“Có lẽ các vị thần đã tức giận. Họ không muốn World Cup đặc biệt này dừng lại.”
Tờ Daily Telegraph (Anh) bình luận vui về cơn mưa bất ngờ ở Luzhniki trong lễ trao giải sau một “cơn mưa bàn thắng” trước đó.
Tờ báo này nhấn mạnh: “Pháp trở nhà vô địch thế giới một cách xứng đáng vì đã xây dựng được đội hình tốt nhất và thực tế nhất của kỳ World Cup đẹp nhất trong lịch sử này.”
Theo BBC, “Croatia và Pháp đã tạo ra một trận đấu hấp dẫn, với số bàn thắng cao nhất trong một trận chung kết kể từ năm 1966… và sự can thiệp gây tranh cãi của VAR, một tác động quyết định đến kết quả cuối cùng.”
Theo tờ Süddeutsche Zeitung của Đức, “trận chung kết sôi động này là một điểm nhấn của World Cup năm nay: một bàn phản lưới nhà, công nghệ VAR và lối chơi cắt vụn.”
Nhưng trên tất cả, “chỉ có tập thể giỏi nhất mới có thể giành chiến thắng ở World Cup này, nơi mà các ngôi sao cá nhân trở nên vô dụng. Khái niệm này đã phần nào bị lãng quên trong sự cuồng loạn đang bao phủ bóng đá hiện đại, với Messi, Ronaldo và Neymar. Nghĩa vụ phải được thực hiện trước khi phô trương phong cách tự do cá nhân, an toàn phải được đảm bảo trước khi phô bày lối chơi trình diễn đẹp mắt. Đây là bài học mà huấn luyện viên Deschamps, bậc thầy về trạng thái tinh thần, đã mang lại cho chúng ta.”
Lối chơi hiệu quả của Pháp đã được báo Clarin (Argentina) khen ngợi: “Đây là chiến thắng của tập thể các ngôi sao.”
Nhật báo này chỉ rõ: “Một xu hướng tại những giải đấu lớn của châu Âu và hiện đang lên ngôi ở vòng chung kết thế giới : thiên tài là không đủ.”
Đối với truyền thông thế giới, chiến thắng của Pháp trước hết là chiến thắng của trạng thái tinh thần. Báo El Mundo chạy hàng tít “Pháp là nhà vô địch của thế giới và của chủ nghĩa thực dụng.”
Huấn luyện viên Didier Deschamps với vai trò “kiến trúc sư” cho thành công của Les Bleus cũng được ngợi khen.
Tờ The Wall Street nhận định ông đã đoàn kết được”một đội bóng với rất nhiều tài năng đến nỗi ngay cả khi đã giành quyền vào trận chung kết vẫn bị chỉ trích là đã không chơi hết tiềm năng. Không có đội tuyển nào đến World Cup năm nay với nhiều thiên tài đến vậy.”
Các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng không quên á quân Croatia, đội đã có một lộ trình đến chung kết dài dằng dặc và đáng ngả mũ khâm phục. Báo El Mundo tin rằng World Cup năm nay “chắc chắn đã có người chiến thắng, nhưng cũng không đáng có một kẻ thua cuộc.”
Nhật báo của Tây Ban Nha cho rằng “Croatia xứng đáng được hoan nghênh tương tự như những gì đang chờ đợi đội tuyển Pháp trên đại lộ Champs-Elysees.”
Đối với báo La Nación của Argentina, “Croatia không thể tin những gì đã xảy ra trong trận chung kết này. Họ chơi tốt hơn nhưng lại chịu thua.”
Tương tự, BBC cho rằng “Croatia bại trận, nhưng lối chơi của họ đã giành được trái tim của công chúng trung lập.”
Báo El País đồng quan điểm: “Pháp thắng, nhưng đó là điều duy nhất họ làm được tại vòng chung kết này. Vinh quang thuộc về các cầu thủ Croatia.”
Nhưng với báo La Vanguardia, “Pháp đã giành chức vô địch thế giới lần thứ hai với quyền năng và công minh.”
Tờ nhật báo của Barcelona nhấn mạnh sự cố gắng của Liên đoàn bóng đá Pháp để đạt được kết quả này: “Mọi thứ đã được thực hiện tốt tại Trung tâm quốc gia đào tạo cầu thủ Clairefontaine từ nhiều năm nay, và sức trẻ của nhà vô địch thế giới mới cho thấy một sự thống trị có thể kéo dài trong thời gian tới.”
Tờ Independent (Anh) ca ngợi rằng bằng cách đánh bại “đội bóng dũng cảm Croatia, Pháp đã trở thành bất tử trong thế giới bóng đá.”
Ở Italy, báo Corriere della Serra nhận định chiến thắng của Pháp vượt xa khỏi quy mô một trận chung kết: “Sau khi các mô hình Tây Ban Nha và Đức được công nhận và áp dụng trong nhiều năm qua, đã đến lúc phải nói rằng vai trò tiên phong của bóng đá thế giới nằm ở Pháp. Và điều này sẽ kéo dài trong một thời gian dài nếu tính đến độ tuổi trung bình cũng như trình độ mà họ đã thể hiện ở Nga”.