Vì sao The Beatles vẫn chưa có một bộ phim ra hồn?

Một nhạc sĩ xoàng xĩnh sau vụ tai nạn bỗng nhiên tỉnh dậy và thấy mình là người duy nhất trên thế giới còn nhớ đến những nhạc phẩm của The Beatles. Anh bất thần trở thành một siêu sao ca nhạc. Câu chuyện của bộ phim “Yesterday” được bắt đầu từ đây. Nhưng danh tiếng của đội ngũ thực hiện bao gồm đạo diễn Danny Boyle (“127 hours”, “Slumdog millionaire”, “28 days later”), bộ đôi biên kịch Jack Barth (“Attack the block”) và Richard Curtis (“War horse”) cũng không thể giúp The Beatles có một bộ phim ra hồn.

Vẫn là một tình huống thật duyên dáng như thường thấy trong các tác phẩm của biên kịch Richard Curtis từ “Notting hill”, “Bridget Jones’s diary” đến “About time”. Motif tai nạn như thế vốn là “đặc sản” của những bộ phim siêu anh hùng: Peter Parker bị nhện cắn và trở thành Người Nhện, tiến sĩ Robert Bruce Banner nhiễm phóng xạ và trở thành Hulk. Còn Jack Malik của “Yesterday” – tác phẩm lãng mạn phong vị Ăng-lê đáng mong đợi mùa hè 2019, anh đơn thuần là người duy nhất còn nhớ được The Beatles, nhưng chỉ cần siêu năng lực ấy thôi cũng đủ để anh trở thành một “siêu nhân”.

Thật duyên dáng làm sao, khi chỉ cần một định đề đã gói gọn sự tri ân về The Beatles, nhưng cũng thật đáng tiếc làm sao, khi định đề ấy là tất cả những gì hay nhất mà “Yesterday” có.

Dù rằng bộ phim cũng có những chi tiết cao tay, như cảnh Jack Malik gặp tai nạn trên đường và ê-kíp đã lồng nhạc nền là phần bắc cầu kinh điển trong “A day in the life” – một sáng tác thể hiện toàn bộ phẩm chất vĩ đại của John Lennon và Paul McCartney. Phần bắc cầu ấy, như John mô tả, đó là “một sự tích tụ khổng lồ, từ hư vô hóa thành ngày tàn của thế giới”. Nó ăn khớp từng chút một với ý niệm của nhà làm phim, rằng một thế giới không có The Beatles, khác gì ngày tận thế đâu?

Song, những tình tiết như vậy quá ẩn tàng và chỉ những người thật sự yêu The Beatles mới có khả năng khai lộ. Trong khi đó, những lớp âm nhạc, câu chuyện bên ngoài lại hời hợt và cũ kỹ. Họ rơi vào vòng lặp của những tác phẩm về The Beatles ở phương Tây, quá nhiều năng lượng, quá ít chất thơ. Họ chỉ nhìn The Beatles như thứ tuổi trẻ huy hoàng mà quên đi The Beatles còn đại diện cho một tuổi trẻ mong manh. “Yesterday” có một định đề hay nhưng bầu không khí dở – điều mà nghịch lý thay, một bộ phim Á Đông nơi The Beatles chỉ là cái cớ, như “Rừng Nauy” của Trần Anh Hùng, với những gương mặt mơ màng của ái tình và bầu không khí trong veo lúc nào cũng như sắp vỡ tan tành, lại nắm bắt tốt hơn hết thảy.

“Rừng Nauy” của Trần Anh Hùng là bộ phim nắm bắt tinh thần The Beatles tốt hơn hết thảy

Nhưng sự thất vọng mà “Yesterday” mang lại cũng chẳng phải lần đầu tiên. Chúng ta đã thất vọng quá nhiều lần trước những tác phẩm về The Beatles rồi, không chỉ là những tác phẩm tương tự được lấy cảm hứng từ ban nhạc lớn nhất mọi thời đại, mà cả những bộ phim tiểu sử về họ nữa. Sự thật là kể cả khi đang có một trào lưu làm phim tiểu sử về các âm nhạc gia, The Beatles vẫn chưa có nổi một bộ phim xứng đáng.

Nhưng trước tiên, hãy nói về huyền thoại The Beatles cái đã

Một chiều tháng hai bầu trời xám xịt vào hơn nửa thế kỷ trước, chiếc máy bay của hãng Pan America đáp xuống sân bay J.F.K, nơi 4.000 thiếu niên và 200 nhà báo đang chen lấn, hò hét. Họ đón chờ bốn chàng trai trẻ tuổi đến từ thành phố Liverpool của cựu lục địa.

Và trong buổi họp báo đầu tiên, khi được hỏi muốn mang theo gì lúc trở về nhà, các chàng đã ngông nghênh đáp: “Tòa nhà Rockefeller”. Cuối cùng thì The Beatles đã chẳng cướp đi tòa nhà nào của nước Mỹ, họ chỉ cướp đi trái tim của những người Mỹ mà thôi. Và kể từ đây, một huyền thoại đã ra đời.

The Beatles đặt chân xuống New York trong lần ghé thăm nước Mỹ đầu tiên.

Khi The Beatles xuất hiện lần đầu trên “The Ed Sullivan Show”, ước tính tới ¾ dân số trưởng thành của xứ sở cờ hoa lúc bấy giờ ngồi trước TV xem chương trình ấy. Người ta còn đồn rằng trong khoảng thời gian đó, khắp nước Mỹ tràn lan bạo lực bên dưới mẽ ngoài phù hoa lại chẳng xảy ra một vụ án nào. Dường như đến tội phạm cướp nhà băng cũng hoãn kế hoạch để xem bốn chàng bọ.

Họ nổi tiếng khắp thế giới. Ngày họ tới Australia, 300.000 khán giả đổ ra đường tiếp đón. Tất cả những nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng nhất, từ hai vị Murakami đến Banana Yoshimoto, ai cũng có một mảnh The Beatles cho riêng mình. Chiếc máy bay của Toru Watanabe hạ cánh xuống đất, âm giai của “Rừng Nauy” vang lên, khiến anh choáng váng, và không chỉ thế, giai điệu ấy khiến cả một thế hệ người Nhật run rẩy, vâng, “Rừng Nauy” và The Beatles – ký ức của họ, tuổi trẻ của họ, mất mát của họ.

Không thể làm một bộ phim xuất sắc về The Beatles mà kịch bản của nó lại chỉ xoay quanh John Lennon hay mối quan hệ của Lennon – McCartney và bỏ quên hai thành viên còn lại

The Beatles bán được nhiều đĩa nhạc hơn bất cứ ai. Số liệu chính thức là 600 triệu. Số liệu không chính thức thì khẳng định họ đã bán được 1 tỉ đĩa rồi. Vậy lí giải sao đây, khi mà “Bohemian Rhapsody” và Queen càn quét thế giới năm ngoái còn “Rocketman” gây ấn tượng với giới phê bình năm nay, thì bao năm qua vẫn không đâu có nổi một bộ phim tiểu sử gây sốt về The Beatles?

Brian May, guitar lead của Queen từng phải gọi The Beatles là “kinh thánh của chúng tôi trong cách sử dụng phòng thu”. Tới cả đối thủ những năm 60 của The Beatles là The Beach Boys cũng đã có một bộ phim tương đối xuất sắc là “Love & Mercy”, vậy mà riêng họ, riêng họ lại chưa có bộ phim nào đáng nhớ.

Các tác phẩm về The Beatles: nếu không tệ hại thì cũng bị sai lệch

Những đạo diễn lớn của điện ảnh thế giới như Martin Scorsese hay Ron Howard đều từng làm phim về The Beatles. Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở các bộ phim tài liệu. Nếu không kể hàng tá các bộ phim tài liệu và các tác phẩm lấy cảm hứng từ âm nhạc của The Beatles vẫn được xuất xưởng hàng năm thì chúng ta vẫn còn một danh sách dài các tác phẩm tiểu sử hoặc hư cấu từ ban nhạc. Chỉ có điều, tác phẩm nào cũng lắm vấn đề.

“Birth of the Beatles” (1979) là bộ phim duy nhất ra mắt khi John Lennon còn sống, nhưng tính xác thực của nó thật khó mà biết được, vì người cố vấn của phim là Pete Best – tay trống đã bị ban nhạc đuổi thẳng cổ để nhường chỗ cho Ringo Starr. Và theo ký ức của Best thì chẳng qua những người kia làm thế vì ghen tị với mình.

“Yesterday” không có gì nhiều ngoài việc đưa cho người xem một tập hợp các tuyệt phẩm của The Beatles và kêu gọi: “Nhạc đây, các bạn hãy nghe đi!”

“Backbeat” (1994) cũng là một bộ phim khác nói về những năm cơ hàn của ban nhạc, một tiền truyện của huyền thoại khi hẵng còn cây bass guitar Stuart Sutcliffe. Mặc dù nhận được những nhận xét trung bình từ giới phê bình, nhưng bộ phim bị chính Paul McCartney phàn nàn khi thiên vị John và biến ca khúc “Long tall Sally” trở thành bài tủ của John, trong khi người hát nó là Paul mới phải.

Và rồi ta có những bộ phim tiểu sử về cá nhân John Lennon như “Lennon naked” (2010) – một phim chiếu truyền hình với kịch bản tồi tệ – hay “Nowhere boy” (2009) – tiếp tục là một tác phẩm nơi Paul chịu thiệt thòi khi ca khúc “In spite of all the danger” vốn là do ông và George sáng tác, lại bị biến thành nhạc phẩm thể hiện nỗi đau mất mẹ của John Lennon, đấy là chưa kể cú giáng vào mặt mà cậu thiếu niên John dành cho người bạn tri kỷ của mình, điều mà Paul khẳng định là sai sự thật. “Tôi không nhớ là John từng đấm tôi”, ông nói.

Nam diễn viên Aaron Taylor-Johnson, người hóa thân thành John Lennon trong bộ phim “Nowhere boy” (2009)

Một vài tác phẩm khác thì đi theo chiều hướng hư cấu. Như “The hours and times” (1991) thêu dệt về chuyến du lịch bí ẩn có thật của John và quản lý Brian Epstein, người có công khai quật được The Beatles, một nhà kinh doanh tài ba, cũng là một người đàn ông đồng tính duyên dáng và thực sự mê say John.

“Two of us” (2000) lại mường tượng về ngày 24/4/1976, sáu năm sau khi ban nhạc tan vỡ với những cuộc cãi vã, đấu tố chua cay, khi Paul và John gặp nhau và suýt chút nữa thì tái hợp. Bộ phim chiếu truyền hình này được dàn dựng bởi Michael Lindsay-Hogg, người đã thực hiện “Let it be” (1970) – phim cuối cùng có sự xuất hiện của cả bốn thành viên, ghi lại những năm tháng trên bờ vực rạn nứt của ban nhạc. Và có lẽ đó là lí do mà Lindsay-Hogg, hơn ai hết, nhạy cảm với mối quan hệ phức tạp của cặp đôi thiên tài Lennon – McCartney. Trong “Two of us”, ông đã khắc họa những phút giây thăng hoa của tình tri kỷ khi hai người bạn quậy tung thành phố như thuở thiếu thời, khi họ cùng hát nghêu ngao bên cây đàn piano trắng hay khoảnh khắc John bật khóc trước mặt Paul khi họ cùng ngắm bầu trời New York. Và Ngài Paul đã yêu thích nó, nhưng có lẽ bộ phim sẽ tốt hơn nhiều nếu hai diễn viên chính không nói tiếng Scotland đặc sệt.

Các nhà làm phim đã quên mất một điều quan trọng về The Beatles

Queen đã có “Bohemian Rhapsody”, Elton John thì mãn nguyện với “Rocketman”, The Beatles thì sao?

Điều gì đã đưa The Beatles trở thành một ban nhạc vĩ đại? Có lẽ câu hỏi này có thể gói gọn trong một lời của John Lennon, rằng nếu riêng rẽ ra, họ chẳng bao giờ có thể đọ nổi với Elvis Presley, nhưng khi là một khối, họ có thể đánh bại bất cứ ai.

Đúng thế, họ luôn là bốn cực cân bằng và tạo nên một sức mạnh cộng hưởng phi thực: John thông minh, Paul dễ thương, George trầm lắng, và Ringo chỉ là Ringo. Còn ban nhạc nào trên thế giới có đến ba nhạc sĩ thiên tài như The Beatles? John là chàng thi sĩ mộng mơ siêu thực điên cuồng. Paul là bậc thầy của những giai điệu đẹp nhất trong lịch sử nhạc đại chúng. George là bậc “tu sĩ” với trí tuệ nhuốm màu minh triết Đông phương. Và những màu sắc rực rỡ của ba người ấy lại được trung hòa trong sự khiêm cung của tay trống Ringo.

Sự cân bằng, đó là điều quan trọng nhất về The Beatles. Đáng tiếc, thảm kịch ngày 8/12/1980 đã cướp đi mạng sống của John, đồng thời cũng vĩnh viễn khiến ông trở thành bất tử, một vị anh hùng, một người hiến tế cho lí tưởng hòa bình mà ông luôn theo đuổi. Từ đó, nhắc tới The Beatles, người ta lại chỉ nhắc tới John Lennon.

Cuộc đời màu mè, số phận bi kịch của John khiến các nhà làm phim đôi khi quên mất, The Beatles luôn lớn hơn John Lennon. Nên nhớ rằng, ngày đánh dấu sự ra đời của The Beatles không phải ngày John kêu gọi lũ bạn nối khổ lập nên The Quarrymen, mà là ngày John Lennon gặp gỡ Paul McCartney tại nhà thờ Thánh Peter, nơi John hoàn toàn bị ấn tượng bởi cậu bé có dáng dấp như một Elvis và khả năng chơi nhạc vượt trội hơn cả mình.

Câu chuyện về The Beatles là một thứ đại kỳ thư kiểu “Chiến tranh và hòa bình”, nơi ta không thể chỉ kể lể nội tâm của Pierre mà ẩu tả về Natasha, về Andrei. Bởi làm phim về The Beatles mà biến nó thành show-diễn-đơn-ca như cách các nhà làm phim anh hùng hóa Freddie Mercury của Queen, thất bại coi như cầm chắc.

Và trong khi nhà sản xuất “Bohemian Rhapsody” đang thảo luận về phần 2 của bộ phim, trong khi “Rocketman” gây tiếng vang với lời tự thú chân thành nhất từ Ngài Elton John, thì để có được một tác phẩm tiểu sử với quy mô tương tự về The Beatles, chúng ta hẳn còn phải đi “một con đường dài và quanh co” nữa.


From the same category