Không chỉ giúp rèn luyện sức khoẻ, duy trì thói quen tập luyện thể dục đều đặn còn giúp chúng ta hạnh phúc hơn là có nhiều tiền bạc. Kết quả từ một cuộc nghiên cứu khoa học mới đây đã khẳng định điều đó không hề hoang đường.
Ở thời đại mà con người đang phải mang quá nhiều áp lực đến từ cuộc sống và công việc, thì rèn luyện sức khỏe càng vô cùng cần thiết. Các nhà nghiên cứu đã công bố một kết quả lý tưởng về giá trị của việc tập luyện thể dục thể thao theo một nghiên cứu từ đại học Yale và Oxford. Các dữ liệu nhân học của 1,2 triệu người dân Mỹ bao gồm hành vi và trạng thái tâm lý đã được các nhà nghiên cứu thu thập để phục vụ bài nghiên cứu này.
“Bao nhiêu lần bạn cảm thấy không khoẻ vì áp lực, trầm cảm hay bất ổn về mặt cảm xúc trong vòng 30 ngày vừa qua?” là câu hỏi mà những người tham gia sẽ phải trả lời. Người tham gia phỏng vấn cũng được hỏi thêm về nguồn thu nhập và mức độ hài lòng về vấn đề tài chính cá nhân; và mỗi người có thể chọn một trong số 75 loại hoạt động thể chất ưa thích có tác dụng tích cực vào việc nâng cao sức khoẻ – từ cắt cỏ, làm việc nhà cho đến nâng tạ, đạp xe và chạy bộ.
Và kết quả mà các nhóm nghiêm cứu thu được khá bất ngờ khi số người tập luyện thể dục thường xuyên chỉ cảm thấy không khoẻ 35 ngày/năm, và những ai lười vận động thì con số lên đến 53 ngày/năm. Ngoài ra, những người tập luyện thể dục nhiều gần như rơi vào nhóm có thành tựu về tài chính, với nguồn thu nhập khoảng 25.000USD một năm trở lên.
Những cá nhân chọn lựa các môn thể thao đồng đội thay cho việc tập luyện một mình hoặc làm việc tay chân thuần túy, sẽ thu về những tác động tích cực về mặt tinh thần hơn những người khác. Tuy việc đạp xe, đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, tập gym đều không phải là các môn thể thao mang tính tập thể nhưng các nhà khoa học vẫn khuyến khích việc tập luyện bởi chúng vẫn đem lại các lợi ích nhất định.
Vậy điều gì xảy ra với bộ não khi chúng ta tập thể dục? Chính là vì quá trình rèn luyện thể chất dẫn đến những thay đổi trong não bộ như hỗ trợ tuần hoàn và đẩy mạnh quá trình tạo tế bào thần kinh mới. Các hormone như endorphin, serotonin, dopamine và testosterone cũng được giải phóng để đáp ứng với nhu cầu hoạt động thể chất.
Tuy nhiên, tập luyện thể dục quá nhiều sẽ gây hại đến tinh thần nếu chúng ta không biết điều tiết thời gian hợp lý. Giải đáp như thế nào là “quá liều” trong việc rèn luyện sức khỏe, chuyên gia Adam Chekroud của đại học Yale cho biết: “Mối liên hệ giữa tập luyện với sức khoẻ tinh thần cần phải được cân bằng, tuyệt đối tránh tình trạng quá sức. Có nghĩa là chúng ta cần tính toán thời gian phù hợp để vừa tập luyện một cách chừng mực vừa đảm bảo sự hứng khởi và hưng phấn trong quá trình tập”.
Theo đó, thống kê khác từ nghiên cứu đã chỉ ra rằng: 30-60 phút/ngày và 5 ngày/tuần là thời lượng tập luyện hoàn hảo. Nếu tập luyện nhiều hơn khối thời lượng trung bình 3 tiếng, bạn sẽ trở nên nản chí, mệt mỏi và dễ dẫn đến ngộ nhận rằng việc tập luyện không hiệu quả. Thậm chí, bạn có thể bị xuống tinh thần hơn cả những người không thường xuyên tập luyện. Rèn luyện sức khỏe là cần thiết nhưng xây dựng kế hoạch và tuân thủ thời lượng là điều quan trọng để giữ được tinh thần rèn luyện lâu dài.
Bài: Huyền My Trương