Hành trình khám phá con đường tơ lụa trên đất nước Trung Hoa của chúng tôi bắt đầu từ thành phố Tây An, qua Trương Dịch, Đôn Hoàng, Turpan, Kashgar… Trên con đường dài và duy nhất này đã từng tồn tại rất nhiều tiểu quốc, những tòa thành cổ, thạch động, chùa hang đá… Biết bao nhiêu nền văn minh đã bị chôn vùi dưới lớp cát bụi sa mạc và dòng chảy thời gian. Rất nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế cho tới ngày nay vẫn chưa vén được hết bức màn bí mật ẩn sau những phế tích này.
Thành cổ Cao Xương và Giao Hà ở thành phố Turpan, Tân Cương từng là một trung tâm thương mại sầm uất, là điểm dừng chân của các thương nhân trên con đường tơ lụa. Những tòa thành giàu có, tấp nập bên dòng sông màu mỡ năm nào giờ chỉ còn là những rãnh nước cạn kiệt, ngôi nhà đổ nát, tường thành bong tróc cát bụi. Dưới ánh hoàng hôn, những bức tường còn sót lại rực lên sáng lóa một sắc vàng của vùng hoang mạc xa xôi và khắc nghiệt.
Sa mạc chôn vùi những dấu tích về một thời kỳ thịnh vượng nhưng chẳng thể chôn vùi sức sống của con người nơi đây. Ở làng cổ Tuyoq, toàn bộ nhà cửa được đắp bằng đất, cây khô trơ trụi, bờ tường sụp đổ. Không có quá nhiều việc để làm ở vùng đất khắc nghiệt này, lao động chính trong làng phải đi tìm việc ở nơi khác, để lại phụ nữ, trẻ con và người già. Những ngôi nhà cửa đóng then cài. Mặc kệ lớp bụi dày đặc, tôi cố gắng trèo qua những bức tường bằng đất, đứng trên đó phóng tầm mắt về rặng núi đỏ nhạt xa xa, nhìn xuống nhà thờ nhỏ, xuống con đường ngoằn ngoèo có những người bạn đồng hành đang dần lùi xa và trở nên nhỏ bé. Một cảm giác cô độc, tự do len lỏi vào tim tôi, cảm giác ấy thôi thúc tôi đến mức tưởng như có thể đi suốt con đường dài trước mắt mà không cần dừng lại.
Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, nhà buôn và Phật giáo có mối quan hệ hết sức mật thiết khi con đường tơ lụa là mạch huyết giao thương duy nhất giữa châu Á và châu Âu. Các lái buôn thời đó phải đối mặt với rất nhiều rủi ro: thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đạo tặc hoành hành. Nguy cơ trắng tay, thậm chí mất mạng là rất lớn. Phật pháp giống như một nơi nương tựa tinh thần, ban cho họ sự bình an. Các khoản quyên tặng và lễ vật cúng bái nhà chùa chủ yếu là từ các thương nhân. Đây cũng là lý do vì sao dọc theo con đường tơ lụa có rất nhiều ngôi chùa và thiền viện Phật giáo được xây dựng.
Thán phục và xúc động là cảm giác của tôi khi đứng trước Thiên Phật động Kizil ở Khâu Từ. Đó là quần thể chùa hang đá được xây dựng sớm nhất ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ ba. Kizil có tất cả 236 hang đá được đánh dấu theo thứ tự. Ở đó, những bức tranh tường, tượng Phật được đắp bằng đất từ bao nhiêu thế kỷ trước mà màu sắc vẫn giữ gần như nguyên vẹn, tươi tắn và sinh động như mới.
Tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cảnh thiên nhiên khác nhau, bao nhiêu núi cao, sông ngòi, thảo nguyên hay thung lũng. Sa mạc hoang vu khô cằn nhưng vẫn mang vẻ đẹp riêng từ sự khoáng đạt, rộng lớn. Tây An – nơi khởi đầu của con đường tơ lụa với tường thành tồn tại hơn 3.000 năm, với hang đá Mạch Tích Sơn, đỉnh núi Hoa Sơn – một trong 5 đỉnh núi Ngũ nhạc nổi tiếng linh thiêng của Trung Quốc. Cách Tây An hơn 1.000km, tôi ấn tượng với cảnh quan ở Trương Dịch, nơi có những rặng núi cầu vồng rực rỡ của công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà. Sau cơn mưa mùa hè, dưới ánh hoàng hôn, những khối màu cam, vàng, nâu xen kẽ ánh lên huyền ảo như tranh vẽ.
Trên con đường huyết mạch này, không thể không nhắc tới cửa ngõ quan trọng – Đôn Hoàng. Được xây dựng từ năm 336, Đôn Hoàng có hang Mạc Cao là kỳ quan của nhân loại với những bức bích họa và tượng Phật; hay Nguyệt Nha Tuyền – ốc đảo xanh tươi và hồ nước ngọt hình trăng lưỡi liềm chưa bao giờ cạn, bao quanh bởi đồi cát Minh Sa. Minh Sa nghĩa là cát hát. Khi gió thổi mạnh, bạn có thể nghe thấy âm thanh lớn như tiếng gầm; khi gió nhẹ, bạn sẽ nghe thấy tiếng thổi, tiếng cát reo nhẹ nhàng như tiếng sáo. Ngồi trên chiếc thảm nhiều màu sắc trên lưng chú lạc đà, nghe tiếng lục lạc leng keng, lắc lư ngả nghiêng theo từng bước đi của chúng qua những đồi cát chập chùng, phút chốc, tôi ngỡ mình là một lái buôn đang băng qua miền cát hoang vu thời cổ đại. Giữa sa mạc Taklamaka chết chóc, con đường tơ lụa vẫn tồn tại, “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Bài & ảnh Trần Hồng Ngọc Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP