Đón Tết ở nhà chồng em chưa bao giờ thấy khổ - Tạp chí Đẹp

Đón Tết ở nhà chồng em chưa bao giờ thấy khổ

Sống

Sau bữa sáng nay, hai vợ chồng nấn ná một chút ngồi bàn chuyện Tết. Là vì vợ đọc bài báo nói về chuyện lên kế hoạch Tết cho trẻ, trong đó khuyên rằng: đừng ôm điện thoại, lướt face…, hãy kể cho con nghe chuyện Tết ngày xưa khi cha mẹ còn bé. Con đi học rồi, thế mà hai vợ chồng cứ tranh nhau kể, Tết xưa lại ùa về…

Tết xưa, đang cuộn trong chăn ấm, sực nhớ đến nồi bánh chưng sôi sùng sục quanh lửa hồng tối qua, có một chiếc be bé, xinh xinh giành cho em, em bật dậy, mặc áo len, bước ra thềm nhà. Hơi xuân đang lan tỏa khắp nơi, trong chậu hoa cúc bố đặt trước cửa, trong tiếng nhạc xuân rộn ràng và nồi bánh chưng đã bắc ra, nghi ngút khói.

Không khí ấm cúng ngày Tết chưa có tivi và smartphone (Ảnh nhân vật cung cấp).
Không khí ấm cúng ngày Tết chưa có tivi và smartphone (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trong rất nhiều ảnh kỷ niệm gia đình, em còn giữ một tấm chụp vào đêm 30 tết. Vào đúng khoảnh khắc giao thừa, thắp hương khấn lễ gia tiên xong, cả nhà em quây quần bên nhau, có bố mẹ, vợ chồng anh cả, cháu trai và em nhí nhảnh khoe áo mới, cười hớn hở cụng ly, chờ chiếc máy ảnh bố đang cài chế độ tự động chuẩn bị lóe sáng.

Lớn hơn chút nữa, em xin bố mẹ lên đền Đông Vinh đem lửa về. Đêm 30 ở quê tối đen như mực. Em và thằng bạn hàng xóm gò lưng trên chiếc xe đạp, ngược gió, ngược rét, ngược cả tiếng cười của bọn con trai cùng làng phóng xe máy vèo qua, cuối cùng cũng mang được lửa lộc về, hân hoan thắp lên bàn thờ đón mừng năm mới. Cái giây phút ấy đã đọng lại trong một bài thơ con cóc của em: “Anh không về như đã hẹn mùa xuân/ Đêm 30 tối om mình em thắp lửa/Nín lặng một giây nghe thời gian gõ cửa/ Đã giao thừa…”. Mà nói đến đây mới nhớ, hồi đó em xin gì bố mẹ cũng ừ, chưa bao giờ ngăn cấm. Em đã trải qua một tuổi thơ đẹp đẽ, được làm những gì mình thích: ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ, chơi vô tư và đọc sách miệt mài… Em thực sự biết ơn.

Có rất nhiều năm khi ông bà ngoại còn sống, cứ đón giao thừa xong, mẹ và anh chị em em dắt nhau sang nhà ngoại chúc Tết. Ông bà đã chờ sẵn, cậu mợ và các em đã đợi sẵn, cổng mở sẵn, cứ thế mẹ con em ùa vào, rồi đặt lễ lên bàn thờ thắp hương, rồi nhận tiền mừng tuổi, rồi lại hớn hở nhìn nhau, không ti vi, không điện thoại, không nhớ đã nói những chuyện gì mà mãi không hết, không chán. Đến 2,3 giờ sáng mới lục tục ra về.

Nhiều người trưởng thành nhớ Tết xưa, vì đó là một quãng đời êm ấm và hạnh phúc bên gia đình của họ.
Nhiều người trưởng thành nhớ Tết xưa, vì đó là một quãng đời êm ấm và hạnh phúc bên gia đình của họ.

Tết xưa, có năm cậu mua cho hai chị em em áo nhung đỏ (trẻ con hồi đó có áo nhung mặc Tết là oách nhất xóm). Trong ký ức của em còn hiện rõ ràng một con bé mặc áo nhung, đầu đội mũ nồi, choàng khăn voan, đeo quả kính đen, ngồi lên chiếc xe Simson của cậu trông cực chất, cực ngầu. Hình như năm đấy em cũng chụp nhiều hình nhất. Cái máu thích được chụp hình dai dẳng cho đến mãi bây giờ.

Tết xưa cũng có cả tiếng pháo đì đùng rộn ràng suốt Tết. Sáng mùng Một, pháo gọi em bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Cả một khoảng sân được thu dọn sạch sẽ tối qua, giờ bừng bừng xác pháo. Em chạy ào ra sân, bới tìm quả pháo nào còn sót lại, đút túi lát đi khoe… Thời gian của buổi sáng mùng Một luôn trôi rất chậm. Vì em là con gái nên kiêng đầu năm không được xông đất. Nhà thím ở sát ngay cạnh nhưng cứ đành nghển cổ ra ngõ chờ mãi xem có ai đến xông nhà thím chưa mới lò dò chạy sang. Thím có món xôi gấc, xu hào cà rốt xào lòng gà ngon bá cháy. Tết mà không được ăn món này của thím, nhớ nguyên năm…

Tết xưa thay đổi từ khi em lấy chồng xa. Nhớ năm đầu tiên đón Tết ở quê chồng, em ngơ ngác, bần thần. Năm ấy, hai vợ chồng về quê vợ chào hỏi, chúc Tết xong, vội vã trở lại quê chồng. Em lên xe khách vùi đầu vào ngực chồng mà khóc đến mệt lả người, thấm thía cảnh “chồng gần không lấy em lấy chồng xa, giờ đây nhớ mẹ thương cha”.

Nếu có sự cảm thông, Tết dù ở nhà chồng hay "nhà mình" đều vui và hạnh phúc.
Nếu có sự cảm thông, Tết dù ở nhà chồng hay “nhà mình” đều vui và hạnh phúc.

Giờ thì năm nào cũng vậy, nếu điều kiện cho phép, vợ chồng em ăn Tết hai quê. Nhà chồng em quý con quý cháu nên đón giao thừa bên ngoại là một điều không thể, và nếu có thể thì em cũng không nỡ vì chồng em cũng xa bố mẹ, đi cả năm mới về. Từ hồi lấy nhau, em chưa bao giờ kể về những kỷ niệm Tết với chồng, nhưng dường như chồng em cũng thấu hiểu nỗi nhớ cha nhớ mẹ của em nên trước Tết, luôn cho em về với mái nhà xưa, nơi ấy có bố mẹ em tuổi đã cao đang đợi đàn con trở về.

Vì thế, trong những ngày giáp Tết, đọc bài viết của bác Lê Hoàng, em thấy mình may mắn vì đón Tết ở nhà chồng em chưa bao giờ thấy khổ. Lại nhớ cái năm đầu tiên ấy, em vì lạ thời tiết, vì nhớ thương, ốm nằm bẹp dí. Mùng 3 là đám giỗ, dù chẳng giúp được gì, chẳng chào hỏi được ai nhưng mẹ chồng em không hề nặng nhẹ. Bà còn khẽ khàng đến bên em, nói với em một câu mà mỗi lần nhớ đến em lại trào nước mắt: “Con đang bệnh, cố ăn chút cơm nóng mới nhanh khỏi”. Biết em thích nhất rau xanh, năm nào mẹ chồng cũng trồng một vườn rau đủ loại, ngóng đợi vợ chồng em. Giao thừa năm ngoái, thể theo nguyện vọng của em, cả nhà phụ giúp em bày lễ ngoài sân nghênh đón quan Hành Khiển. Ngay phút giao thời, quỳ giữa đất trời khấn nguyện trong hơi lạnh quyện khói hương bảng lảng, em nhận ra, đó là lần đầu tiên em đón giao thừa với nhà chồng (vì năm nào em cũng ôm con ngủ sớm). Và em nhìn thấy em lâng lâng trong miền ký ức giao thừa hồi thơ bé. Giây phút ấy lạ lắm, khó quên…

Thực hiện: depweb

15/02/2018, 09:21