Sống trong nhà nghe có vẻ an toàn, nhưng ít ai chú ý đến những tác hại khôn lường như môi trường ô nhiễm bên trong, thiếu ánh sáng tự nhiên,… Một số thông tin hữu ích dưới đây có thể giúp “thế hệ thiếu sáng” tìm hiểu được nguyên nhân và cách khắc phục không khí ô nhiễm ngay tại nơi ở của mình.
Ô nhiễm không khí trong nhà : mối nguy đến từ bên trong
Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà lớn nhất là từ đồ nội thất, đặc biệt là nội thất làm từ gỗ công nghiệp kém chất lượng do dư chất formaldehyde có trong keo dính gỗ. Các ngôi nhà có thiết kế kín, ít thông thoáng sẽ dễ bị khí ô nhiễm tích tụ. Con người trong môi trường đó đã quen dần nên khó cảm nhận được những mối nguy hại đang gặp phải. Quan trọng hơn hết, khi nói về “ô nhiễm” ai trong chúng ta cũng hình dung về vấn đề giao thông hoặc khí thải.
Hầu hết hoạt động sinh hoạt đời thường của chúng ta đều diễn ra trong nhà, từ nấu ăn đến phơi quần áo, trồng cây cảnh hoặc nuôi thú cưng. Đó là những nguyên nhân góp phần tạo ra thêm những tạp chất độc hại trong nhà. Độ ẩm trong không khí có thể dẫn đến mối và nấm mốc, dẫn đến các bào tử nấm làm vấy bẩn bầu không khí. Mỗi khi không khí trong nhà trở nên tệ hơn, ta thường “chữa” bằng cách sử dụng các mùi thơm nhân tạo, và chúng luôn có lẫn những hóa chất gây hại cho sức khỏe.
Quá phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo
Ánh sáng không chỉ cần thiết những khi chúng ta đọc sách hay làm việc với máy vi tính, mà còn có vai trò trong việc đảm bảo sức khỏe và nâng cao hiệu quả làm việc. Môi trường thiếu ánh sáng còn có thể khiến chúng ta dễ buồn ngủ, ủ rũ, mất tập trung, dẫn đến hiệu quả làm việc kém hoặc sai sót trong công việc.
Nếu ở một không gian gần gũi với thiên nhiên hay có nhiều ánh sáng tự nhiên, chúng ta sẽ gia tăng hiệu suất công việc, tinh thần phấn chấn, và cảm thấy thoải mái hơn. Ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng ban ngày, rất có lợi cho sức khỏe.
Nghĩ khác đi và thay đổi cách sống
Hãy để không khí sạch và ánh sáng trở lại với cuộc sống bằng những việc đơn giản mà cực kỳ hiệu quả sau đây:
– Tập luyện thể thao vào sáng sớm
– Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên
– Thiết kế không gian nhà có cửa sổ đón nắng
– Dùng máy lọc khí hoặc lắp máy thông gió
– Nên phơi quần áo ở nơi có ánh sáng tự nhiên
– Hạn chế gây ẩm trong nhà (đóng cửa khi tắm, mở cửa sổ và bật quạt bên ngoài)