Liệu có phải cứ mỹ phẩm "highend" là tốt, "drugstore" là tồi? - Tạp chí Đẹp

Liệu có phải cứ mỹ phẩm “highend” là tốt, “drugstore” là tồi?

Tư Vấn

“Drugstore” nghĩa là hiệu thuốc, còn “drugstore cosmetics” chỉ nhóm mỹ phẩm giá rẻ, thường được bày bán “nhờ” trong hiệu thuốc, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi. Giá của mỹ phẩm drugstore thường rất dễ chịu, chỉ từ 300.000VND trở xuống, một mức giá làm vừa lòng mọi đối tượng, từ các cô bé học sinh, sinh viên đến những nữ nhân viên công sở.

Cũng như “high-end”, mỹ phẩm drugstore đa dạng về chủng loại, từ dưỡng da, trang điểm, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể, thậm chí có cả dược mỹ phẩm. Một số hãng mỹ phẩm drugstore quen thuộc mà bạn có thể tìm thấy ở các hiệu thuốc, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hệ thống Guardian ở Việt Nam là: Maybelline, L’Oreal Paris, Hada Labo, Olay, e.l.f, N.Y.X, Bourjois, Simple…

Để đảm bảo mức giá bán thấp, mỹ phẩm drugstore thường có bao bì thiết kế đơn giản, chất liệu nhẹ tay thay vì sang trọng, chắc chắn, thời trang như mỹ phẩm cao cấp…

136
Maybelline New York – Fit Me Kem nền mịn lì chứa công nghệ micro powder với các hạt phấn siêu nhỏ, tiệp màu da. Giá: 195.000VND; N.Y.X – Lingerie Liquid Lipstick Son kem lì sở hữu bảng màu đa dạng và rất “Tây”. Giá: 220.000VND; Hada Labo – Advanced Nourish Hyaluron Lotion Dung dịch dưỡng ẩm, cấp ẩm ưu việt chứa thành phần glycerin, hyaluronic acid, super hyaluronic acid và nano hyaluronic acid. Giá: 178.000VND; L’Oreal – Paris Cushion Glow Blush: Má hồng dạng nước tạo nên lớp màu ửng nhẹ, tự nhiên như thể làn da hồng lên từ bên trong. Giá: 268.000VND

Liệu có phải “high-end” là tốt, “drugstore” là tồi?

Không đúng!

Trước đây, thị trường có sự phân cấp rất rõ ràng giữa chất lượng của “high-end” và “drugstore”: mỹ phẩm “high-end” thường chứa những thành phần ưu việt, đắt đỏ, được ứng dụng trên thành tựu công nghệ nghiên cứu nhiều năm trời, các sắc tố màu trong đồ trang điểm “high-end” cũng được đánh giá là đậm đặc hơn mỹ phẩm “drugstore”.

Ngày nay, sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp đã tiến rất xa, mỹ phẩm “drugstore” có thể được tối giản về bao bì, chi phí cửa hàng và marketing, nhưng công thức thành phần của chúng vẫn được đầu tư và liên tục cập nhật. Có thể không chứa nhiều nguyên liệu đắt đỏ, dẫn xuất kì công, nhưng những gì mà mỹ phẩm “drugstore” giữ lại trong công thức đủ để giúp bạn đạt được những mục đích nhất định. Ví dụ, Hada Labo là một thương hiệu “drugstore” của Nhật được đánh giá rất tốt với dòng sản phẩm dưỡng ẩm, cấp nước chứa hyaluronic acid.

Bên cạnh đó, việc ở chung “nhà” với nhiều thương hiệu “high-end” cũng giúp một số hãng mỹ phẩm “drugstore” được hưởng lợi, cụ thể là “thừa kế” công nghệ, thiết kế, thành phần… từ các thương hiệu “high-end”. Ví dụ: L’Oreal Paris cùng thuộc tập đoàn L’Oreal với Lancôme, chẳng bao lâu sau khi Lancôme có sản phẩm phấn má dạng nước cushion, L’Oreal Paris cũng ra mắt Cushion Glow Blush với giá bán bằng một phần ba.

Không thể phủ nhận rằng trong những năm qua, thị trường “drugstore” đã cung cấp rất nhiều bản “dupe” xuất sắc của mỹ phẩm “high-end”, giúp người tiêu dùng không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn thu được hiệu quả như mong muốn. Những cặp đôi “high-end – drugstore” có chất lượng không khác nhau là mấy mà giới làm đẹp vẫn lưu truyền là: kem lót Maybelline Baby Skin và kem lót Benefit The POREfessional, kem nền Revlon Color Stay và kem nền Estée Lauder Double Wear, nước tẩy trang Byphase và nước tẩy trang Bioderma, má hồng Sleek màu Rose Gold và má hồng NARS màu Orgasm nổi tiếng…

Thêm nữa, việc đánh giá một sản phẩm là tốt hay tồi còn phụ thuộc vào mức độ phù hợp của sản phẩm đối với làn da, khuôn mặt, cơ thể từng người. Bạn bỏ ra rất nhiều tiền để mua mỹ phẩm “high-end” không có nghĩa là bạn sẽ luôn hài lòng 100% về nó. Và nhiều khi, một món mỹ phẩm “drugstore” với giá rẻ bất ngờ lại khiến bạn vừa ý đến ngạc nhiên.

Thực hiện: depweb

08/03/2018, 14:00