Họa sĩ Lê Thị Quế Châu: Đừng để xã hội hỗn loạn vì... khoảng cách - Tạp chí Đẹp

Họa sĩ Lê Thị Quế Châu: Đừng để xã hội hỗn loạn vì… khoảng cách

Sống

– Điều gì đã tạo cảm hứng để chị thực hiện tác phẩm “Khoảng cách” khiến không ít người xem giật mình khi nêu được thực trạng cuộc sống trong các gia đình hiện tại?

– Tôi lấy cảm hứng về bữa ăn trong gia đình nhưng khai thác với cái nhìn mới hơn. Tôi vẽ tác phẩm vào năm 2017.

Hình ảnh mâm cơm vốn nói về sự đoàn tụ, nhưng trong câu chuyện của mình tôi mượn hình ảnh bữa ăn để nói lên khoảng cách càng ngày càng xa giữa các thế hệ trong một gia đình. Khoảng cách đó không hẳn là do sự khác biệt tuổi tác, mà nó là thứ không đong đo đếm được – thứ khoảng cách vô hình của sự thiếu chia sẻ giữa những người tưởng là thân yêu nhất, nhưng nó tích lũy chất chồng lên mỗi ngày.

Chamvaokhoangcach_QueChau3
Họa sĩ Quế Châu

– Nếu không phải tuổi tác, cái gì là rào cản giữa các thành viên trong một gia đình, theo quan sát của chị?

“Khoảng cách đó không hẳn là do sự khác biệt tuổi tác, mà nó là thứ không đong đo đếm được – thứ khoảng cách vô hình của sự thiếu chia sẻ giữa những người tưởng là thân yêu nhất, nhưng nó tích lũy chất chồng lên mỗi ngày.” – Quế Châu

– Cuộc đối thoại giữa người trẻ và người lớn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Giữa hai, ba thế hệ trong một nhà, ngoài tuổi tác còn có rất nhiều điều khác nhau giữa các thành viên: quan điểm sống, tâm sinh lý, sở thích, thói quen, mối quan hệ… Khoảng cách đó sẽ ngày càng rút ngắn nếu như mỗi thành viên biết bớt lại cái tôi, biết lắng nghe, quan tâm, động viên nhau. Sự ích kỷ thu mình vào thế giới riêng là nguyên nhân khoảng cách ngày càng xa nhau của con người.

Trong xã hội hiện tại, công nghệ thông tin phát triển, con người sống song hành cùng thế giới ảo nhiều hơn. Cụ thể là trên Facebook, một số người có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc thật của mình trong thế giới ảo nhưng không dám chia sẻ với người thật, đời thật. Thời gian người trẻ quan tâm với thế giới ảo cũng chiếm khá nhiều. Nếu dành thời gian đó để quan tâm chăm sóc bản thân và người thân trong gia đình thì cuộc sống sẽ trọn vẹn ý nghĩa hơn.

Chamvaokhoangcach_QueChau2
Bức tranh “Khoảng cách” đáng suy ngẫm của họa sĩ Lê Thị Quế Châu

– Chị vẽ tác phẩm với góc nhìn từ trên cao xuống và phần nào đó người xem khó thấy chân dung thật của nhân vật. Chị ngụ ý điều gì qua cách phác thảo này?

– Chẳng có một khuôn mặt nào nhưng lại là muôn khuôn mặt trong cuộc đời. Tôi muốn nói rằng, đó là hiện thực phổ biến.

“Thế giới ngày càng nhỏ hơn, gần hơn, và mọi người sống trong một thế giới phẳng tối tân. Nhưng cứ hình dung đi, mọi thứ trên một mặt phẳng thực sự là khó chạm nhau nhất.” – Quế Châu

Tôi đang kể câu chuyện về người cha và cô gái trẻ trong một bữa cơm trưa nhưng chọn cách cắt bố cục gần và hẹp nhằm làm tăng sự chú ý người xem đến không phải là hai nhân vật hai bên mép tranh mà là những đồ vật trên bàn ăn.

Đó là sự đối lập giữa một bên là mối quan tâm ăn uống đúng giờ giấc của người lớn tuổi, muốn được cùng nói chuyện, chia sẻ với con cái; một bên là người trẻ quên cả việc ăn uống đúng giờ và chỉ quan tâm đến thế giới riêng của mình, thế giới của công việc, những thông tin và mối quan hệ trong thế giới ảo. Trong cùng một khoảnh khắc ngồi vào bàn ăn ấy, khoảng cách vật lý giữa hai cha con thì hẹp, nhưng khoảng thật lại dường như rất mênh mông. Và tôi cố ý kéo dài kích thước chiếc bàn ăn so với chiếc bàn thực tế để muốn nhấn mạnh điều này.

Vì thế, bao trùm tác phẩm là sự tĩnh lặng, trống trải, ảm đạm. Điều này có thể nhận ra từ dụng ý nhấn sáng vừa đủ cho những chi tiết.

Chamvaokhoangcach_QueChau1

“Tình cảm là những cú chạm, nên nếu không có sự cởi mở, sẻ chia con người sẽ không bao giờ thực sự hiểu và chạm đến thế giới mình đang sống.” – Quế Châu

– Theo chị làm thế nào để rút ngắn khoảng cách trong thời đại công nghệ hiện tại?

– Vừa đủ bao giờ cũng tốt. Trong cuộc sống chúng ta đang chú trọng vào quyền tự do cá nhân, sự tôn trọng dành cho nhau ở các mối quan hệ là ứng xử văn minh, cần phải học. Nhưng, tình cảm là những cú chạm, nên nếu không có sự cởi mở, sẻ chia con người sẽ không bao giờ thực sự hiểu và chạm đến thế giới mình đang sống. Vì thế, tôi cho rằng, yêu thương là chìa khóa gắn kết thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tôn trọng người bên cạnh những vẫn thể hiện được sự yêu thương, chia sẻ với họ.

Thế giới ngày càng nhỏ hơn, gần hơn, và mọi người sống trong một thế giới phẳng tối tân. Nhưng cứ hình dung đi, mọi thứ trên một mặt phẳng thực sự là khó chạm nhau nhất. Bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt người yêu qua facetime trực tuyến, nhưng lại không thể chạm vào người ấy. Bạn có thể nghe giọng nói của người bạn yêu thương nhưng không bao giờ cảm nhận được hơi thở của họ. Chạm vào người bạn yêu thương, nghe từng nhịp thở của người ấy mới thực sự gọi là đồng hành.

“Khoảng cách sinh ra giữa những quan niệm khác nhau, và xã hội sẽ ngày càng hỗn loạn hơn nếu các thái cực bị đẩy quá xa nhau.” – Quế Châu

Tôi cổ vũ sự phát triển của công nghệ nhưng không ủng hộ sự lạm dụng nó ngày càng nhiều hơn trong xã hội. Chúng ta làm mọi việc theo thói quen, nếu chúng ta tập yêu thương sẽ nuôi dưỡng được yêu thương, tập thờ ơ sẽ nuôi dưỡng sự thờ ơ, tập sống với thế giới ảo sẽ bỏ quên hiện thực. Khoảng cách sinh ra giữa những quan niệm khác nhau, và xã hội sẽ ngày càng hỗn loạn hơn nếu các thái cực bị đẩy quá xa nhau.

Như trong bức tranh “Khoảng cách”, tôi nghĩ chỉ cần cô gái bỏ điện thoại xuống, mọi việc kết nối thực khác sẽ mở ra.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Chuyên đề CHẠM VÀO KHOẢNG CÁCH
Khoảng cách là một khái niệm mơ hồ nhưng đáng sợ, nó có thể ngăn trở người ta một cách hữu hình bằng hàng vạn hàng triệu km, bằng cánh cửa đóng, bằng bàn tay đưa ra không ai nắm lấy… hoặc vô hình như một cảm giác trống rỗng và bất lực không gì đo đếm nổi.
Dường như, khoảng cách giữa tất cả mọi người đang ngày càng rộng và dài hơn?
Và chúng ta sẽ để mặc nó, hay tìm cách chạm vào?
Chuyên đề “Chạm vào khoảng cách” của Đẹp Online được thực hiện nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, để truyền đi thông điệp: Hãy mạnh dạn bước qua và xóa nhòa tất cả các khoảng cách bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và yêu thương!

Thực hiện: depweb

28/06/2018, 16:00