“Đại sứ du lịch” đầu tiên của Việt Nam

“Đông Dương” – “Người tình”: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Đến tận cuối thập niên 80, với phần lớn người nước ngoài, hai chữ “Việt Nam” vẫn đồng nghĩa với chiến tranh, thiếu thốn, lạc hậu. Thời kỳ đóng cửa sau cuộc chiến khiến Việt Nam trở thành một dấu hỏi đầy bí ẩn với cả thế giới. Sau khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, người ta hiếm thấy bóng dáng người nước ngoài nào, vì vậy, những “ông Tây mũi lõ” từ Pháp đến đây chọn cảnh làm phim bỗng trở thành một sự kiện đáng chú ý.

indochine-2
Diễn viên Catherine Deneuve trong phim “Đông Dương”.

Không có bất kì sự sắp đặt nào nhưng thật trùng hợp khi năm 1989 là thời điểm cả hai đạo diễn nổi tiếng của Pháp Régis Wargnier và Jean-Jacques Annaud đồng thời triển khai dự án sản xuất phim “khủng” ở hai đầu nước Việt: “Đông Dương” (đạo diễn Régis Wargnier) ở miền Bắc và “Người tình” (đạo diễn Jean-Jacques Annaud) ở miền Nam.

Dựa trên một chuyện tình tay ba trong giai đoạn chống sự xâm lược của thực dân Pháp, đoàn làm phim “Đông Dương” đã khá vất vả khi sử dụng bối cảnh quay trải dài từ miền Trung ra tới ngoài Bắc. Những cú máy quay tại Đại Nội kinh thành Huế, nhà thờ Phát Diệm, Tam Cốc – Bích Động, vịnh Hạ Long… thời còn nguyên sơ, chưa có dấu chân tàn phá của khách du lịch, đẹp đến nao lòng khi lên phim. Những hình ảnh đó có lẽ không còn có thể thấy trên bất kì một bộ phim nào ngày nay.

Cùng lúc đó, ở miền Nam, đạo diễn Annaud cùng đoàn tùy tùng dọc ngang Sài Gòn và vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long để tìm cho bằng được những dấu tích còn sót lại của “Người tình”. Rất may, những kiến trúc thời thuộc địa được lưu giữ gần như nguyên vẹn, từ ngôi trường cổ, chợ bản xứ, bến cảng, bến phà, nhà hàng, phố xá, công viên… Những gì không tìm được tại thực địa được nhà sản xuất phục dựng cầu kỳ đúng như mô tả trong cuốn tiểu thuyết “L’amant”.

lamant-1
Diễn viên Jane March và Lương Gia Huy trong phim “Người tình”.

So sánh giữa hai phim, nếu “Đông Dương” nổi đình đám bởi sự xuất hiện của huyền thoại Catherine Deneuve và đệ nhất mỹ nam điện ảnh Pháp thời bấy giờ – Vincent Perez, thì “Người tình” lại có phần nhỉnh hơn ở bộ ba: đạo diễn lừng danh Annaud, nhà sản xuất kì cựu Claude Berri và kịch bản chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Goncourt (1984) của nữ văn sĩ nổi tiếng Marguerite Duras. Nhưng rõ ràng câu chuyện ngôn tình thời thuộc địa mang đầy màu sắc thương mại đã kêu gọi được kinh phí sản xuất gấp đôi số tiền đầu tư cho phim “Đông Dương”, lên đến 30 triệu USD – một con số cực “khủng” vào thời ấy, nhất là với một phim điện ảnh của Pháp.

Những giá trị mà hai phim này mang lại không thể tính bằng tiền

Cần phải nói rằng, thời điểm ấy Việt Nam chẳng có gì để hấp dẫn các đoàn phim phương Tây ngoài những bối cảnh trời cho, và những di sản còn sót lại của kiến trúc thuộc địa. Dù đã ra đời từ lâu, song điện ảnh Việt Nam không thể đáp ứng bất cứ đòi hỏi nào của cả hai đoàn làm phim. Tất cả những bỡ ngỡ, lạ lẫm đó đều được người Pháp bù đắp lại bằng đội ngũ kỹ thuật siêu việt ở tất cả các khâu. Họ chấp nhận năng lực còn hạn chế và hết sức kiên nhẫn với kiểu vừa học vừa làm của những nhân sự thuộc nhóm Việt Nam lúc ấy. Khó có thể kể hết những kinh nghiệm mà các đoàn làm phim Việt Nam học được từ “Người tình” và “Đông Dương”.

indochine-1

Tuy nhiên, những khó khăn do thiếu sót về tay nghề của đội ngũ làm phim nội địa cũng không thể sánh được với sự thiếu thốn, lạc hậu của cơ sở vật chất. Khâu hậu cần là vấn đề cốt tử của một đoàn phim. Điều kiện ăn ở dưới mức trung bình của tất cả các khách sạn từng khiến cho đoàn phim “Người tình” nản chí, thậm chí, họ đã tính đến phương án chuyển tất cả các cảnh quay sang Malaysia. Song cũng là duyên may khi những bối cảnh nguyên sơ đã lột tả đến mức hoàn hảo hơi thở của một Đông Dương trong tác phẩm “Người tình”. Đó gần như là yếu tố duy nhất giữ “Người tình” ở lại Việt Nam.

Năm 1992, “Đông Dương” của đạo diễn Wargnier đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất – giải Oscar cuối cùng của điện ảnh Pháp ở hạng mục này đến tận ngày nay. Còn “Người tình” thì được sản xuất hoàn toàn vì mục đích thương mại và nó đã hoàn thành thật xuất sắc sứ mạng của mình.

Không hưởng lợi gì từ giải Oscar hay doanh thu phòng vé, nhưng không thể phủ nhận, “người” được lợi hơn cả chính là Việt Nam. Sau thành công vang dội của “Đông Dương” và “Người tình”, làn sóng khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về Việt Nam để chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của những bối cảnh xuất hiện trong phim. Trong hơn nửa đầu thập niên 1990, có thể nói hơn 90% khách du lịch đổ xô đến Việt Nam đều chịu ảnh hưởng lớn từ hai bộ phim này.

Không quá lời khi vinh danh hai tác phẩm điện ảnh của Pháp như hai vị “Đại sứ du lịch” đầu tiên của Việt Nam. Vì lẽ đó, những giá trị mà hai bộ phim này mang lại không thể tính bằng tiền.

the_lover_1

 


From the same category