Bạn đã sẵn sàng để chia tay? - Tạp chí Đẹp

Bạn đã sẵn sàng để chia tay?

Sống

Đối với một số người, từ bỏ người không phù hợp với mình là điều cần thiết; trong khi đó, một số khác lại hối tiếc trong một thời gian dài vì đã đưa ra quyết định sai lầm. Nói lời chia tay với người đã gắn bó cùng mình trong những thời khắc buồn vui của cuộc sống là chẳng dễ dàng. Vì vậy, bất kỳ ai cũng cần có sự cân nhắc thận trọng trước khi đi đến quyết định quan trọng này.

Duy trì mối quan hệ có phải vì sợ đối phương sẽ tổn thương?

cap-doi-1

Trên thực tế, có không ít người đang cố gắng duy trì cuộc tình dẫu biết đang có rất nhiều vấn đề. Họ sợ người kia sẽ tổn thương, hoặc bản thân không đủ can đảm để rời xa một người mà mình đã gắn bó quá lâu. Đừng quên, duy trì một mối quan hệ không dựa trên sự mong muốn của bản thân, bạn đang khiến chính mình ngày càng mệt mỏi. Chia tay luôn là một quyết định khó khăn, nhất là khi bạn đã dành rất nhiều tình cảm cho người ấy. Chỉ nên kết thúc nếu thật sự không thể tiếp tục, chuyện đó vẫn hơn là làm đôi bên bế tắc và chán ngán nhau.

Hai người có cùng mục tiêu và kế hoạch trong tương lai?

cap-doi-3

Đây chắc chắn là một câu hỏi vô cùng quan trọng. Mục tiêu và tầm nhìn tương lai của hai người phải tương đồng là điều cần thiết. Các kế hoạch luôn cần được xây dựng và đóng góp ý kiến, có như vậy tương lai của cả hai mới tươi sáng và tránh được những mâu thuẫn, bất đồng không đáng có. Mục tiêu và dự định có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nếu cần lên kế hoạch cho tương lai và đôi bên không thể dung hòa, có lẽ đã đến lúc xem lại mối quan hệ.

Cả hai có còn nỗ lực cho mối quan hệ?

cap-doi-4

Hãy xem cả hai có đang cần một không gian riêng tư nhiều hơn, hoặc tận hưởng cuộc sống mà không cảm thấy cần chia sẻ? Nếu đúng như vậy, có thể bạn và nửa kia đã âm thầm chia tay không chính thức. Hai người đã từng có thể làm nhiều điều cho đối phương; nhưng nay việc gặp mặt, trả lời tin nhắn hoặc cuộc gọi lại trở nên quá khó khăn, trong sâu thẳm mỗi người đều ít nhiều nhận thấy mối quan hệ này đã không còn đáng (được đầu tư) nữa. Bạn và người kia đơn giản là không còn nỗ lực vì nhau.

Bạn và người ấy có thực sự đang giao tiếp?

cap-doi-2

Một mối quan hệ lành mạnh và tích cực phụ thuộc phần nhiều vào việc giao tiếp của cặp đôi. Chúng ta không nên kiệm lời hoặc nói chuyện một cách qua loa với người còn lại. Điều này thể hiện sự không tôn trọng đối phương, và người ấy cũng sẽ cảm thấy tổn thương. Luôn cần sự quan tâm, thấu hiểu dành cho nhau trong một mối quan hệ. Nếu đối phương chẳng hề để tâm đến việc bạn nghĩ gì, cảm xúc của bạn ra sao, có lẽ mối quan hệ giữa hai bạn thực sự có vấn đề.

Bản thân cảm thấy hạnh phúc hay âu sầu hơn?

cap-doi

Đây có thể là câu hỏi khái quát nhất về tình trạng của cả hai. Khi bạn phải đối mặt với những khó khăn và áp lực trong cuộc sống, đối phương có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn; đây chính là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, ở cạnh người ấy khiến bạn thấy nặng nề hoặc không thoải mái, nghĩa là bạn đang trở nên âu sầu nhiều hơn hạnh phúc. Nếu chia sẻ cuộc sống với một người khiến mọi thứ tệ hơn, bạn nên đánh giá lại mối quan hệ này.

Mối quan hệ còn cứu vãn được không?

Đừng bao giờ chia tay trong giây phút nông nổi. Nếu mối quan hệ không còn đáng cứu vãn, bạn sẽ đủ khả năng nhận ra nó khi cả hai cùng bình tĩnh.

cap-doi-1

Điều chúng ta cần trong một mối quan hệ không chỉ có tình cảm. Nếu bạn cảm thấy cả hai chẳng có gì khác ngoài tình yêu (không giao tiếp, không mục đích tương đồng, không dung hòa trong những quan điểm về cuộc sống , v.v…), có lẽ bạn nên dừng lại chuyện tình này. Hai người có thể tạm rời xa nhau như một phép thử cuối cùng cho đôi bên – đừng nhắn tin, gọi điện, hoặc bên nhau nữa. Thời gian xa cách thử thách này có thể giúp bạn nhận thấy mối quan hệ có giá trị thế nào với bản thân… hoặc không.

Thực hiện: depweb

13/08/2018, 14:00