Khi học xong cấp III, tôi – một cô bé có thân hình cao to- ấp ủ ước mơ trở thành người mẫu. Nhưng khi chia sẻ với gia đình thì cả bố và mẹ đều không đồng tình và luôn hướng tôi theo những con đường khác như kế toán, dược sĩ, v.v…
Gia đình tôi bao đời làm kinh doanh khi mọi người trong gia đình đều làm việc tại nhà máy sản xuất thực phẩm của người dì tại Long An. Đó là lý do bố mẹ muốn tôi học kinh doanh để nối nghiệp công việc gia đình.
Trong mắt bố mẹ tôi, nghề người mẫu không được coi trọng vì nó quá phức tạp, không ổn định, nhiều cám dỗ, sẽ khiến con gái hư hỏng và lạc lối. Gia đình tôi lại khá truyền thống nên tư tưởng của người lớn rất nghiêm khắc, tôi còn nhớ khi ấy mẹ nói rằng: “Con là con gái chỉ cần học hành đàng hoàng, công việc ổn định, lấy được tấm chồng tốt thì chồng lo, không nên đua đòi công việc xa hoa đó làm gì. Nó không thích hợp với con và trong gia đình mình không ai làm nghề đó cả.”
Dẫu biết bố mẹ lo xa và suy tính kỹ lưỡng tương lai của con gái nên không muốn tôi dấn thân vào con đường đầy thị phi ấy, nhưng tính háo thắng của tuổi trẻ khiến tôi và gia đình không tìm được tiếng nói chung. Vậy nên tôi không còn tâm sự nhiều với bố mẹ về những dự định tương lai, vô hình chung đã tạo khoảng cách với gia đình. Đỉnh điểm của sự thay đổi ấy là khi tôi tranh cãi với cậu của mình (tôi sống trong một đại gia đình nên quyết định của con cháu phải được sự đồng ý của tất cả người lớn trong nhà).
Từ thời điểm đó, tôi quyết định ra đi và tự lập. Tôi tự đi đăng ký học người mẫu, tự tìm tòi, đi làm, tập luyện, và không quan tâm đến gia đình. Bố me tuy giận con nhưng lo lắng nhiều hơn. Còn tôi khi ấy rất cứng đầu chỉ muốn làm theo ý mình, còn trách bố mẹ tại sao không hiểu con mà chỉ áp đặt, rồi buồn và giận gia đình vì không được chia sẻ.
Nhiều lúc đi làm về muộn ăn mì gói mà thấy nhớ mấy món mẹ nấu kinh khủng nhưng lại không thể trở về. Thực ra trong thời gian đó, mẹ vẫn hay gọi điện hỏi thăm nhưng tôi lại rất lơ là vì nghĩ gia đình không hiểu mình, nên chẳng muốn nói hoặc chia sẻ gì cả. Có khi cả tháng trời còn không về nhà khiến mẹ rất buồn.
Tôi cố gồng mình để chứng tỏ lựa chọn của tôi là đúng. Mãi cho đến đêm diễn ra chung kết Hoa Khôi Áo Dài 2016 (Yến Nhi đạt danh hiệu Á khôi tại cuộc thi này – PV), tất cả mọi người trong gia đình từ ba mẹ, cậu, dì, chú, bác, … đều có mặt đầy đủ để cổ vũ. Lúc ấy tôi mới cảm nhận được sự quan tâm của gia đình và suy nghĩ khác đi. Hóa ra suốt thời gian qua tôi là người cố chấp, ích kỷ nghĩ rằng không ai quan tâm đến mình, nhưng thực tế gia đình đã luôn bên cạnh tôi, còn tôi là chính là người ra đi.
“Bức tường” bấy lâu giữa tôi và người thân hóa ra là do chính tôi tự tạo nên. Sau đó tôi sửa sai bằng cách trở về nhà nhiều hơn, dành thời gian cho gia đình, chia sẻ với ba mẹ nhiều hơn trong công việc. Và cuối cùng tôi được mọi người hoàn toàn ủng hộ cho sự nghiệp người mẫu.
Không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng với tôi, hai từ “khoảng cách” quả là nguy hiểm. Nó làm cuộc sống chúng ta trở nên rất tẻ nhạt, nhàm chán và có thể đánh mất tình thân chỉ trong tích tắc.
Khoảng cách là một khái niệm mơ hồ nhưng đáng sợ, nó có thể ngăn trở người ta một cách hữu hình bằng hàng vạn hàng triệu km, bằng cánh cửa đóng, bằng bàn tay đưa ra không ai nắm lấy… hoặc vô hình như một cảm giác trống rỗng và bất lực không gì đo đếm nổi.
Dường như, khoảng cách giữa tất cả mọi người đang ngày càng rộng và dài hơn?
Và chúng ta sẽ để mặc nó, hay tìm cách chạm vào?
Chuyên đề “Chạm vào khoảng cách” của Đẹp Online được thực hiện nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, để truyền đi thông điệp: Hãy mạnh dạn bước qua và xóa nhòa tất cả các khoảng cách bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và yêu thương!