Gương mặt thương hiệu đổi chủ
The Face năm nay về cùng một nhà với Vietnam’s Next Top Model, tạo nên một sự… mất mát đáng kể, khi mà chắc chắn nhà sản xuất Multi Media sẽ không cho hai show lên cùng thời điểm như khi bản quyền chương trình còn thuộc về Cát Tiên Sa. Điều đó đồng nghĩa với việc khán giả sẽ không có điều kiện so sánh, bới móc và tạo ra hiệu ứng truyền thông đồng loạt cho cả hai. Khi thế cạnh tranh bị mất đi, The Face chiếm lấy vị trí độc tôn một cách bất đắc dĩ vì đây là chương trình thực tế duy nhất liên quan đến việc tìm kiếm các gương mặt thời trang ở thời điểm hiện tại.
Để tránh trường hợp như Grab sau khi mua lại Uber, đột nhiên dịch vụ tệ hẳn đi, lần này, Multi Media đã để The Face ra quân với 3 gương mặt huấn luyện viên dường như được gài vào kịch bản từ lâu. Thanh Hằng 2 lần hụt ghế nóng trong 2 mùa trước, cứ loay hoay giữa việc là đại sứ của Samsung với một chương trình “hot” do Oppo tài trợ. Năm nay, nữ diễn viên – siêu mẫu bước thẳng từ Vietnam’s Next Top Model sang The Face, với khí chất không đổi, vị trí không thay, và có lẽ phong cách cũng y nguyên như thế.
Minh Hằng cũng là một trường hợp “hụt”: chân ngắn hơn 2 vị huấn luyện viên còn lại, bị “ăn hiếp” hết bởi Hồ Ngọc Hà lại đến Hoàng Yến và cả… stylist riêng. Ngồi ghế nóng, cô đã nói một câu rất hay: “Tôi là ánh sáng le lói cho những thí sinh chân không dài”. Việc kém cạnh thực ra lại là một cái đà cho Minh Hằng tỏa sáng và khác biệt.
Hoàng Yến thì… không còn gì để mất! Nếu chỉ một vài năm trước, Yến còn ăn vận lôi thôi đi làm DJ vũ trường và thều thào phân trần về chuyện Cường “đô la”, thì giờ đây, thời thế lại là của cô. Là một người mẫu có những số đo trời phú và kinh nghiệm catwalk dạn dày, việc chịu khó bộc lộ cá tính giúp Yến trở thành viên ngọc đã sáng nay lại càng thêm sáng.
Chỉ riêng sự xuất hiện của 3 “gương mặt thương hiệu” này đã cung cấp đủ chất liệu để gây tiếng vang cho show. Ấy là chưa kể The Face năm nay còn có sự góp mặt của chuyên gia trang điểm Nam Trung – một nhân vật đã quá nổi tiếng về độ xéo xắt. Multi Media vẫn là công ty truyền thông duy nhất ở Việt Nam có profile tốt về các chương trình thời trang. The Face vì thế được làm mới về format, độc tôn giữa thị trường màu mỡ không đối thủ, lại có luôn đầu ra là các fashion show được tổ chức cùng bởi công ty mẹ. Không lạ khi các thí sinh cả cũ lẫn mới cứ ùa đến dự thi, vì gương mặt tóm lại vẫn là thứ dễ thi và dễ… khoe nhất!
Tuy nhiên, càng nói, ta tự dưng càng thấy The Face cứ như là… Vietnam’s Next Top Model đổi tên vậy!
Mỗi người một giọng
Thế mạnh của The Voice (Giọng hát Việt) là các vòng thi được xây dựng chặt chẽ, từ Giấu mặt cho tới Đối mặt, tập trung đi tìm các giọng hát hay. Quán quân của cuộc thi này đều là những giọng hát tạo được dấu ấn tốt với thị trường.
Tuy nhiên, năm nào cũng như năm nào, Công ty Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất và giữ bản quyền của The Voice, đều loanh quanh giữa 2 chọn lựa huấn luyện viên: 1. Đại sứ của Oppo – thương hiệu điện thoại gần như là nhà tài trợ… vĩnh viễn cho Giọng hát Việt; 2. Những ngôi sao cũ.
Năm nay, Tóc Tiên và Noo Phước Thịnh là lứa đại sứ Oppo tiếp tục “cầm cân nảy mực”. Hai ghế huấn luyện viên còn lại thuộc về hai giọng ca “Làn sóng xanh”: Thu Phương và Lam Trường. Nếu như những màn đối đáp của The Voice Mỹ luôn làm ta đứng ngồi không yên, giống như cách Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng và Trần Lập từng thể hiện rất đạt trong mùa Giọng hát Việt đầu tiên, thì hội đồng huấn luyện viên năm nay có thể nói là hội đồng thiếu “chất kết dính” với nhau nhất. Về âm nhạc, không có một tiếng nói chung nào giữa họ. Về thế hệ, càng không! Nhìn vào dàn huấn luyện viên có thể thấy được văn hóa của showbiz Việt, đấy là: không ai chơi với ai.
Thí sinh vẫn là điểm sáng nhất của format này. Những bài hát họ thể hiện đều tạo ra sức hấp dẫn và mang tính lan truyền. Nhưng chừng đó cũng chỉ đủ giữ chân khán giả trong vài tập đầu tiên. Còn lại, chất kết dính của cả show cứ dần dần rơi rụng sau mỗi tập phát sóng.
Truyền hình nhưng không… truyền hình
Năm nay là năm The Debut được… debut. Đây là một sản phẩm của Wepro – công ty mà Sơn Tùng M-TP từng trực thuộc, cũng là đơn vị từng tổ chức rất thành công nhiều chương trình ca nhạc và dự án điện ảnh. Với bàn tay của đạo diễn Quang Huy – người có nhiều kỹ thuật nhà nghề cùng sự đầu tư chỉn chu và một vài điểm mới mẻ khác lạ, có thể về đường dài, The Debut sẽ là chương trình tạo nên kỳ tích.
Nói như đơn vị sản xuất thì The Debut có 2 điểm mạnh. Thứ nhất, đây là dự án âm nhạc được truyền hình, chứ không phải show truyền hình. Thứ hai, nó thực tế 100%. Nhưng ai chẳng biết, làm gì có thứ gì lên truyền hình lại thực tế 100%? Những điều bạn thấy trên màn hình ti vi đều đã qua cắt gọt, dàn dựng và kiểm duyệt. Cái hay của The Debut thực ra nằm ở tính hành trình.
Sản phẩm âm nhạc của một nghệ sỹ vốn có sức sống lớn hơn cái tên của nghệ sỹ rất nhiều. Khi khán giả nghe nhạc, họ phải yêu ca khúc của ca sỹ trước rồi mới tìm hiểu câu chuyện về cá nhân người đó. Ca khúc đầu tay hoặc lần ra mắt đầu tiên vì thế rất quan trọng với sự nghiệp mỗi ca sỹ, nó gần như đóng vai trò quyết định rằng con đường họ đi sau đó sẽ trải hoa hồng hay lên thác xuống ghềnh. Bất kì màn ra mắt nào cũng cần được tính toán và đầu tư kĩ lưỡng về nội dung, hình ảnh, truyền thông… và tất nhiên, cả tiền bạc. Chọn khai thác quá trình một sản phẩm được tạo ra, The Debut cung cấp cho khán giả góc nhìn thú vị hơn rất nhiều về thế giới showbiz sôi động và khắc nghiệt. Một format như vậy chính là điều mà các show giải trí trên truyền hình đang rất thiếu.
Kết
Cùng lúc chiếm sóng truyền hình, The Debut, The Voice và The Face đang cùng nhau “vét sạch” mọi nhân tài lớn bé còn sót lại của một nền công nghiệp giải trí còn non trẻ là showbiz Việt. Giả sử 3 show này cùng bắt tay lại để tìm ra một giọng hát hay có gương mặt dễ nhìn và được debut thật hoàn hảo, hẳn người thắng cuộc sẽ là khái niệm hoàn chỉnh nhất cho hai chữ “ngôi sao”.