dịu dàng, và đậm chất thơ về mối nhân duyên kỳ lạ giữa những kẻ bị bỏ lại trên đường đua của xã hội, về những vết thương được hàn gắn và chữa lành bằng sự đồng điệu và kết nối sâu sắc giữa người với người.

“Lost in Translation” (2003)

Bất đồng ngôn ngữ – hay sự lạc lõng của cá thể giữa guồng quay của xã hội hiện đại – là chủ đề được nữ đạo diễn Sofia Coppola khai thác trong bộ phim “Lost in Translation”. Hai nhân vật Bob Harris (Bill Murray), nam diễn viên trung niên được mời đến Nhật Bản tham gia đóng quảng cáo, và Charlotte (Scarlett Johansson), cô gái trẻ vừa tốt nghiệp chuyên ngành triết học tại một trường đại học danh giá đã vội cưới chồng, có một cuộc gặp gỡ vô tình nhưng ngắn ngủi trên đất khách. Sự hòa quyện trong tâm hồn của hai nhân vật được đặt trong bối cảnh tương phản với sự bất đồng ngôn ngữ. Tại đây, họ chia sẻ với nhau những khoảnh khắc không thể quên khi cùng nhau tiếp xúc với một nền văn hóa mới.

“Howl’s Moving Castle” (2004)

Cái tên thứ ba trong danh sách đến từ Studio Ghibli là “Howl’s Moving Castle”, bộ phim hoạt hình ra mắt vào năm 2004 và được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Diana Wynne Jones. Lấy nguyên gốc từ bối cảnh Thế chiến thứ Nhất với xung đột chính trị giữa các nước châu Âu, phim đề cao tầm quan trọng của một “trái tim ấm” trước những điều vô nghĩa và bất công của chiến tranh và lòng tham con người. Cả bộ phim là quá trình tìm kiếm bản ngã của hai nhân vật chính Sophie và Howl, được phác họa thông qua trí tưởng tượng đầy sáng tạo và độc đáo bởi nhà làm phim hoạt hình huyền thoại Hayao Miyazaki.

“Big Fish” (2003)

Từ lâu, yếu tố kỳ ảo đã trở thành thương hiệu của Tim Burton, và “Big Fish” là bộ phim tươi sáng hiếm hoi của vị đạo diễn này sở hữu những gam màu rực rỡ xuyên suốt, đi cùng câu chuyện về niềm tin mãnh liệt với những điều “điên rồ” của nhân vật Edward Bloom (Ewan McGregor). Chuyến hành trình cuộc đời của Edward được kể lại cho người con trai với những chi tiết nửa thực nửa hư, và thông qua những câu chuyện kỳ vĩ hoang đường ấy, đời người ngắn ngủi của anh dường như trở nên bất tử.

“The Grand Budapest Hotel” (2014)

Cũng như Tim Burton, Wes Anderson được biết đến với lối kể chuyện đặc thù không tìm thấy được ở đâu khác. Bên cạnh những chi tiết mỹ thuật, sự dí dỏm và tinh thần “tiến lên” bất kể khó khăn nguy hiểm của các nhân vật trong phim chính là một trong những yếu tố làm nên màu sắc hiếm có của những tác phẩm đến từ vị đạo diễn này. Có lẽ tất cả các phim của Wes Anderson đều có thể liệt kê vào danh sách “feel-good”. Tuy nhiên, “The Grand Budapest Hotel” với câu chuyện về tình bạn, sự sẻ chia và vươn lên trong cuộc sống, sẽ dễ dàng chạm đến trái tim của bất kì người xem nào.

“Cinema Paradiso” (1988)

“Cinema Paradiso” là một cái tên không thể thiếu khi nhắc đến những bộ phim có khả năng khiến người xem thêm trân trọng cuộc sống. Chạy theo chiều hồi tưởng của nhân vật Salvatore, bộ phim đi qua những kỷ niệm thơ bé gắn liền với rạp chiếu bóng và người trình chiếu của rạp lúc bấy giờ là ông Alfredo, cho tới lúc Salvatore trưởng thành và bắt đầu công việc ở chính nơi đã vun trồng trong cậu bé ngày nào tình yêu mãnh liệt với điện ảnh. Được xem như một lá thư tình gửi đến môn nghệ thuật thứ 7, Cinema Paradiso là một thước phim đầy dịu dàng và nên thơ về tình bạn, tình yêu, đam mê, và những chấp niệm trong đời.

“Zombieland” (2009)

Phim xoay quanh câu chuyện giả tưởng về những kẻ sót lại sau trận càn quét của dịch bệnh lạ biến toàn bộ nhân loại thành xác sống. Điều đáng nói: là những người sống sót sau cùng hậu tận thế, tất cả các nhân vật trong phim đều có cách thức tồn tại độc đáo của riêng mình. Điều khiến bộ phim có chủ đề không quá mới này thích hợp để đặt trong loạt phim “feel-good” là cách phim khai thác những yếu tố gây cười đầy duyên dáng và thông minh. Có thể nói, “Zombieland” hài hước hóa, thậm chí châm biếm nhu cầu sinh tồn của con người, từ đó làm dịu đi những căng thẳng thường gắn liền khi ta nói về sự sống và cái chết.


From the same category