– Người ta học lịch sử ở Cội Việt thì khác gì so với học ở trường?
Khác chứ. Từng tiết học sẽ gợi mở cho học viên các góc nhìn lịch sử khác nhau, thực hành phương pháp phân tích các dữ kiện lịch sử dựa trên các câu hỏi và thao tác kể chuyện. Tinh thần trao đổi, phản biện tích cực là điều dễ thấy ở lớp học này.
Như một nhịp cầu, Cội Việt cung cấp cho các bạn trẻ phương pháp tiếp cận lịch sử và các tài liệu có liên quan. Sau khóa học, chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp tài liệu cho những ai muốn nghiên cứu chuyên sâu, cũng như mời chuyên gia hướng dẫn thêm cho các bạn.
-Hẳn anh lường trước được chông gai, thử thách khi quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh giáo dục, lại là giáo dục về lịch sử, văn hóa vốn chẳng ai mặn mà?
-Ngay từ những ngày đầu thành lập Cội Việt tôi và các cộng sự đều không đặt doanh thu là mục tiêu số một, mà cần làm tốt việc lan tỏa kiến thức lịch sử, văn hóa đến cộng đồng. Nếu xem tiền bạc là ưu tiên thì chúng tôi chẳng tồn tại được đến giờ đâu.
Là người tiên phong nên Cội Việt chẳng có hình mẫu để tham khảo, nghiên cứu. Mọi thứ đều phải tự học, tự làm, tự mày mò, nghiền ngẫm nên làm sai hay gặp thất bại là chuyện hiển nhiên nhưng tôi và các cộng sự không hề cảm thấy nản vì với lịch sử thì không thể “dục tốc” để rồi “bất đạt”.
-Làm sao để anh đánh giá hiệu quả và tác động của các chương trình, hoạt động của Cội Việt, bởi theo tôi thì việc đánh giá hiệu quả không đơn giản là định lượng?
-Tôi gặp khá nhiều câu hỏi đại loại học lịch sử, học văn hóa thì ra làm được gì? Đối với những thắc mắc như thế này tôi không giải đáp mà để mọi người phải tự thân lý giải. Tôi nghĩ những điều mà Cội Việt làm, dù chỉ tác động đến một vài cá nhân, hay một nhóm bạn trẻ, là quá thành công rồi. Chúng tôi cố dốc hết lòng, hết sức chèo lái con tàu kiến thức lịch sử, có người theo trọn hành trình, người thì vươn ra biển lớn, người thì không. Nhưng chỉ cần tình yêu dành cho lịch sử, văn hóa Việt Nam vẫn còn thì tàu vẫn sẽ chạy lo gì không có người lên?
-Anh có nhận thấy rằng người trẻ bây giờ ít quan tâm đến lịch sử của cha ông?
-Tôi không biết người khác nhận xét thế nào nhưng với tôi thì người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, không vô tâm với lịch sử đâu. Thực tế giờ đây có nhiều bạn trẻ thực hiện các dự án, viết sách, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn người. Lấy ví dụ rõ ràng nhất là các lớp học tại Cội Việt số lượng các học viên trẻ đều chiếm đa số. Chúng ta phải có niềm tin và lạc quan chứ! (cười).
-Theo anh, kể chuyện Sử Việt mà muốn hay thú vị thì nên như thế nào?
-Tìm kiếm những câu chuyện xung quanh mình để khai thác lịch sử một cách gần gũi hơn. Ở Cội Việt, tôi hướng dẫn mọi người tìm hiểu về lịch sử không thông qua sự kiện, cột mốc, ý nghĩa mà tiếp cận ở góc độ khác, bắt đầu từ việc chia nhỏ vấn đề, lấy những điều quen thuộc, gần gũi với cuộc sống ra để đặt câu hỏi. Tóm lại, cá nhân tôi cho rằng nếu có góc tiếp cận sinh động thì những câu chuyện lịch sử, văn hóa sẽ được đón nhận và tìm hiểu tích cực, hào hứng hơn.
-Sắp tới, Cội Việt sẽ thực hiện những dự án nào dành dân mê Sử Việt?
-Hiện tại chúng tôi đang thiết lập nhiều chương trình mới với nội dung mới lạ sinh động. Trong đó, quan trọng nhất là chương trình song ngữ Anh – Việt (Cultural Community Discourse) chủ đề “Xây chầu hát bội” giúp mọi người tìm hiểu sâu hơn lịch sử và nghệ thuật hát bội ở miền Nam cùng nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi.
Các chương trình của Cội Việt
1. Thư quán Cội Việt: Trụ sở chính và là thư viện sách miễn phí với 3.000 đầu sách phục vụ bạn đọc tại chỗ từ sáng thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Địa chỉ: 195/23 Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
2. Chương trình giáo dục Travelearn – Đi để học: Các khóa học dưới dạng tour du lịch cho người Việt gồm: “Kể Chuyện Chợ Lớn” (tìm hiểu về gạo và văn hóa miền Tây), Bảo tàng Du ký, Đất Kể (tour gốm Biên Hòa); Nẻo Giác Sài Gòn (tìm hiểu Đạo Phật cơ bản); Saigon Xưa và Nay…
Các khóa học dành cho người nước ngoài: Saigon Then & Now, Another Saigon’s Chinatown, Passage to ChoLon; Mindfulness Saigon…
3. Chương trình giáo dục kiến thức xã hội và ngôn ngữ: Giúp các bạn trẻ có thể thực hành, đem các kiến thức về văn hóa, lịch sử và các kiến thực xã hội ứng dụng vào cuộc sống.
4. Cultural Community Discourse (CCD) – Đối thoại Văn hóa Cộng đồng: Tổ chức mỗi tháng một kỳ dưới dạng buổi thảo luận song ngữ Anh – Việt giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng.
Ngoài ra, Thư Quán Cội Việt còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, workshop về các chủ đề liên quan đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử, sách… (có phí lẫn miễn phí).
-Địa danh lịch sử ấn tượng nhất từng đến?
Hội An
-Cuốn sách về lịch sử Việt Nam đang đọc?
“Việt – Thanh chiến dịch” (Nguyễn Duy Chính). Đây là cuốn sách tôi đã đọc và thường đọc đi đọc lại nhiều lần.
-Cuốn sách lịch sử, văn hóa mà anh cảm thấy thú vị nhất?
“Trong cõi” (Trần Quốc Vượng)
-Một bộ phim về đề tài lịch sử Việt Nam gần nhất đã xem?
Phim truyền hình “Ngọn nến hoàng cung”
-Nhân vật yêu thích nhất trong lịch sử Việt Nam?
Chúa Nguyễn Hoàng. Ông là người rất tài giỏi, khôn ngoan, chịu ẩn mình và có những chính sách hiệu quả để phát triển vùng đất riêng đồng thời mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
-Người truyền cảm hứng và tình yêu sử Việt cho anh?
Cô Trần Thị Tuyết Nga – Chủ nhiệm làng nghề truyền thống Việt Nam tại Củ Chi.
-Nếu giới thiệu một địa điểm đặc trưng vềlịch sử cho du khách nước ngoài tại Sài Gòn anh sẽ chọn địa điểm nào?
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì đây là đầy đủ thông tin tổng quan về nền lịch sử, văn hóa Việt Nam qua các hiện vật được trưng bày.
-Loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ấn tượng nhất?
Hát bội
-Lễ hội truyền thống yêu thích nhất?
Lễ Kỳ Yên. Đặc biệt là Lễ Kỳ Yên ở Đình Minh Hương.
-Không gian cà phê đậm chất Sài Gòn xưa thích nhất?
Quán cà phê Cheo Leo
Dũng Phan – Tay ngang viết Sử
Trần Văn Đại Lợi – Mong ước về một thế hệ trẻ yêu Sử nhà
Phạm Vĩnh Lộc – “Lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai”
Hình hài đất nước bao trùm màn ảnh rộng
Tóc xanh chấp bút Sử nhà