– Cả hai vợ chồng đều là diễn viên, mức độ bận rộn ngày Tết mỗi năm cũng không thể đo lường ai bận hơn ai. Vậy làm sao để anh chị có thể thu xếp công việc lo cho gia đình hai bên?
– Trong những ngày này, vì tính chất công việc nên hai vợ chồng tôi thường không có nhiều thời gian chuẩn bị cho Tết. Bù lại, gia đình anh Bình rất hiểu và thông cảm. Nhưng phận dâu con, tôi (và cả chồng) đều hiểu ngày lễ Tết mình phải làm gì để làm tròn bổn phẩn và làm gương cho con cháu. Thông thường, hai chúng tôi đều dành một ít thời gian trước Tết để về thăm ông bà nội; những ngày trong Tết thì có nhiệm vụ ở nhà làm cơm cúng.
– Có vẻ như đây là một sự may mắn?
– Đúng là rất may bởi bản thân mình không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người được, kể cả với ba mẹ ruột huống chi là gia đình chồng. Nhưng cũng có nhiều hạn chế vì mình không có nhiều thời gian tiếp xúc và thấu hiểu mọi người để tạo mối dây gắn kết.
Nhưng bù lại, tôi luôn cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ cho gia đình nên vẫn may mắn nhận được nhiều tình cảm từ nhà chồng. Ưu điểm này của tôi phần nào giống với người mẹ chồng quá cố. Trước đây, bà luôn giữ vai trò kết nối các thành viên trong gia đình với nhau. Giờ đây, vị trí này được vợ chồng tôi đảm nhiệm.
Ngoài ra, tôi cũng có người ba chồng rất tâm lý và yêu thương các con dâu. Đó là phúc phần mà không phải ai cũng có được nên tôi rất trân trọng sự may mắn này.
– Vậy theo chị, đâu là yếu tố quan trọng để nàng dâu và gia đình chồng hòa hợp hơn, nhất là trong những dịp Tết như thế này?
– Theo tôi, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần thời gian chia sẻ và thường xuyên tâm sự với nhau. Đó có thể là những bữa cơm gia đình, hay một buổi tối rảnh rỗi mọi người ngồi bên nhau. Hãy kể ra một câu chuyện và tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ từ mọi người. Tạo cảm giác thân thiết, an toàn và tin tưởng luôn là điều quan trọng để các nàng dâu xem nhà chồng như một “gia đình” thứ hai đúng nghĩa.
– Cứ mỗi khi Tết đến thì nhiều người lại than vãn “Đang yên đang lành lại đến Tết”. Chị nghĩ sao về điều này?
– Tôi nghĩ đây là điều khá dễ hiểu. Xã hội ngày càng phát triển, công việc càng nhiều hơn và chúng ta cứ thế bị cuốn theo. Ngày thường đã đủ bận rộn, những ngày này lại càng không đủ thời gian để chuẩn bị cho Tết nên ai cũng thấy áp lực, đặc biệt là phụ nữ.
Đối với tôi, cảnh “đầu bù tóc rối” mỗi ngày Tết là điều khá ám ảnh từ khi còn nhỏ. Lúc ấy ba mất sớm, chỉ có mình mẹ phải loay hoay đi làm, kiếm tiền, mua sắm quần áo mới đồ dùng cho gia đình trong dịp Tết. Điều ấy ám ảnh tôi cho đến khi trưởng thành, thỉnh thoảng lại giật mình: “Không lẽ đến khi lấy chồng mình cũng sẽ như vậy?”. Vô cùng đáng sợ!
May thay khi lập gia đình, tôi luôn nhận được sự chia sẻ của ông xã nên lúc nào cũng cảm thấy Tết “nhẹ tựa lông hồng”. Khác với nhiều chị em đã có gia đình, Tết đối với tôi là khoảng thời gian được tận hưởng. Một phần vì là diễn viên nên tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Còn anh Bình cũng hạn chế nhận show trong Tết để dành tối đa thời gian cho gia đình. Những công việc nấu nướng, dọn dẹp mâm cỗ thì mọi người chia nhau ra làm nên đỡ vất vả.
– Chị có bí quyết nào để chồng luôn sẵn lòng chia sẻ các công việc nhà trong ngày Tết?
– Để khiến người đàn ông của mình luôn sẵn lòng phụ giúp ngày Tết, thì tôi nghĩ rằng phải cho họ hiểu Tết đã khiến vợ mình vất vả lo toan như thế nào, khiến họ đồng cảm và cũng muốn đồng lòng gánh vác những điều ấy cùng vợ. Sự lo lắng ấy cần phải xuất phát từ chính cái nhìn của họ.
– Chị thích Tết thời độc thân hay khi đã có gia đình?
– Tết trước và sau khi độc thân đều có những cái thú vị riêng. Giai đoạn còn ở chung với mẹ thì mọi thứ đều được dọn sẵn, chỉ việc ăn và ngủ. Đến khi trưởng thành, sống riêng thì ba ngày tết lại càng đơn giản, cúng ông bà, tự do muốn đi đâu làm gì cũng được mà không cần bận tâm đến ai. Nhưng lúc đó mình luôn cảm thấy thiếu một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Cảm giác ấy được lấp đầy khi anh Bình xuất hiện. Vậy là hoàn hảo rồi!
– Cảm ơn chị và chúc chị cùng gia đình vui Tết thật “đẹp”!