Vợ chồng ca sĩ Hoàng Bách: “Tết không phải của anh của em mà là của chúng mình” - Tạp chí Đẹp

Vợ chồng ca sĩ Hoàng Bách: “Tết không phải của anh của em mà là của chúng mình”

Giải Trí

Hoàng Bách: “Vợ lăn vào bếp thì chồng cũng phải… lăn theo để đỡ đần”

Đã có một khoảng thời gian rất dài, khi chuyển từ Nam Định vào Sài Gòn sinh sống, tôi sợ Tết. Bởi lúc ấy tôi không cảm nhận được gì ngoài sự nhạt nhẽo, lại thiếu không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc. Đến khi quen Thảo (vợ Hoàng Bách – PV) lại càng buồn hơn vì đấy là khoảng thời gian hai đứa phải xa nhau. Đó là lí do trong bài “Mình già đi cùng nhau” tôi viết: “Anh không đi về nhà anh. Em không đi về nhà anh. Ta thôi tạm biệt nhau mỗi khi tan hẹn hò. Anh sẽ đi về nhà em. Xin cho đôi mình về chung”. Chỉ đến khi lập gia đình và đón những đứa con chào đời, tôi mới lại có cảm giác mong chờ Tết và niềm vui kéo mãi đến tận giờ này.

hoangbach_deponline_3

Để có thể dành trọn vẹn thời gian bên gia đình trong những ngày này, tôi gói ghém công việc trước 30 Tết và quyết không nhận show diễn nào. Các thành viên sẽ cùng
nhau mua sắm, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Chồng Bắc, vợ Nam nên điều không thể thiếu là phải sắm đủ cả mai, cả đào. Mùng 1 đến mùng 3 thì hai vợ chồng đưa các con sum họp với ông bà nội ngoại, những ngày còn lại thì dắt nhau đi du lịch.

Tôi không quan niệm việc nhà cửa, bếp núc là của riêng phụ nữ. Ở nhà tôi, ai giỏi việc gì thì đảm nhận việc ấy. Vợ tôi là “thủ lĩnh” lên kế hoạch mọi thứ còn tôi và các con giữ chức vụ “tay sai”. Tết mà nhìn vợ đầu tắt mặt tối là điều tôi không cam tâm. Cái gì giản tiện được thì mình cứ chủ động bớt đi.

Trong những ngày ấy, tôi sẽ làm tài xế chở vợ đi chợ, khuân vác đồ đạc. Hoặc năm nào gia đình có nấu bánh chưng thì người không có hoa tay nào như tôi nhận việc kỳ cọ nồi, nhóm bếp, ngồi canh lửa. Nói chung tôi thấy việc gì mình có thể làm được thì lao vào làm hết. Thật lòng, tôi thích không khí cả nhà vừa làm, vừa đùa giỡn trêu chọc nhau rồi ngồi xuống thảnh thơi nhìn ngắm mọi thứ.

hoangbach_deponline_12

“Tết không phải của riêng anh, riêng em mà là của chúng mình.” Muốn vậy thì vợ lăn vào bếp, chồng cũng phải… lăn theo để san sẻ đỡ đần chứ không phải ngồi chờ cơm bưng nước rót. Tôi luôn trân trọng những giây phút cuối cùng của năm, khi hai vợ chồng có thời gian ngồi uống với nhau tách trà hay nhấp ly rượu vang, cùng ngắm lại những gì đã trải qua suốt 12 tháng. Nhìn thời gian trôi qua trên mái tóc mình, trên bàn tay hay gương mặt người mình yêu.

Với tôi, cái Tết hoàn hảo không cần mâm cao, cỗ đầy mà mang đúng nghĩa đoàn viên, sum vầy, gặp lại những người mình yêu thương. Quan trọng hơn là có thể dành thời gian du xuân cùng nhau vài ngày.

Thanh Thảo: “Tết sướng hay khổ là do mình”

Trong ký ức của tôi, những ngày giáp Tết cho đến tận ra mùng, mẹ cứ phải tất bật từ sáng đến tối. Không lui cui quét dọn chỗ nọ chỗ kia thì cũng cặm cụi nấu nướng. Có năm, Tết vừa hết hôm trước thì ngày sau mẹ cũng đổ bệnh. Dù mang tâm lý sợ Tết nhưng sau khi kết hôn, tôi thẳng thắn chia sẻ với chồng (ca sĩ Hoàng Bách – PV), hai đứa thống nhất ăn Tết theo tiêu chí gọn, nhẹ. Hàng năm, nhà tôi cứ đúng một lịch: ngày 29,30 Tết thì cúng kiếng, mùng 1 đến mùng 3 thì thăm họ hàng hai bên, những ngày còn lại để dành du xuân.

hoangbach_deponline_10 hoangbach_deponline_15

Bản thân phụ nữ khi đến dịp lễ lạt bao giờ cũng lo toan hơn người đàn ông. Lí do đơn giản vì phụ nữ chú trọng vào chi tiết, thích trang hoàng nhà cửa, thức ăn đủ đầy để đón bạn bè người thân đến chơi. Trong khi đàn ông lại thường không quá cầu kỳ về mặt hình thức. Khi đã nghiệm ra điều này, tôi hiểu rằng Tết sướng hay khổ đều là do mình.

Vì đàn ông thường hơi vô tâm, các chị em phụ nữ cần chồng giúp việc gì nên chủ động nói ra. Như lúc tôi mới lập gia đình, có những chuyện tôi đinh ninh chồng mình đã hiểu nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Đến lúc mình bày tỏ, anh Bách mới ồ à: “Em nói thì anh mới biết”. Cứ chia sẻ cùng chồng những gì bạn muốn họ làm giúp, kể cả những điều mình thấy khó chịu. Cứ nhẫn nhịn mãi sẽ thành thói quen, lâu dần sẽ chẳng thể nào vui ra ngoài mặt.

hoangbach_deponline_6

Tuy nhiên khi đánh tiếng nhờ chồng, phụ nữ cũng phải khéo léo. Bởi người ta vẫn thường dành lời ngọt ngào để giao tiếp bên ngoài xã hội, nhưng lại quên mất điều ấy cũng rất cần khi bước vào cửa nhà. Những người thân bên cạnh mới là người mình cần nghĩ suy trước khi nói nhất. Mình phải biết lựa lúc chồng đang rảnh rỗi rồi ngọt ngào một câu: “Anh ơi, mai anh không bận việc gì thì mình đi sắm Tết. Có mấy món đồ nặng em không bê được, em cần anh giúp”. Cứ như vậy, có ông chồng nào lại nỡ từ chối mình. Kể cả khi chính tôi thiếu sót, quên trước quên sau, anh Bách cũng hay lựa lời với tôi, thay vì càu nhàu: “Em ơi ngày 28 rồi sao em chưa mua cái nọ, cái kia” thì anh nói nhẹ nhàng hơn “Nhà mình còn thiếu mấy món này, khi nào em sắp xếp được thì mình đi mua nhé”.

Suy cho cùng, phụ nữ đừng nên đặt nặng hai chữ “đảm đang” lên vai mình. Cứ chuẩn bị mọi thứ vừa sức, và biết cách san sẻ công việc cho bạn đời. Tết vốn dĩ mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy nên mâm cao cỗ đầy vẫn không bằng giây phút mình ngồi quây quần bên nhau. Đừng quên, Tết vui là chính!

Tác giả: Mỹ Khánh

04/02/2019, 07:00