Tác giả sách “Làm phụ nữ không khổ tí nào”: Chẳng cần lý do gì cho chuyện không lấy chồng

Xoay quanh câu chuyện “làm phụ nữ không khổ tí nào”, câu trả lời của Kim Oanh gợi mở đáp án cho nhiều câu hỏi mà chị em thường thắc mắc, ví dụ: có cần lấy chồng chỉ để… có người nuôi?

Gần đây, bộ phim “Little Women” khiến nhiều người ấn tượng bởi đoạn hội thoại của cô cháu gái và một bà bác. Khi người cháu hỏi vì sao bác không lấy chồng, bà trả lời: “Vì bác giàu”. Chị nghĩ gì về tư tưởng này?

Bạn chẳng cần lý do gì cho chuyện không lấy chồng cả. Vốn dĩ chúng ta không cần có ai đó trong đời thì mới sống được, chúng ta chỉ cần có oxy để thở, nước để uống và lương thực để ăn.

Nguyễn Kim Oanh
Tác giả hai cuốn sách “Yêu đi đừng sợ” và “Làm phụ nữ không khổ tí nào”

Bạn không cần phải giàu thì mới không lấy chồng, nghèo vẫn có quyền không lấy chồng, nếu đó là điều bạn muốn. Nếu bạn xem mục đích lấy chồng là để có người chu cấp tiền bạc thì thực chất việc lấy chồng chỉ là lấy những lợi ích mà người ta đem lại. Một phụ nữ lựa chọn kết hôn không đồng nghĩa với việc cô ấy nghèo đói hay không có khả năng đảm bảo tài chính cho bản thân mà bởi mong muốn cùng chung sống với người cô ấy yêu và mang lại hạnh phúc cho nhau.

Bên cạnh chuyện kết hôn, phụ nữ còn phải chịu nhiều áp lực từ xã hội và gia đình. Làm thế nào để các chị em cũng có thể giống chị, tự tin nói rằng: “Làm phụ nữ không khổ tí nào”?

Tôi nghĩ mình nhận ra điều đó là bởi tôi chăm đi, chăm quan sát và chăm trò chuyện. Tôi rất thích nói chuyện và lắng nghe tâm sự của những người tôi gặp, bởi với người lạ, chúng ta thường ít định kiến, ít phán xét và áp đặt hơn người thân.

Điều tôi rút ra được từ những cuộc gặp gỡ ấy chính là tư duy khác nhau sẽ tạo nên những số phận khác nhau. Việc được thụ hưởng sự giáo dục tử tế trong cách suy nghĩ, cách định nghĩa về cuộc sống quan trọng không kém giáo dục trí tuệ.

Người đồng nghiệp cũ của tôi là một phụ nữ da màu, cô đã li dị với người chồng nghiện ngập và một mình nuôi ba đứa con, trong đó có một đứa con bị tự kỉ, dù vậy cô vẫn luôn tích cực và lạc quan. Cô ấy học được điều này từ người bố làm nông của mình. Vào những năm mất mùa, bố cô thường an ủi: “Không sao cả, ít nhất là chúng ta vẫn còn mảnh đất để gieo trồng cho mùa vụ sau. Cây cối cũng giống như con người, có lúc gục ngã nhưng rồi sẽ lại vươn lên thôi”.

Nhiều khi phụ nữ lại tự làm khổ mình bởi đặc tính quá nhạy cảm, ví như nhắn tin mà lâu quá người yêu không trả lời cũng thấy sợ.

Khi bạn đặt hạnh phúc của mình vào những yếu tố ngoại thân, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bình an và đủ đầy. Chỉ khi bạn hiểu rằng: không ai phải chịu trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho bạn, ngoại trừ chính bạn, thì bạn mới thấy hết khổ.

Rất nhiều phụ nữ cho rằng phạm vi của độc lập chỉ gói gọn trong vấn đề tài chính, vậy nên chỉ cần họ kiếm được nhiều tiền thì đời sống tinh thần của họ sẽ thay đổi. Quan niệm này không sai nhưng chưa đủ và chưa thực sự nhân văn. Nếu nghĩ vậy, những người làm nội trợ hay vì lý do khác phải tạm ngừng lao động là người ăn bám sao? Họ vẫn tạo ra giá trị và cống hiến theo các hình thức khác nhau đấy chứ. Một phụ nữ độc lập thường có năng lực kiếm tiền, nhưng một phụ nữ có năng lực kiếm tiền chưa chắc đã độc lập. Độc lập cần được hiểu là tự chủ về cả tư duy, bạn là chủ thể của cuộc đời mình, có quyền lựa chọn cách sống, cách yêu, cách tiếp nhận tình yêu phù hợp.

Câu chuyện lo lắng vì không nhận được hồi âm là một điển hình. Ở bên cạnh một người khiến bạn bất an là lựa chọn của bạn. Nếu có thể chọn ở bên họ thì bạn cũng có quyền chọn rời xa họ cơ mà? Còn nếu vẫn tiếp tục muốn ở bên, bạn nên cho cả hai một cách sống dễ thở, vui vẻ nhất.

Theo chị, làm thế nào để chuyện “sáng nắng, chiều mưa, trưa gió mùa” của các chị em không làm khổ những người xung quanh?

Tôn trọng cảm xúc của bản thân là một việc chính đáng và quan trọng. Khi bạn cảm thấy không ổn, bạn nên chấp nhận cảm giác đó. Lúc này, mỗi cá nhân cần xây dựng cho mình một giới hạn của sự “biết điều”. Giới hạn này nằm giữa hai việc: bộc lộ cảm xúc và làm tổn hại đến những người xung quanh. Đừng để bản thân trở nên quá quắt, làm tổn thương người bên cạnh vì những xúc cảm nhất thời của mình. Hơn hết, đừng để mình phải day dứt, hối hận, thậm chí là tiếc nuối bởi những điều đã vô tình gây ra khi ta cho phép cảm xúc tiêu cực đi quá xa.

Hãy học cách gọi tên cảm xúc của chính mình và bày tỏ với những người bên cạnh thay vì phủ nhận nó và bộc lộ nó một cách tiêu cực. Ví dụ, khi cảm thấy không ổn, bạn hoàn toàn có quyền thừa nhận: “Em nghĩ mình đang tức giận, em muốn được anh vỗ về”.

Còn để vượt qua cảm giác thất vọng khi đã hy vọng quá nhiều?

Có một cách để hạn chế tối đa sự dằn vặt, đó là không đặt kỳ vọng vào bất cứ yếu tố nào ngoài bản thân, thay vào đó, hãy đặt bản thân làm trung tâm của mọi sự kỳ vọng. Ví dụ như thay vì nghĩ “hạnh phúc của tôi là có một người chồng yêu chiều”, “hạnh phúc của tôi là con cái thành đạt”, “hạnh phúc của tôi là công việc suôn sẻ, thuận lợi” thì hãy nghĩ rằng “hạnh phúc của tôi là trở thành một người vợ vui vẻ”, “hạnh phúc của tôi là nuôi dạy nên những đứa con thành đạt”, “hạnh phúc của tôi là một người tạo ra những thành quả ấn tượng trong công việc”.

Không ai phải chịu trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho bạn, ngoại trừ chính bạn

Tương tự như yếu tố độc lập mà tôi đã nhắc đến, việc thay đổi cách nghĩ này khiến bạn đi từ tư duy bị động sang chủ động. Khi bạn nhận thấy hạnh phúc của mình không nằm trong tay người khác mà do chính bạn tạo ra, bạn sẽ thấy mình tự tin hơn, quyền lực hơn, mạnh mẽ hơn. Ngược lại, đặt trách nhiệm cuộc đời mình lên vai người khác, bạn sẽ chỉ thấy bản thân bất lực, yếu ớt và thật đáng thương.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ảnh: NVCC

10s Q&A

Loài thú nuôi trong nhà mà chị nghĩ đến đầu tiên?

Tôi thích một con heo bé xíu, trắng phau, chạy lon ton trong nhà, và tôi sẽ buộc nơ vào cái đuôi xoăn tít của nó.

Bạn bè thường hay nói chị là người thế nào?

Tôi hy vọng họ thấy tôi đủ đáng mến và tin cậy.

Khoảng thời gian chị yêu thích nhất trong năm?

Mùa hè, vì đó là lúc tôi được ra ngoài nhiều, gặp gỡ và nói chuyện với mọi người. Lúc này tâm trạng tôi sẽ lạc quan và tràn đầy năng lượng.

Vùng đất tiếp theo chị muốn đặt chân tới?

Các nước trong vùng biển Caribbean như Cuba, Haiti, Dominca, Jamaica, Bahamas… Tôi rất thích biển.


From the same category