Vụ án cho đến hôm nay đã có 83 bị can bị khởi tố. Số tiền các bị can thu lợi bất chính khoảng 2.800 tỷ đồng. Một chi tiết cũng xứng đáng như phim, đó là cơ quan điều tra đã phải huy động nhân lực ngồi từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, chỉ để… đếm tiền, còn phải dùng 4 ôtô tải chở vàng, tiền, tang vật.
Những ôtô chở tiền ấy là bằng chứng thép chỉ ra rằng, cờ bạc chỉ làm giàu cho nhà cái. Hãy chú ý, trong bàn cờ, người chơi không thể thắng toàn bộ số tiền trên bàn, mà chỉ có thể thắng gần đủ số tiền đó, trong khi nếu thua, thì thua sạch. Tức là có sự chênh lệch trong tỷ lệ thua và thắng. Chênh lệch đó chảy về đâu nếu không về nhà cái?
Ví von mọi thứ giống như một con đập, thì khi nào cảm thấy tiền quá đầy, nhà cái cần phải chia bớt nước, thì họ sẽ “xả” để tạo ra một người vô tình trúng đậm. Vậy mà vô số người vẫn nghiện thứ bất bình đẳng đó, chỉ vì cảm giác kiếm tiền bằng may rủi, không cần qua sức lao động. Nhưng quên đi rằng, rủi ro luôn nằm ở mức cao hơn. Dẫn đến khi thất bại thì lừa đảo hoặc vay tiền. Vay hết người thân, chuyển sang vay xã hội đen, kết cục lãi mẹ đẻ lãi con. Nếu không trả thì bị xiết, bị đe dọa, phải bỏ trốn.
Cơ quan điều tra có thể tổng kết được số tiền thu giữ, số lượng bị can khởi tố. Tuy vậy sẽ chẳng thể tìm được số lượng những phận đời đã tan cửa nát nhà, đã mất cả tương lai vì cờ bạc trực tuyến. Một bức tranh khuất mà rất đau khác, chính là những gia đình vì trong nhà có người thân dính vào trò đỏ đen mà khánh kiệt tài sản. Văn hóa Á Đông có tính bao bọc là nguyên do khiến con bạc càng lúc càng “được voi đòi Tiên”, và người thân càng lúc càng điêu đứng. Thứ tình cảm ấy đã khiến người ta quên đi rằng, đôi khi sự cảm thông ở mức độ mù quáng là con đường dẫn đến địa ngục.
Ấy thế mà người Việt Nam lại cực kỳ máu đỏ đen, thể hiện qua hình ảnh quen thuộc là mỗi lần Tết đến từng nhà lại “gầy sòng”. Từ ngàn xưa ông bà đã chẳng dạy “Cờ bạc là bác thằng bần” sao? Thế mà ngàn đời sau, con cháu vẫn say. Đàn bà đã máu, đàn ông lại càng máu hơn. Một người đàn ông chỉ được tôn trọng qua việc làm nên của cải bằng chính sức lao động, và bàn tay hợp pháp chứ không phải bằng đánh bạc.
Trong vụ án có Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến – VTC online), là một trong ba nhân vật đầu sỏ của vụ án. Phan Sào Nam vốn là “thần tượng” trong giới công nghệ nhờ tài năng, vẻ ngoài lãng tử và còn là hình mẫu khởi nghiệp của rất nhiều bạn trẻ. Vị doanh nhân sinh năm 1979 này khi ở tuổi 26 đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc VTC Intecom, đến năm 33 tuổi gây chấn động khi kêu gọi được khoản đầu tư 10 triệu USD cho VTC Online.
Ngoài đời, anh còn được các cô gái đặt biệt danh là “hoàng tử bóng đêm” bởi những email công việc giữa đêm khuya (là công việc theo đúng nghĩa đen!). Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2012 đã mô tả về Phan Sào Nam bằng một câu khá manly: “Thuốc lá và cà phê là vật bất ly thân của CEO trẻ tuổi này”. Giỏi, đẹp trai, thông minh, lại biết làm giàu vậy nên, khi Phan Sào Nam xuất hiện trong vị trí đầu sỏ của đường dây đánh bạc này, đã khiến nhiều người bàng hoàng và vỡ mộng về anh.
Mấy ai nghĩ rằng một trong những nhân vật đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, từng là thủ lĩnh một công ty có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên khởi nghiệp lại bỗng chốc “ngã ngựa”. Thế mới thấy đời đàn ông làm giàu không khó, làm giàu chân chính mới khó vạn phần.
Đường dây đánh bạc cũng bị triệt phá, mọi cá nhân có liên quan rồi cũng sẽ lần lượt được đưa ra ánh sáng. Chỉ có những cảnh đời điêu tàn vì bài bạc, những người thân vì thông cảm với con bạc mà bán nhà cửa để rồi vất vưởng sẽ mãi là câu chuyện nhức nhối. Để giải bài toán này, cần tìm lời giải ở trong tim, tìm về lý trí và tinh thần lành mạnh, để đến với con đường kiếm tiền đàng hoàng nhất. Sự đổ vỡ hình tượng của một doanh nhân như Phan Sào Nam còn là một bài học cay đắng dành cho những start-up khác trên con đường kinh doanh vốn không bao giờ bằng phẳng và đầy cạm bẫy về sau.