Những ngày New York của tôi bắt đầu với con phố đông đúc ngợp xe cộ. Màu vàng của những chiếc taxi kéo dài san sát – gam màu đặc trưng khiến thành phố này lúc nào cũng rực rỡ, đến mức câu nói “Một ngày tồi tệ ở New York vẫn có thể tốt hơn một ngày may mắn ở thành phố khác” đã thành lời cửa miệng của nhiều người dân ở đây. Bạn có tin vào điều này không?
Dừng chân tại một quán cà phê ven đường, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai cô gái trẻ bàn bên. Họ mới chuyển đến thành phố này chưa lâu, đang tìm chỗ ở và một công việc phù hợp. Họ than thở: “Chúa ơi, sao ở đây cái gì cũng mắc vậy!?!”. New York là vậy, một thành phố không dễ sống nhưng chứa đựng một lực hút khó cưỡng với những ai muốn tìm kiếm cơ hội để thực hiện giấc mơ đời mình.
Niềm hi vọng khiến nhiều người cố gắng bám trụ lại New York, và chính họ “sơn phết” lên thành phố nhiều mảng cảm xúc khác nhau. Những office workers (nhân viên văn phòng) tay cầm ly cà phê “to-go” hối hả; những broker (nhân viên môi giới tài chính) phố Wall trong các bộ suits và cà vạt đắt tiền; nhân viên giao nhận hối hả vận chuyển hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng; và cả người vô gia cư ngồi co ro bên chú chó trung thành đợi dăm ba đồng xu lẻ hay đồ ăn thừa trên những con phố tấp nập người qua lại. New York không có giây phút nào ngơi nghỉ, ngày cũng như đêm. Để sống được ở nơi cạnh tranh khốc liệt này, chỉ cố gắng thôi là không đủ, cần phải có cả may mắn nữa.
Đến Mỹ hãy ăn bánh bagel!” – vài người bạn đã nhắc tôi điều này khi biết tôi có ý định thăm xứ sở cờ hoa. Chiếc bánh tròn phết phô mai tươi, kẹp vài lát cá hồi xông khói cùng dưa leo và rau xanh khiến dạ dày của bạn được xoa dịu tức thì bởi vị giòn thơm béo ngậy. Cuộc sống công nghiệp hối hả không cho phép người New York thảnh thơi ngồi uống cà phê hay ăn tại nhà hàng. Các xe bán hàng tự động phục vụ bánh sandwich hay bagel được bố trí tập trung dưới những tòa nhà vào giờ ăn trưa, và sẽ được rời đi ngay khi hết giờ.
Để ngắm toàn cảnh New York từ trên cao, không nơi nào tuyệt vời hơn Top of The Rock (tầng thượng của Rockefeller Plaza) – khu phức hợp rộng lớn và tráng lệ, được mệnh danh là thành phố trong thành phố. Những tòa nhà chọc trời mà Alicia Keys nhắc đến trong ca khúc của mình là “cánh rừng bê tông” – niềm tự hào của các New Yorker, dần hiện ra trước mắt. Này là tòa Empire State Building trên đại lộ số Năm giữa phố 33 và 34, cao hơn 443 mét, từng là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ khi ngự trên đỉnh cao của thế giới trong suốt 40 năm (từ năm 1931). Empire State Building trở thành biểu tượng của “Giấc mơ Mỹ”, xuất hiện liên tục trong nhiều bộ phim Hollywood hay tràn ngập trên Instagram của các ngôi sao và những blogger du lịch nổi tiếng. Này là tòa Chrysler Building với mái chóp đầy tính nghệ thuật nằm giữa đại lộ Lexington và phố 42. Chrysler cũng từng là tòa nhà cao nhất thế giới trước khi bị soán ngôi bởi Empire State Building. Hai tòa nhà này tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh của nước Mỹ. Hoàng hôn xuống nhuộm ánh vàng sóng sánh lên những bức tường kính chọc trời. Ở đâu đó dưới kia, những giấc mơ Mỹ đang dần thành hình.
Tôi may mắn trúng cặp vé “lucky draw” (rút thăm trúng thưởng) xem vở nhạc kịch “Aladin” chỉ với giá 30 đô la Mỹ. Ước mơ được một lần bước vào sân khấu Broadway của tôi đã thành hiện thực. Tôi như bay trên đôi chân của mình, phấn khích dạo quanh khu Time Square chờ đến giờ biểu diễn. Quảng trường Thời đại, còn được gọi là “ngã tư của thế giới” hay “con đường sáng choang” là một biểu tượng khác của nước Mỹ. Vào ngày cuối cùng của năm, hàng triệu người đổ về đây, ngước nhìn lên quả cầu pha lê khổng lồ và hàng loạt màn hình lớn trên các tòa nhà, đếm ngược từng giây chào đón năm mới.
Chỉ vài phút nữa, sân khấu của nhà hát New Amsterdam sẽ sáng đèn và thế giới của “Ngàn lẻ một đêm” sẽ mở ra. Giữa một New York lộng lẫy và những câu chuyện cổ tích, tôi không biết mình đang ở ranh giới nào, bởi 24 giờ vừa qua, với tôi, như một giấc mơ. Giờ thì tôi đã tin vào câu nói của người New York: “Một ngày tồi tệ ở New York vẫn có thể tốt hơn một ngày may mắn ở thành phố khác”.
* “Concrete jungle where dreams are made of
There’s nothing you can’t do
Now you’re in New York.”
Lời bài hát “New York” của Alicia Keys
Tips
Di chuyển
+ Từ sân bay JFK, New York, bạn có thể đi vào trung tâm thành phố bằng xe Uber với giá khoảng 50-60 đô la Mỹ. Sảnh đến tại sân bay có wifi miễn phí trong vòng 30 phút để bạn có thể đặt xe Uber.
+ Phương tiện di chuyển tiện lợi nhất ở New York là metro và taxi.
Dịch vụ
+ Sim điện thoại dành cho khách du lịch với gói 3 tuần, không giới hạn về data, có giá 30 đô la Mỹ.
+ Phần mềm thông tin phổ biến ở Mỹ là “Yelp”, cung cấp địa chỉ các nhà hàng, cửa hàng tiện ích, các dịch vụ giải trí…
Giải trí
+ Vé lên tầng thượng Top of The Rock, tại khu phức hợp Rockefeller Center có giá 37 đô la Mỹ.
+ Giá xem nhạc kịch Broadway dao động ở mức 199-299 đô la Mỹ. Bạn có thể lên trang web chính thức của Broadway và tham gia lottery – chương trình bốc thăm may mắn với giá vé chỉ 10-30 đô la Mỹ.