Cuối cùng bộ phim hành động được mong đợi nhất vài năm gần đây của điện ảnh Việt “Hai Phượng” đã ra mắt khán giả. Còn quá sớm để nói về sự đón nhận của người hâm mộ dành cho một tác phẩm giải toả cơn khát phim hành động, nhưng với những gì “Hai Phượng” đã làm được khi có thể công chiếu giới hạn ở Mỹ cùng thời điểm với khán giả Việt Nam, bộ phim đã vươn ra tầm của thế giới.
Giải toả cơn khát phim hành động Việt Nam
Phim hành động vốn là một thể loại giải trí khá phổ thông của khán giả Mỹ nói riêng và khán giả thế giới nói chung, đặc biệt là thể loại cận chiến ta đã bắt gặp rất nhiều trong các bộ phim Hồng Kông những năm 90 của thế kỉ trước. Ở thời điểm hiện tại, hành động cận chiến không còn mang lại quá nhiều hấp dẫn khi thời đại của phim siêu anh hùng lên ngôi và chiếm vị trí rất lớn trong thị phần điện ảnh thương mại.
Nhưng đó là câu chuyện của quốc tế, còn ở Việt Nam, phim hành động là thể loại quá khó nhằn vì nó đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và sự nỗ lực vốn là điểm yếu của các nhà sản xuất Việt. Gần đây nhất chỉ có thể kể đến “Lôi Báo” của Victor Vũ hay “798 Mười” của Dustin Nguyễn và tất nhiên, sáng giá nhất hiện tại là “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt.
“Hai Phượng” kể một câu chuyện với mô típ hành trình rất thường gặp của điện ảnh Hollywood: một người mẹ có con gái bị bắt cóc, với tình yêu thương và kĩ năng đặc biệt của mình, bà mẹ đã một mình đơn độc xông vào hang sói để cứu con. Người xem ắt hẳn có chút liên tưởng đến “Taken” của Liam Neeson, hay “John Wick” với câu chuyện có đôi chút tương tự về việc trả thù. Đó là hai phim tiêu biểu và đạt được rất nhiều thành công về mặt thương mại và nghệ thuật dù câu chuyện phim rất đơn giản và đơn tuyến.
“Hai Phượng” cũng được đạo diễn Lê Văn Kiệt kể đơn tuyến với hành trình dày đặc hành động của nhân vật Hai Phượng do Ngô Thanh Vân thủ vai bằng những màn rượt đuổi xe máy, đánh nhau trong hành lang tối, và trường đoạn chiến đấu trên tàu hoả. Tất cả tập trung vào hành trình của Hai Phượng với chiếc áo bà ba tím và khuôn mặt luôn thấp thỏm lo lắng cho đứa con của mình. Có thể nói, điều cần thiết ở “Hai Phượng” để bộ phim có thể đạt được thành công nằm ở nội lực của diễn viên và kĩ thuật dựng cảnh hành động. Diễn viên Việt Nam còn thiếu khả năng diễn xuất và sức chịu đựng. Ngô Thanh Vân vượt qua được những điều đó bằng một sự dấn thân tuyệt vời hòng tạo nên những trường đoạn hành động chân thật và bắt mắt trong bối cảnh thuần Việt, và một môn võ cũng thuần Việt không kém – Vovinam.
Những điểm yếu đáng tiếc
Nhưng thật đáng tiếc khi vì quá tập trung vào hành động, xây dựng những tuyến điểm thúc đẩy câu chuyện để tạo nên một hành trình đầy “xông pha” của Hai Phượng nên bộ phim bị hỏng nhiều ở mặt kịch bản, và khiến mạch phim đôi khi bị gãy cảm xúc ở những mốc rất quan trọng. Như cách mà nhân vật do Phạm Anh Khoa thủ vai chia sẻ với anh công an câu chuyện về con hổ cái đi tìm con của mình, hoàn toàn không hợp đối tượng và ngữ cảnh của phim. Nó rơi khỏi phim theo đúng kiểu, đạo diễn muốn tạo chiều sâu cho câu chuyện nhưng thay vì đào sâu lại đào rộng ra hai bên khiến câu chuyện trở nên nông cạn không đáng có.
Điểm thứ hai của kịch bản là tâm lý nhân vật phụ xây dựng rất lỏng lẻo, điển hình là chiến sĩ công an do nam diễn viên Phan Thanh Nhiên thủ vai. Tâm lý nhân vật quá non và thể hiện không đúng chỗ phần nào làm cho khán giả cảm thấy sự gượng gạo và đầy thụ động của một người công an vốn được cho là đã phá nhiều vụ án lớn. Nhưng tất nhiên, với một câu chuyện đơn giản như vậy, “Hai Phượng” về cơ bản rất thành công đối với bản thân Ngô Thanh Vân, vì hình tượng của cô không hề thua kém người cha bá đạo do Liam Neeson thủ vai, hay tay sát thủ cô độc của Keanu Reaves.
Với những ưu điểm và thiếu sót kể trên, “Hai Phượng” hoàn toàn thoả mãn về yếu tố giải trí khi những phân đoạn hành động được thực hiện rất công phu và đặc sắc, nhưng những điểm yếu về mặt kịch bản khiến bộ phim giảm đi vài phần hưng phấn đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu hỏi Hai Phượng có xứng tầm quốc tế không, câu trả lời tất nhiên là có, vì nó mang đầy đủ yếu tố ăn khách của Hollywood, và yếu tố địa phương của Việt Nam – một sự dung hoà đủ tốt để khiến khán giả hài lòng.
Dù sao thì, nếu không phải người đứng sau là Ngô Thanh Vân thì điện ảnh Việt Nam hẳn còn lâu mới có một tác phẩm hành động mãn nhãn, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế như “Hai Phượng“.