Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu để thai nhi phát triển não bộ tốt

Các cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển não thai nhi mà mẹ cần lưu ý

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện Hùng Vương, ngay từ tuần tuần thứ 3 của thai kỳ, não bộ của bé đã bắt đầu hình thành nhưng phải đến khoảng tuần thứ 8, não bộ của bé mới thật sự phát triển, các tế bào thần kinh trong não được phân nhánh để kết nối với nhau, hình thành những “đường mòn” đầu tiên trên não. Chính vì vậy, ở thời điểm này, thai nhi đã có thể cảm nhận được thông tin phát ra từ mẹ.

Từ tuần 03: Ống thần kinh sẽ hình thành nên ống xương sống và não bộ, chạy dài từ đỉnh cho đến đuôi của phôi thai. Phần đầu của ống thần kinh sẽ trải phẳng ra và hình thành nên não trước thai nhi.

Từ tuần 07: Ống thần kinh đóng kín, hai bán cầu não bắt đầu hình thành. Kích thước của não cũng phát triển nhanh. Cùng với việc hình thành hai bán cầu não, các tế bào thần kinh phân nhánh, kết nối với nhau và phát triển nhanh chóng của các tế bào thần kinh. Có khoảng 250.000 tế bào thần kinh được sản sinh ra mỗi phút.

Khi thai đươc 20 tuần tuổi, các tế bào thần kinh đã biệt hóa cho 5 giác quan: vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Cũng trong thời điểm này, não bộ của bé phát triển tăng tốc hơn nhiều so với giai đoạn trước đó, chu vi đầu thai nhi giai đoạn này đạt 46mm, tăng gần gấp đôi so với tuần thứ 14 là 25mm.

nao_bo
Tuần thai thứ 20, não bộ của bé phát triển tăng tốc, chu vi đầu thai nhi tăng gần gấp đôi so với tuần thứ 14

Ở tuần thứ 28, bề mặt não bộ thai nhi bắt đầu xuất hiện các nếp gấp, các nếp gấp này sẽ phát triển thành những nếp cuộn và các rãnh sâu ở những tuần tiếp theo. Đây được xem là thời điểm quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của các tế bào thần kinh của vỏ não, chính những đặc điểm này làm cho não bộ con người khác với động vật.

Từ tuần 32 đến tuần 36, não bộ của thai nhi không ngừng hoàn thiện và đã bằng ¼ trọng lượng não người trưởng thành. Các liên kết giữa tế bào thần kinh tiếp tục hình thành với tốc độ rất nhanh từ tuần thứ 32, kích thước não cũng tăng dần và sẽ có đủ 100 tỷ tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau khi bé chào đời.

Dưỡng chất mẹ cần bổ sung để não bé phát triển tốt ở những cột mốc quan trọng này

Mẹ cần cung cấp đầy đủ những dưỡng chất để bé phát triển trí não tốt ngay từ trong bụng mẹ:

+ Acid Folic: Là một trong những vitamin B rất cần thiết với việc sản xuất tế bào mới, acid folic là dưỡng chất vô cùng quan trọng mẹ bầu cần đặc biệt bổ sung trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Acid Folic ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của hệ thần kinh, giúp bảo đảm sự phát triển của ống thần kinh và tủy sống của bé, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Nguồn cung cấp: Cam, sữa dành cho bà bầu, chế phẩm từ sữa, măng tây, rau bina, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu tương, khoai tây, ngũ cốc thô, quả bơ…

Liều lượng: Mẹ bầu nên dùng 600 microgram axit folic mỗi ngày.

che_do_an
Chế độ ăn của mẹ bầu cần ăn cân đối 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đam, béo, vitamin và khoáng chất

+ Cholin: Dưỡng chất quan trọng tương tự như các Vitamin B, giúp duy trì chức năng của các tế bào của não, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện và hoạt động của não bộ, có tác dụng thúc đẩy sự sinh sản của các tế bào thần kinh ở trung tâm trí nhớ của não. Chính vì vậy, Choline có thể cải thiện khả năng học hỏi và ghi nhớ của trẻ.

Nguồn gốc: Cholin có hàm lượng cao trong gan, trứng và đậu phộng (lạc),thịt gia cầm, cá tuyết, cá hồi, sô cô la, bông cải xanh, sữa cho bà bầu.

Liều lượng: Mẹ bầu cần bổ sung 450mg choline mỗi ngày.

+ DHA: Dưỡng chất đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não, tốt cho sự phát triển thị giác và các tế bào thần kinh.

Nguồn gốc: Sữa cho bà bầu, cá mòi, cá thu, cá kiếm, quả óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt mè.

Liều lượng: được DRI khuyến nghị bổ sung 140 mg mỗi ngày.


From the same category