Thế rồi điện thoại của Harvey đổ chuông. Công nương Diana vừa được phát hiện đang lái xe về phía cảng Chelsea cùng một người đàn ông chưa rõ danh tính. Cặp thợ săn ảnh lao ngay đến khu phức hợp nọ, và Saunders lọt được vào bên trong bằng cách nói dối với người bảo vệ là đến đón một cô bạn gái.
Chiếc Audi trống không của Diana được tìm thấy ở đó, nhưng không thấy Công nương ở đâu cả. Sau đó, một người đàn ông không rõ danh tính xuất hiện và lái chiếc xe của công nương vào một bãi để xe ngầm.
“Đi đến lối ra sau của nhà hàng!” Harvey đã kêu lên như vậy, trong cuốn hồi ký chấp bút cùng Sanders có nhan đề “Dicing With Di: The Amazing Adventures of Britain’s Royal Chasers”. (Chạy đua cùng Di: Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của những kẻ đuổi theo Hoàng gia Anh).
Vài giây sau, họ đã tiến vào cuộc bám đuôi sát nút, đi theo Diana vượt qua những cột đèn đỏ, đi ngược luồng đảo giao thông và tăng tốc trước mặt những chiếc xe tải, tới khi bà rẽ về lối vào điện Kensington.
Harvey nhoài ra khỏi xe, tay cầm máy ảnh, và rướn người qua nắp capô, bấm máy lia lịa khi chiếc Audi dần biến mất khỏi tầm mắt.
“Làm ơn cho bức này trông rõ nét”, tay săn ảnh cầu nguyện. Và nó thực sự rõ nét. Bức ảnh Diana lái xe đưa triệu phú buôn tranh đã có vợ Oliver Hoare vào điện Kensington ban đêm mà Harvey chụp được đã được bán cho tờ báo lá cải News of the World của Anh trong một thương vụ độc quyền. Nó đã tạo ra một hiện tượng – một kết quả làm đêm không tồi với hai tay săn ảnh.
Kịch bản này rõ ràng là điều mà Diana đã trải qua thường xuyên – cho tới ba năm sau, tại một đường hầm ở Paris, cuộc đuổi bắt đã trở thành cuộc đua chết người. Chiếc xe tăng tốc đưa Diana trốn khỏi những tay săn ảnh đã đâm vào một cây cột, khiến bà và hôn phu khi đó là Dodi al-Fayed thiệt mạng.
Tại tang lễ của bà vào tháng 9/1997, em trai bà là Charles Spencer đã cho tất cả những người đến dự tang biết ông muốn ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc, và mô tả chị gái là “người bị săn đuổi nhiều nhất thời hiện đại”.
“Chị ấy sẽ muốn chúng tôi thề sẽ bảo vệ cho hai cậu con trai yêu quý, William và Harry, khỏi số phận tương tự”, ông phát biểu. “Chúng tôi sẽ không để chúng phải chịu đựng nỗi đau thường xuyên được dùng để đẩy người ta đến mức tuyệt vọng”.
Kẻ phản diện không được nêu tên trong phát biểu của ông là những tay săn ảnh và những người tài trợ cho họ trên phố Fleet – những tờ báo lá cải khét tiếng cứng đầu và thích xâm phạm vẫn đang ghim chặt vào đời sống ở Anh.
Từ tờ Sun do Murdoch sở hữu và những đối thủ của nó, Daily Mirror và Daily Star tới những tờ báo ở thị trường trung lưu là Daily Mail và Daily Express, đã cung cấp cho người đọc những tin tức hàng ngày thiếu đạo đức và tò mò thái quá, phản ánh nỗi ám ảnh của đại bộ phận tầng lớp trung lưu ở Anh.
Tin tức về người nổi tiếng vẫn là mặt hàng bán chạy nhất, và 20 năm sau cái chết của Diana, “hai cậu con trai yêu quý” của bà vẫn là những mục tiêu béo bở.
Tuy nhiên, cách mà Diana đi đến cái kết cuộc đời thực sự đã thay đổi cách truyền thông tiếp cận những người hoàng tộc, và ngược lại.
Đám cưới của Công nương Diana và Thái tử Charles
“Các biên tập viên không bao giờ có đủ tin tức về bà”
Năm 1961, TIME đã giải thích thuật ngữ tương đối mới là “paparazzi” (thợ săn ảnh) cho các độc giả của mình, và so sánh những thợ săn ảnh với những gái điếm vì “họ phải bám lấy vị trí của mình trong xã hội”.
Bài báo này đã giúp phổ biến thuật ngữ mà ngày nay đồng nghĩa với những thợ chụp ảnh thích xâm phạm đời tư, luôn bám đuôi người nổi tiếng bằng bất kỳ cách nào cần thiết. “Chẳng ai được an toàn (khỏi họ), ngay cả người hoàng gia”, bài báo năm 1961 viết.
Vào cuối thập niên 1960, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã gia nhập ngành công nghiệp báo chí Anh và mua lại tờ báo khổ lớn đang tụt dốc – tờ Sun.
Biết rằng sẽ không thể đánh bại các đối thủ về mặt tin tức, tờ báo đã chuyển trọng tâm sang những vấn đề đời sống khi ngày càng có nhiều người xem tivi, tập trung sự chú ý vào cuộc sống của các diễn viên cả trên phim và ngoài đời.
“Nội dung các tờ báo của ông ta chuyển sang một niềm đam mê với đời sống tình dục và tình yêu của người nổi tiếng”, Kim McNamara viết trong “Paparazzi: Media Practices and Celebrity Culture” (Thợ săn ảnh: Những thông lệ truyền thông và văn hóa người nổi tiếng).
Những tờ báo khác cũng nối gót tờ Sun, bao gồm cả News of the World – đóng cửa năm 2011 sau vụ bê bối nghe trộm điện thoại ở Anh – chuyển từ báo khổ lớn sang báo lá cải năm 1984.
Các tờ báo lá cải, được gọi là các “red top” (chỉ nhan đề có màu đỏ của chúng) đã phát triển thành một nhân tố quan trọng trong xã hội Anh, với danh tiếng độc nhất vô nhị: vừa thô lỗ lại vừa hài hước.
“Từ thế kỷ 18 đến nay, nước Anh đã thể hiện sự không tôn trọng giới cầm quyền thực sự này trên những tờ báo in”, Journalism Studies, trưởng phòng Nghiên cứu Báo chí Quốc tế ở thành phố, Đại học London chia sẻ với tờ TIME.
Trong nửa thế kỷ qua, các tờ báo lá cải được cho là có tầm ảnh hưởng rất lớn tới dư luận ở Anh. Cũng như truyền thống lâu dài của việc các tờ báo của Murdoch ủng hộ phe chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử, các tờ báo lá cải được cho là đã tạo ra tâm lý dư luận dẫn đến việc Anh rời Liên minh châu Âu trong cuộc bỏ phiếu Brexit năm ngoái.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của các tờ báo lá cải đã bị đặt dấu hỏi sau cuộc bầu cử sơ bộ ở Anh hôm 8/6, khi Thủ tưởng Theresa May thuộc đảng Bảo thủ – chỉ với duy nhất một tờ báo lá cải lớn không ủng hộ – đã thất bại trong việc bảo đảm thế đa số.
“Tôi nghĩ có những câu hỏi về sức ảnh hưởng mà các tờ báo phổ biến hiện có và sẽ tiếp tục có trong tương lai”, Rodgers chia sẻ.
Sự xuất hiện của báo lá cải, khởi động bởi tờ Sun vào cuối những năm 60, đã tạo ra nhu cầu cho những bức ảnh paparazzi chụp và tới giữa thập niên 80 – khi Diana Spencer và Thái tử Charles bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ tương tác với công chúng đầu tiên cùng nhau sau khi kết hôn – hình ảnh người nổi tiếng đã như một chiếc ghim đính chặt vào truyền thông in ấn ở Anh.
Diana dần trở thành một biểu tượng phong cách quốc tế, được công chúng ở Anh yêu quý và gọi là “Công nương của nhân dân”.
Sau khi ước tính có khoảng 750 triệu người theo dõi lễ cưới của Diana và Charles, cánh săn ảnh đã bắt đầu ghi lại mọi cử động của bà.
Công nương Xứ Wales dần trở thành người được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới, khi các tay săn ảnh được trả tới 500.000 bảng Anh (khoảng 656.000 USD) cho một bức ảnh mờ nhòe về bà (bà cũng dần được cánh săn ảnh gọi với biệt danh là “Công nương doanh số.”)
Một trong những tay săn ảnh khét tiếng nhất chuyên bám đuôi Diana, Jason Fraser, đã kiếm được hơn 1 triệu bảng Anh (1,3 triệu USD) nhờ bán các bức ảnh chụp Diana với Dodi Fayed.
“Bà ấy có lẽ là người ăn ảnh nhất mà tôi có thể kể tên”, Ian Down, biên tập viên quản lý hãng ảnh SilverHub, cựu biên tập hình ảnh của Daily Mirror chia sẻ với TIME. “Các biên tập viên không bao giờ có đủ tin tức về bà”.
Sự bảo vệ của pháp luật với gia đình hoàng gia trước khi Diana qua đời là rất yếu ớt. Công nương Xứ Wales từng một lần kiện một công ty truyền thông khi ở đỉnh cao của sự nổi tiếng: Mirror Group Newspapers vào năm 1993, vì đã đăng những bức ảnh bí mật chụp bà tập luyện ở một phòng gym.
“Quyết định kiện của Công nương Diana đánh dấu một cách tiếp cận mới của gia đình hoàng gia, vốn thường chống lại việc dùng pháp luật để phản đòn”, BBC khi đó cho hay. Vụ án đã được giải quyết bên ngoài tòa án và Diana đã tránh được việc phải ra làm chứng.
Ngay cả khi Diana nhìn chung tránh theo đuổi các hành động pháp lý với những nhiếp ảnh gia xâm phạm đời tư, bà vẫn không thể tránh khỏi sự mệt mỏi và cảm giác bị bẽ mặt bởi sự bám đuổi không có điểm dừng của cánh săn ảnh.
Một năm trước khi qua đời, bà từng đối đầu với một số thợ săn ảnh dai dẳng nhất và quát vào mặt một người trong số đó rằng: “Các người đã biến cuộc sống của tôi thành địa ngục!”
Nhưng những kẻ bám đuổi, bao gồm cả Saunders và Harvey, hai người đã kể lại hành trình của mình trong Dicing With Di và so sánh bản thân với “những thợ săn vĩ đại của một kỷ nguyên khác”, không đồng cảm với bà.
Một số những tay săn ảnh lì lợm nhất thậm chí còn gọi những lần phản kháng trong nước mắt của bà là “sự tấn công điên rồ” và so sánh những lần họ bị “tấn công” cá nhân.
“Một kiểu tấn công điên rồ tệ hại hơn là khi Diana chỉ đứng yên, đôi mắt đẫm lệ, cúi đầu và không nói gì. Rõ ràng, những điều này xảy ra sau khi bà tới gặp một trong số rất nhiều nhà trị liệu”, Harvey viết trong Dicing With Di. Harvey đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của TIME, và Saunders thì không có phản hồi.
Khi Diana qua đời trong vụ tai nạn ôtô ở Paris hồi tháng 8/1997, và các thẩm phán tuyên bố rằng bà “đã bị sát hại” bởi cách lái xe ẩu của cả người tài xế và những tay săn ảnh đang đuổi theo mình, đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho báo chí Anh.
Một cuộc thăm dò dư luận của Gallup năm 1997 cho thấy 43% dư luận Anh coi các tay săn ảnh là những người “phải chịu toàn bộ trách nhiệm” cho vụ tai nạn, trong khi 33% cho rằng người lái xe của Diana cũng có trách nhiệm ngang bằng.
Rodgers, người đang làm việc cho BBC khi Diana qua đời, đã mô tả những cảm xúc của công chúng tại đám tang của bà là “không thể tin nổi.”
“Bạn thấy mọi người gạt nước mắt trên phố theo cách mà tôi chưa từng thấy, và đó là một sự thay đổi thực sự”, ông nói. “Nếu có ai hỏi tôi sự can trường của người Anh đã kết thúc lúc nào, tôi sẽ nói là từ lúc đó.”
Tâm trạng của công chúng đã quay ra chống lại cánh săn ảnh và truyền thông, và kết quả là, tờ Sun và tờ Mirror đã có doanh số thấp nhất từ năm 1962.
Tám ngày sau cái chết của Diana, trong một nỗ lực lấy lại danh tiếng, Daily Mail đã cam kết sẽ cấm đăng các bức ảnh của paparazzi – một lời hứa không được tờ báo và trang web liên kết của nó giữ sau 20 năm.
“Tôi là và sẽ luôn là một người hâm mộ Diana, Công nương Xứ Wales, và luôn đòi hỏi các biên tập viên của mình bảo vệ cho bà hết mức có thể khỏi những kẻ thù hùng mạnh”, tử tước Rothermere, chủ tịch của Daily Mail và General Trust viết tại thời điểm đó.
Công chúng tiếp tục trút sự tức giận lên những người họ cho là phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Diana trong nửa cuối năm 1997.
“Nhiều tháng sau sự ra đi của Diana, tôi không dám nói mình làm việc cho một tờ báo đăng những bức ảnh của paparazzi vì khi đó chúng tôi bị xem là những kẻ thấp kém nhất trong những kẻ thấp kém”, Mark Frith, cựu biên tập viên của nhiều tờ báo tập trung vào người nổi tiếng như Smash Hits, Heat! và Now, hiện là giám đốc biên tập của Radio Times chia sẻ với tờ TIME.
“Cảm giác ấy chắc chắn đã kéo dài hết năm đó”, Tim Rooke, người từng là một nhiếp ảnh gia chính thức của hoàng gia suốt 25 năm đã trải nghiệm sự thù địch này trước tiên.
“Có rất nhiều sự oán hận”, ông nói. “Tôi đi chụp ảnh bên ngoài điện Buckingham một ngày sau cái chết của bà ấy, và bị hành hung bởi những người dân thường không nhận ra tôi là nhiếp ảnh gia chính thức. Đó quả là một cú sốc.”
Sự riêng tư và bảo vệ cho các hoàng tử
Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều với báo chí và các nhiếp ảnh gia ở Anh sau cái chết của Diana.
“Mọi người chấp nhận rằng những gì đã xảy ra với Diana là sai trái, và, hệ quả là, những ý niệm mới về sự riêng tư vốn xa lạ với chúng tôi đã được áp dụng”, Mark Stephens, một chuyên gia luật truyền thông của hãng luật Howard Kennedy, người đại diện cho James Hewitt trước những cáo buộc ngoại tình với Diana chia sẻ.
Trước khi Diana qua đời, luật pháp bảo vệ sự riêng tư cá nhân “không tồn tại, trừ những trường hợp đặc biệt”, Stephens nói thêm. “Sự riêng tư chỉ tồn tại ở những nơi như phòng khám của bác sỹ, một lời xưng tội, trên giường của vợ chồng hay giường của người chết.”
Đạo luật Bảo vệ khỏi sự Quấy rối (PHA) đã được đưa ra vào năm Diana qua đời, và các lĩnh vực được bao gồm trong đạo luật có thể sẽ giúp được bà “không có hiệu lực trước ngày 16/6/1997, hai tháng rưỡi trước khi bà qua đời và, vì mọi mục đích thực tế, là quá muộn”, chuyên gia luật truyền thông kiêm luật sư Robin Callender Smith nhận định.
Chỉ sau cái chết của Diana, PHA mới trở thành “giải pháp dành cho người nổi tiếng trước cánh săn ảnh và truyền thông nói chung.
Sau khi Diana qua đời, Ủy ban Khiếu nại Báo chí (PCC) đã thúc đẩy bộ quy tắc thực hành của Biên tập viên nhằm tạo ra “bộ quy tắc báo chí nghiêm khắc nhất ở bất cứ đâu tại châu Âu”.
Từ tháng 1/1998, việc sử dụng ống kính dài “để chụp ảnh người khác tại những nơi riêng tư mà không có sự đồng ý của họ” được xem là “không thể chấp nhận”.
Ngoài ra, bộ quy tắc còn lần đầu tiên xác định chính xác những nơi riêng tư là gì – “khu vực công cộng hay tư nhân có một sự kỳ vọng hợp lý về sự riêng tư”.
Bản sửa đổi cũng bao gồm một khoản nói rằng một biên tập viên sẽ bị quy trách nhiệm nếu đăng tải những nội dung có được nhờ liên tục bám đuôi, “bất kể nội dung đó là do nhân viên tòa báo hay nhân viên tự do tìm được”.
Sửa đổi quan trọng nhất – và nghiêm ngặt nhất – với bộ quy tắc là về việc bảo vệ sự riêng tư của trẻ em, “được đưa ra đơn giản là vì Harry, và đặc biệt là William, đã bị bám đuôi thế nào khi đi học”, Mike Dodd, chuyên gia luật truyền thông thường trú của hãng tin Press Association chia sẻ với TIME.
Sự bảo vệ của bộ quy tắc được mở rộng tới tất cả trẻ em còn đang đi học, thay vì chỉ giới hạn ở trẻ em dưới 16 tuổi.
Một yêu cầu cũng được bổ sung với nội dung như sau: “Khi những tài liệu về đời sống riêng tư của một đứa trẻ được công khai, cần phải có sự biện minh cho việc đăng tải đó, không phải vì sự nổi tiếng, sự hiển nhiên hay vị thế của cha mẹ hay người giám hộ của trẻ.”
Bất chấp sự quan tâm lớn của công chúng sau cái chết của Công nương, các hãng ảnh đủ thông minh để biết họ không nên chụp những bức ảnh không chính thức của William và Harry, khi đó mới 15 và 12 tuổi, rồi vướng phải rủi ro hủy hoại quan hệ với hoàng gia.
“Chúng tôi sẽ không gây bất kỳ nguy hại nào cho mối quan hệ đó. Các hoàng tử hoàn toàn nằm ngoài giới hạn của chúng tôi, và điều đó có thể hiểu được”, Christian Barrett, giám đốc sản xuất tại công ty Rex thuộc sở hữu của Shutterstock, người từng làm việc tại U.K. Press, một cơ quan tin ảnh nhỏ tập trung vào hoàng gia khi Diana qua đời chia sẻ.
“Mặc dù vậy, điều đó đã để lại một khoảng trống lớn trong thị trường, và chúng tôi phải chịu đựng điều đó với tư cách một công ty. Khi không được tiếp cận Diana, William hay Harry, mọi thứ hoàn toàn thay đổi.”
Như một hệ quả của việc thắt chặt bộ quy tắc, gần như không có bức ảnh không chính thức nào của William và Harry trong thời niên thiếu, và một số bức ảnh nổi tiếng nhất – William nấu món cơm paella gà tại trường nội trú Eton hay Harry chụp ảnh cùng bầy chó của giáo viên phụ trách ký túc xá – đều được dàn dựng.
Nhưng khi William và Harry rời ghế nhà trường, truyền thông lại dấy lên một cơn sốt sự chú ý nhắm vào hai hoàng tử, dẫn đến cao trào kích động vào năm 2003, khi William bắt đầu hẹn hò Kate Middleton.
Những bức hình chụp lén các nhân vật hoàng gia ở những nơi riêng tư bắt đầu xuất hiện trên trang nhất các báo trên toàn thế giới.
Năm 2005, khi Harry bị chụp ảnh tại bữa tiệc hóa trang của một người bạn, trên tay đeo một dải băng có chữ thập ngoặc, báo giới đã không bỏ qua cơ hội này.
“Harry the Nazi” (Harry phátxít), tờ Sun đã đăng dòng tít như vậy trên trang nhất, và hoàng gia đã phải nhanh chóng đưa ra thông cáo rằng hoàng tử “xin lỗi vì bất kỳ sự phản cảm hay hành động đáng xấu hổ nào đã gây ra.”
Năm 2012, Harry đã vướng vào một vụ bê bối khét tiếng không kém khi trang TMZ của Mỹ đăng hai bức ảnh chụp hoàng tử chơi billiard lột đồ ở Las Vegas với sáu phụ nữ trẻ.
“Họ gọi đó là sự bảo vệ chặt chẽ: Hoàng tử Harry bị bắt gặp trong tiệc bể bơi jacuzzi ở Las Vegas với một vệ sỹ cực kỳ thoải mái (người đã không ngăn được các cô gái chụp những bức hình khỏa thân)“, trang MailOnline đồng thời đăng dòng tít.
Khi sự chú ý của giới truyền thông với những thành viên hoàng gia trẻ tuổi ngày càng tăng, hoàng gia đã mạnh tay hơn trong cuộc chiến bảo vệ quyền riêng tư của họ.
Có một lần, nỗ lực này đã dẫn đến một cuộc chiến theo nghĩa đen: năm 20 tuổi, Harry đã có một cuộc đụng độ với các thợ săn ảnh bên ngoài một hộp đem ở London khiến một trong số những người này bị sứt môi.
“Harry liên tục bị phục kích bên ngoài các hộp đêm”, Dickie Arbiter, bình luận viên hoàng gia kiêm tác giả cuốn sách “On Duty With the Queen: My Time as a Buckingham Palace Press Secretary” (Làm nhiệm vụ cùng Nữ hoàng: Khoảng thời gian làm thư ký báo chí tại điện Buckingham của tôi) chia sẻ với tờ TIME.
“Cậu ấy luôn bị xem như một người dễ dãi, và đó là một sự đáng tiếc lớn. Một thế hệ nhiếp ảnh gia đã được sinh ra và họ chắc chắn không học được bất cứ bài học nào từ chuyện đã xảy ra với Diana năm 1997.”
Vào mùa Đông năm 2009, hoàng gia đã thảo luận với Gerrard Tyrrell, một luật sư cao cấp chuyên về luật riêng tư và luật truyền thông.
Các trợ lý cấp cao sau đó nói với báo giới rằng hoàng gia sẽ không tiếp tục chịu đựng những tay săn ảnh dùng ống kính tele chụp ảnh họ trong những tình huống “riêng tư”, và cảnh báo rằng người hoàng gia sẵn sàng tiến hành các hành động pháp lý chống lại các nhiếp ảnh gia có “hành vi xâm phạm và không thể chấp nhận được”.
Trong cùng kỳ Giáng sinh năm đó, và sau lời cảnh báo nghiêm khắc của hoàng gia, hãng tin ảnh Rex đã đồng ý trả 10.000 bảng Anh (13.000 USD) làm từ thiện để bù lại cho những thiệt hại sau khi đăng những bức ảnh Kate Middleton – khi đó còn là bạn gái của William – chơi tennis tại trang viên Restormel ở Cornwall, miền tây nam nước Anh. Những bức ảnh này đã được đăng ở nước ngoài thay vì ở Anh.
Trong một trường hợp tương tự, sáu người đã phải ra hầu tòa do bị cáo buộc xâm phạm đời tư và đồng lõa hồi tháng 5 năm nay sau khi một tờ tạp chí ở Pháp đăng những bức ảnh Kate Middleton không mặc áo trong kỳ nghỉ ở Provence, Pháp năm 2012.
Tuyên bố của William, được đọc trước tòa bởi luật sư của cặp đôi, nói rằng những hình ảnh này “càng gây đau đớn hơn” trong bối cảnh cuộc chiến công khai của mẹ hoàng tử với những nhiếp ảnh gia xâm phạm đời tư.
Một tuyên bố từ Cung điện St.James nói rằng những bức ảnh này “gợi nhớ lại những sự phỉ báng tồi tệ nhất của báo giới và cánh săn ảnh trong cuộc đời của Diana, Công nương Xứ Wales”.
Từ năm 2009, các thành viên hoàng gia đã gửi cảnh báo chống quấy rối thường niên cho báo giới và các nhiếp ảnh gia truyền thông, nhắc nhở về quyền riêng tư của họ (năm ngoái, thứ ký truyền thông của Harry đã đưa ra một thông cáo mạnh mẽ về việc bạn gái của hoàng tử, Meghan Markle bị quấy rối).
“Tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khi còn làm trong ngành”, David Taylor, giám đốc điều hành hãng tin ảnh Back Grid, trước đây có tên cũ là Xposure.
“Những con rottweiler pháp lý đang nhắm vào chúng tôi vào nói những điều như “chúng tôi muốn thế này”, “chúng tôi muốn thế kia”, “chúng tôi muốn chắc chắn rằng các anh không đăng ảnh này.” “Bây giờ bạn phải hết sức cẩn thận để không làm những việc sẽ bị cho là quấy rối hay theo dõi.”
Gia đình Hoàng gia và mạng xã hội
Ngày nay dường như có rất ít sự thay đổi. Một bức thư cứng rắn được công bố năm 2015 do thư ký truyền thông hoàng gia Jason Knauf viết đã cảm ơn “các tổ chức truyền thông ở Anh với chính sách không đăng những bức ảnh chưa được phép chụp trẻ em hoàng gia,” nhưng lên án những hành động của các tay săn ảnh bám dai như đỉa.
Những thợ săn ảnh này “sẽ làm những điều ngày càng quá quắt để quan sát và theo dõi từng cử động của hoàng tử George và bí mật chụp hình cậu bé để bán cho một loạt các hãng truyền thông quốc tế vẫn sẵn sàng trả tiền cho họ,” Knauf viết trong bức thư, dẫn ra ví dụ về một thợ săn ảnh không được nêu tên đã rình bên ngoài một khu vui chơi trẻ em với hy vọng chụp được hình hoàng tử bé, khi đó mới 3 tuổi. Knauf đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của TIME.
Đồng thời, cảnh quan truyền thông đã chứng kiến một sự thay đổi đáng chú ý; những người nổi tiếng ngày càng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn để kiểm soát thương hiệu của riêng họ, đưa tin về bản thân trước khi truyền thông kịp có cơ hội làm vậy.
“Truyền thông xã hội đã cho phép những người nổi tiếng giành lại quyền kiểm soát từ tay báo chí”, Frith nhận định.
“Nó cho họ lựa chọn chỉ đăng những gì họ muốn đăng, và nếu có thỏa thuận với các thương hiệu, họ có thể tự mình làm điều đó – họ không cần quá nhiều sự giúp đỡ của các tờ báo và tạp chí.”
Tương tự, gia đình hoàng gia cũng đang sử dụng một chiến lược truyền thông xã hội mạnh mẽ, chuyển sang các nền tảng như Twitter (3,15 triệu người theo dõi) và Facebook (3,8 triệu like) để đăng các bức ảnh mà báo chí yêu thích, như ảnh Nữ hoàng, hoàng tử George và công chúa Charlotte. Sự tái phân phối quyền lực này đã gây ra căng thẳng giữa hoàng gia và truyền thông truyền thống.
“Điện Kensington nghĩ rằng họ có thể tự mình kiểm soát mọi thứ. Họ muốn lờ đi báo chí – nhưng báo chí sẽ không đi đâu cả. Chúng ta vẫn sẽ ở đây khi Twitter tàn đời”, nhiếp ảnh gia hoàng gia của tờ Sun, Arthur Edwards chia sẻ với tờ Financial Times hồi năm ngoái.
Không chỉ Hoàng gia Anh đang tái khẳng định quyền tự trị qua sự hiểu biết về truyền thông xã hội. Rooke cho biết những nỗ lực chụp ảnh buổi tiệc sinh nhật lần thứ 50 của Thái tử Hy Lạp hồi tháng Năm của ông đã bị hoàng gia Hy Lạp ngăn trở.
“Tôi đã gọi cho hoàng gia và hỏi xem có được tiếp cận họ không, và họ đã nói không”, ông chia sẻ. “Thế rồi họ đăng ảnh lên Instagram, và các tạp chí lấy ảnh từ đó để đăng lên ấn phẩm của mình.”
Nhưng mặc dù những trợ lý hoàng gia có thể lập luận rằng hoàng gia không có được sự riêng tư đầy đủ, nhiều người trong báo giới và giới truyền thông lại có quan điểm khác.
Trong một bài xã luận cho tờ Independent được đăng không lâu sau bức thư của Knauf, Joan Smith, cựu giám đốc của Hacked Off đã viết rằng các thành viên hoàng gia mong đợi quá nhiều sự bảo vệ.
“Điều chẳng ai thèm hỏi sau khi đăng thư của Knauf là thực tế Công tước và Công nương đã phải chịu đựng sự nguy hại gì”, bà viết. “Họ khó chịu, nhưng điều đó khác với việc bị làm cho sợ hãi, cảnh giác hay căng thẳng”.
Stephens tin rằng yêu cầu sự riêng tư của hoàng gia theo một cách nào đó đã đi quá xa. “Chúng ta đã trải nghiệm một hiệu ứng dao động ở Anh,” ông nói.
“Chúng ta đi từ thế không có luật nào về sự riêng tư có hiệu lực ở đất nước này tới đi theo một hướng hoàn toàn khác sau khi Diana qua đời. Mọi người nhận ra truyền thông đã làm quá [và chúng ta kết thúc] với những điều luật bảo vệ sự riêng tư nghiêm ngặt.”
Stephens nói thêm rằng Vương quốc Anh có một số điều luật về sự riêng tư nghiêm ngặt nhất thế giới, nhất là nếu so với Mỹ. “Những bức ảnh chụp người nổi tiếng ở Côte d’Azur xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm ở Mỹ, một điều không xảy ra ở đây”, ông nói.
“Có một tiêu chuẩn kép lố bịch là bạn có thể đến một sạp báo ở Hudson tại sân bay của British Airways ở New York và mua phiên bản Mỹ của các ấn phẩm với những bức hình không phù hợp với luật pháp ở Anh.”
Suốt 20 năm sau cái chết của Diana, nền văn hóa xâm lấn của truyền thông vẫn tồn tại, nhưng thế trận đã được vẽ lại. Báo chí Anh nhìn chung tôn trọng cái mà Stephens gọi là “quy tắc thảm đỏ”: một thỏa thuận không chính thức rằng việc chụp các thành viên hoàng gia là được phép trong các sự kiện chính thức, nhưng kỳ vọng về sự riêng tư lại chiếm ưu thế trong các giai đoạn chuyển tiếp.
Theo Rooke, luật riêng tư nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc các tay săn ảnh sẽ lo lắng hơn khi chụp hình các thành viên hoàng gia nhỏ tuổi do rủi ro sẽ nhận được cảnh báo hoặc án phạt từ IPSO, nhiều đến nỗi những bức ảnh không chính thức về hoàng gia không còn xuất hiện trên thị trường nữa.
“Ngày nay, bàn biên tập tin ảnh sẽ hỏi các nhiếp ảnh gia và các tờ báo sẽ hỏi các cơ quan những câu hỏi nhất định về ảnh chụp người nổi tiếng; hoàn cảnh mà ảnh được chụp, nhiếp ảnh gia khi đó đứng ở đâu, họ dùng loại ống kính nào”, Down cho hay.
“Quy trình này không nhất thiết phải bắt đầu ngay sau khi Diana qua đời, nhưng đã tiến hóa vì sự kiện đó.”
Nhưng những lời cảnh báo thường được hoàng gia gửi tới giới truyền thông, yêu cầu họ tôn trọng quyền riêng tư của hoàng tộc – dù là chuyện George đi học hay Harry dành thời gian với Markle – cho thấy tình hình vẫn chưa tiến triển đủ xa như báo giới muốn tin.
Một nguồn tin thân cận với hoàng gia chia sẻ với TIME rằng mặc dù mối quan hệ giữa truyền thông và hoàng tộc “rõ ràng đã tốt hơn so với những năm 90,” nhưng vẫn còn đó “một số điều chưa thay đổi nhiều như người ta nghĩ.”
Đồng thời, sự phát triển mạnh của truyền thông xã hội đã vĩnh viên thay đổi quan niệm về sự riêng tư. Khi mọi người tự chủ lựa chọn việc đăng tải những khoảnh khắc riêng tư nhất của mình, ranh giới giữa cách tiếp cận truyền thông có thể và không thể chấp nhận được trở nên ngày càng mờ nhạt. Truyền thông phải hoạt động trong vùng lãnh thổ mơ hồ đó, mà không được giẫm lên những quan niệm cố hữu về sự riêng tư, đồng thời phải phục vụ khẩu vị của các biên tập viên và người tiêu dùng.
Trong bài điếu văn của mình, Charles Spencer đã cam kết rằng “gia đình máu mủ” của William và Harry sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ hai cậu bé, và bằng cách liên tục đấu tranh vì sự riêng tư của mình, hoàng gia đã giữ đúng lời hứa này.
Mặc dù một số thành viên nhất định trong báo giới và cộng đồng luật truyền thông có thể lý luận rằng kỳ vọng về sự riêng tư của hoàng gia là không thực tế, nhưng bằng cách liên tục đòi hòi sự tôn trọng và lịch thiệp từ các nhiếp ảnh gia và hành động chống lại những cá nhân lợi dụng địa vị của họ, những thành viên hoàng tộc đã áp đặt lương tâm tập thể lên báo giới. Điều đó, cùng với nhiều điều khác, chính là di sản của Diana.