Haute couture & ready-to-wear
Xuất hiện từ thế kỷ 17, được khởi xướng bởi không ai khác ngoài tín đồ thời trang kiêm bà hoàng tai tiếng Marie Antoinette, haute couture nhanh chóng phát triển thành một loại hình nghệ thuật thực thụ. Khởi đầu bằng những trang phục may đo và thiết kế riêng theo ý tưởng của nữ hoàng và tầng lớp thượng lưu Paris, haute couture lập tức được giới quý tộc Châu Âu “kết nạp” vào tủ quần áo thường ngày, khi việc giao thương trong châu lục này ngày càng trở nên thuận tiện.
Tuy vậy, người được xem là cha đẻ của haute couture lại là nhà thiết kế người Anh Charles Frederick Worth. Bằng cách thay đổi quan điểm của công chúng về cắt may, ông đã nâng tầm người thợ may lên thành một nghệ sĩ thực thụ, được gọi bằng cái tên mỹ miều mà ngày nay chúng ta vẫn thường dùng: nhà thiết kế thời trang. Với sự tinh tế, mộng mị đầy xa hoa của mình, haute couture trở thành chuẩn mực và niềm mơ ước của nhiều nhà thiết kế. Hàng loạt tên tuổi xuất hiện và để lại dấu ấn riêng của mình qua những thiết kế với kỹ nghệ nhà nghề đầy mê hoặc như Dior, Givenchy hay Christian Lacroix và Jean Paul Gaultier,… Nhưng nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Yves Saint Laurent.
Xuất thân với nền tảng haute couture và là truyền nhân trực tiếp của nhà thiết kế tài hoa Christian Dior, Yves Saint Laurent lại trở thành cha đẻ của ready-to-wear hiện đại. Thập niên 60 đánh dấu cột mốc mới trong văn hóa đại chúng bằng sự phát triển của ngành hàng không dân dụng. Khi người ta đã có thể vượt đại dương trong phút chốc, tham gia tiệc tùng và mua sắm từ Paris, New York cho đến Milan, những trang phục đắt tiền được may đo riêng tại Paris dần mất đi giá trị thượng tôn của chúng. Với sự trợ giúp của Pierre Berge – một cái đầu chưa hề bỏ sót bất cứ cơ hội kinh doanh nào, thương hiệu Yves Saint Laurent Rive-Gauche ra mắt vào năm 1966 ngay lập tức tạo nên cơn sốt chưa từng có tiền lệ. Những thiết kế may sẵn được chuẩn hóa mê hoặc công chúng bằng sự tiện dụng, nhanh chóng bắt kịp và phản ánh mọi xu hướng của thời đại.
Vẫn phảng phất đâu đó nét hào hoa của haute couture nhưng lại tiện lợi và dễ dàng tiếp cận hơn nhiều lần, ready-to-wear nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của các nhà mốt. Đây được xem như sự kết thúc của thời đại hoàng kim haute couture. Dù vẫn tiếp tục được duy trì đến ngày nay, nhưng haute couture gần như chỉ còn là một công cụ quảng bá hình ảnh, gợi nhớ về quá khứ huy hoàng xa xôi và những giá trị nhà nghề truyền thống.
Streetwear lên ngôi
Sự nổi lên gần đây của những thương hiệu như Vêtements, Gosha Rubchinskiy, Off-White, Supreme,… cùng cuộc hồi sinh rầm rộ của những cái tên lừng lẫy một thời (Puma, Fila,…) đánh dấu sự trỗi dậy của streetwear. Và trong một động thái không tưởng, streetwear xâm lăng sang cả lãnh địa của những nhà mốt haute couture lâu đời nhất. Givenchy đã tạo cơn sốt với những thiết kế lấy cảm hứng trực tiếp từ đường phố. Dưới bàn tay tài hoa của giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci, những món đồ bình dân như áo nỉ, áo phông, mũ bóng chày và sneakers bỗng hóa thành những tuyên ngôn thời trang đẳng cấp. Balenciaga cũng tạo được thành công vang dội bằng những thiết kế mang cảm hứng streetwear đầy phá cách của giám đốc sáng tạo Demna Gvasalia – cũng là nhà sáng lập thương hiệu streetwear Vêtements đình đám. Valentino, Dior, Chanel và ngay cả những cái tên ít ai ngờ đến nhất như Vera Wang hay Victoria Beckham cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng này bằng những thiết kế thoải mái, đậm tinh thần thể thao và đôi khi có phần xuề xòa hơn hẳn so với hình ảnh thường thấy từ những thương hiệu này.
Năm ngoái, Louis Vuitton cho ra mắt những thiết kế kết hợp cùng Supreme trong BST Thu Đông 2017. Cháy hàng gần như ngay lập tức, bộ sưu tập đặc biệt này không chỉ mang lại hình ảnh trẻ trung đầy đầy lạ lẫm cho thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới mà còn giúp Supreme bán được lượng cổ phần trị giá lên đến hơn 1 tỷ USD. Tiếp nối thành công không tưởng này, Louis Vuitton bổ nhiệm “hoàng tử streetwear” Virgil Abloh vào vị trí giám đốc nghệ thuật dòng thời trang nam của mình. Vốn đã “khét tiếng” trong giới streetwear khi sở hữu thương hiệu riêng mang tên Off-White, Virgil Abloh ngay lập tức thu hút mọi sự chú ý của những tín đồ thời trang sành điệu dù chưa hề ra mắt một thiết kế nào cho Louis Vuitton.
Thành công lạ thường của streetwear có thể được lý giải khi biết rằng những người trẻ thuộc thế hệ 9X trở về sau đã trở thành đối tượng khách hàng chịu chi nhất hiện nay của ngành thời trang. Ưu tiên sự thoải mái nhưng vẫn đậm tính tuyên ngôn, các “thượng đế” mới này chính là nguồn động lực khiến những thiết kế như áo nỉ và giày thể thao trở nên ngày một phổ biến. Tuy vậy, với tâm lý cả thèm chóng chán, streetwear cũng đã bắt đầu có dấu hiệu thoái trào ngay trên đỉnh điểm của cơn sốt. Những thiết kế limited-edition của Vêtements từng khiến nhiều fashionista mất ăn mất ngủ, vậy mà giờ đây người ta có thể dễ dàng tìm thấy bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu này trên nhiều website bán lẻ với mức giảm giá hơn 70%. Với thành công gần như dựa hoàn toàn vào sức lan tỏa từ mạng xã hội hơn là sự đột phá thực sự trong thiết kế, có thể nhận thấy hầu hết những thương hiệu streetwear ngày nay khó có thể tiếp tục trụ vững trong vài mùa tiếp theo nếu không có sự thay đổi trong tư duy sáng tạo.
“Xu hướng sẽ trôi qua, nhưng phong cách là vĩnh cửu” – câu nói của Yves Saint Laurent chưa bao giờ sai trong suốt lịch sử thăng trầm của thời trang. Chỉ có những sáng tạo thật sự đến từ tâm hồn nhà thiết kế mới có thể mãi mãi lưu lại giá trị của mình trong thế giới thời trang đang thay đổi từng ngày.