Dịch sốt xuất huyết: Nỗi kinh hoàng từ sự thờ ơ phòng bệnh - Tạp chí Đẹp

Dịch sốt xuất huyết: Nỗi kinh hoàng từ sự thờ ơ phòng bệnh

Sức Khỏe

Những cụm từ như “muỗi”, “bệnh sốt xuất huyết”, “sốt” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhiều gia đình, nhất là những hộ dân sống trong vùng tâm điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết…

Lâu nay, mọi người vẫn thờ ơ với công tác vệ sinh phòng bệnh, không diệt trừ muỗi. Đây chính là mối hiểm họa gây nên bệnh sốt xuất huyết mạnh mẽ như hiện nay.

sot2-1501299233-87
Lấy máu xét nghiệm đối với bệnh nhân sốt xuất huyết

Các bệnh viện “quay cuồng”

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại miền Bắc chưa lâu nhưng số ca bệnh gia tăng chóng mặt. Trong một tháng gần đây, nhiều Khoa truyền nhiễm của các bệnh viện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tới khám tăng vọt. Nhiều khoa rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – cơ sở đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm, 2 tuần gần đây luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị.

Ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại bệnh viện, mỗi ngày có hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết đến khám, tỷ lệ nhập viện khoảng gần 20% và số bệnh nhân gia tăng nhanh trong 2 tuần nay. So với cùng kỳ của năm ngoái, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng 4-5 lần.

Tại Bệnh viện E, trung bình mỗi ngày khoa Bệnh Nhiệt đới có khoảng 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị để giảm nguy cơ biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện E ngày 22/7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp. Các bác sỹ cho bệnh nhân tiến hành công thức máu, cho thấy, lượng tiểu cầu giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150-500G/L). Bệnh nhân có sốt xuất huyết bội nhiễm.

Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 24/7 trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau…

Các xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

Theo bệnh nhân N, ở nhà có một người em cũng bị mắc sốt xuất huyết. Trước đây, bệnh nhân cũng đã từng mắc bệnh nhưng không biết mắc sốt xuất huyết type nào. Mặc dù, ở nhà có người mắc bệnh nhưng mọi người trong gia đình chủ quan, ngủ không mắc màn, nên bị muỗi đốt và bị nhiễm bệnh cùng nhau.

Tại Hà Nội, hiện nay, có nhiều ca bị sốt xuất huyết nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, nội tạng… dẫn tới tử vong.

Print

Có sự chuyển đổi chủng huyết thanh mới

Phân tích về tình hình diễn biến của dịch sốt xuất huyết trong năm nay, trả lời VietnamPlus, phó giáo sư Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM cho hay năm nay ghi nhận có sự chuyển đổi chủng huyết thanh mới, số người chưa có miễn dịch với chủng huyết thanh này tăng lên nên số người mắc bệnh, cũng như nguy cơ dịch, sẽ gia tăng.

Phó giáo sư Lân chỉ rõ dịch sốt xuất huyết xảy ra là do tương tác giữa tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), véctơ truyền bệnh (muỗi vằn), khối cảm thụ (con người) và các biện pháp phòng chống. Khi có sự thay đổi 1 trong 4 yếu tố trên theo hướng bất lợi, đều có thể dẫn đến sự gia tăng sốt xuất huyết.

Sự thay đổi có thể bao gồm sự xuất hiện hoặc gia tăng chủng huyết thanh mới của tác nhân gây bệnh ở địa phương; gia tăng nhiệt độ và điều kiện thích hợp cho quá trình phát triển từ trứng thành lăng quăng, muỗi nhanh hơn và tuổi thọ muỗi tăng hơn.

Số lượng lớn người ở vùng ít lưu hành sốt xuất huyết, chưa từng mắc sốt xuất huyết di chuyển đến nơi lưu hành sốt xuất huyết khiến cho địa bàn gia tăng đột ngột lượng người chưa miễn nhiễm với sốt xuất huyết, gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4.

Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type virus khác nhau.

Chiều 28/7, Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa sau khi đi thị sát 2 điểm nóng về dịch sốt xuất huyết, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết những năm trước, tại Hà Nội chỉ có virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết D1, D2 thì năm nay đã có thêm D4. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho dịch sốt xuất huyết năm nay lan rộng tại Hà Nội và có những diễn biến mới.

vuducdam-1501300037-68
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra nước tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Mỗi con muỗi có thể đẻ 1.000 trứng

Phó giáo sư Phan Trọng Lân phân tích dịch sốt xuất huyết hiện nay không còn chịu tác động bởi yếu tố duy nhất là mặt sinh học, mà còn chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố bao gồm yếu tố thời tiết, yếu tố con người (lối sống, tập quán) và đặc biệt là hoạt động kiểm soát muỗi, lăng quăng.

Bởi để hạn chế dịch sốt xuất huyết hiệu quả nhất hiện nay chính là việc làm sao để kiểm soát véctơ truyền bệnh không để cho lăng quăng, muỗi có điều kiện gia tăng tự nhiên.

Năm nay ghi nhận có sự chuyển đổi chủng huyết thanh mới, bên cạnh đó, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, khi cộng đồng còn chủ quan chưa kịp dọn dẹp ổ chứa lăng quăng khiến tác nhân gây bệnh này có cơ hội sinh sống và phát triển mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, giải pháp quan trọng nhất Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực, là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Muỗi là loại côn trùng đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng gọi là bọ gậy hay lăng quăng. Bọ gậy sống trong nước một thời gian, sau phát triển thành nhộng, rồi biến thái thành muỗi trưởng thành, bay lên khỏi mặt nước.

“Muỗi dù là một sinh vật rất nhỏ bé, nhưng trứng muỗi lại có sức chịu hạn cao, có thể tồn tại qua mùa khô. Khi mưa xuống, trứng nở ngay thành muỗi. Mỗi con muỗi cái có thể đẻ 4-5 lần; mỗi lần 100-200 trứng ở rất nhiều dụng cụ chứa nước trong cùng một lần. Do vậy, mật độ muỗi càng cao hơn bình thường ngay từ đầu năm. Kết hợp các yếu tố này, khiến cho số mắc sốt xuất huyết có cơ hội để gia tăng”, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM khẳng định.

muoi4-1501302800-41
Muỗi – côn trùng trung gian truyền nhiều loại bệnh

Sau 10 năm lại có đỉnh dịch

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tăng 11,2%, số tử vong tăng 3 trường hợp.

Hiện có 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết. Có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016.

Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, nhất là: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định…

Bàn về vấn đề liệu năm nay có phải là năm bệnh sốt xuất huyết sẽ lên đến đỉnh điểm theo chu kỳ hay không, phó giáo sư Phan Trọng Lân phân tích trong quá khứ, khu vực đã có những lần bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh vào những năm 1998 và năm 2008-2009. Do vậy, xét về mặt sinh học, cứ sau 10 năm, bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát thành đỉnh dịch.

Vì vậy, xét theo khuynh hướng này, rất có thể năm nay 2017 và năm sau 2018, sẽ có nguy cơ có dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tính chu kỳ này không ổn định.

“Dưới tác động của các biện pháp phòng chống hiệu quả, dịch sốt xuất huyết đã bị kìm hãm chủ động ngay từ đầu năm nhờ vào dự báo tốt, và dịch sốt xuất huyết nếu có xảy ra cũng bị dập tắt sớm hơn diễn tiến tự nhiên. Điều này khiến cho tính chu kỳ của dịch sốt xuất huyết không còn rõ rệt như trước”, phó giáo sư Phan Trọng Lân cho hay.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đã có cảnh báo cần lưu ý có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời với mùa dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến.

Theo ông Phu, bình thường tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trong tháng 7, tháng 8 thì năm nay ngay tháng 5, tháng 6 đã xuất hiện nhiều.

Chúng tôi cũng lưu ý rằng từ nay đến cuối năm nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra phức tạp. Hiện nay mới bước vào thời điểm dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu và đang gia tăng”, ông Phu nhấn mạnh.

sot4-1501300265-22
Bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai

Đối tượng hai miền trái ngược

Phân tích về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết giữa 2 miền Nam-Bắc cho thấy đối tượng mắc sốt xuất huyết có sự phân hóa rõ ràng giữa 2 miền: như miền Bắc thì lại chủ yếu là người lớn mắc bệnh trong khi miền Nam lại chủ yếu là đối tượng trẻ nhỏ.

Lý giải vì sao lại có tình trạng này, phó giáo sư Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM cho hay khu vực phía Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều quanh năm, thích hợp cho muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển khiến cho tốc độ lây truyền bệnh lớn hơn, mạnh hơn, mầm bệnh được phát tán quanh năm.

Trẻ em tại khu vực phía Nam từ khi sinh ra đã có cơ hội lớn nhiễm nhiều típ vi rút Dengue. Do đó, bệnh nhân tại đây chủ yếu là trẻ nhỏ.

Khi trưởng thành, người lớn tại đây đã có miễn dịch với virus Dengue và không mắc bệnh sốt xuất huyết khi trưởng thành.

Ngược lại, ở miền Bắc có mùa Đông. Khi ấy, khí hậu lạnh khiến muỗi ngưng hoạt động và chết. Phải đợi đến mùa Hè năm sau, muỗi mới bắt đầu phát triển lại.

Sự gián đoạn mật độ muỗi trong môi trường ở miền Bắc giúp giảm thấp tốc độ lây truyền bệnh trong cộng đồng. Khi có điều kiện thay đổi các yếu tố tương tác gây dịch sốt xuất huyết, hàng loạt người lớn trưởng thành chưa hề nhiễm bệnh trong thời thơ ấu sẽ mắc bệnh, khiến cho đối tượng mắc bệnh chủ yếu tại miền Bắc là người lớn”, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM nhấn mạnh.

truyennuoc-1501301873-54
Bệnh nhân sốt xuất huyết được truyền nước tại Khoa Cấp cứu nội, Bệnh viện Thanh Nhàn

Chống sốt xuất huyết: Cuộc chiến dai dẳng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số mắc sốt xuất huyết trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỷ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh. Hằng năm, có 390 triệu người nhiễm bệnh, 96 triệu trường hợp có triệu chứng.

WHO đánh giá, dịch sốt xuất huyết năm sau cao hơn năm trước. Cứ mỗi 10 năm, số mắc sốt xuất huyết lại gia tăng gấp đôi. Việt Nam nằm trong vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành cao nên tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam không là ngoại lệ, không khác biệt so với những dự báo chung của thế giới.

Chính vì vậy, hoạt động phòng chống sốt xuất huyết được ví như cuộc chiến dai dẳng, cần phải bền bỉ.

Cộng đồng và chính quyền càng phải nỗ lực hơn năm trước và kiên trì, liên tục, thường xuyên trong việc diệt lăng quăng, mới có thể đạt hiệu quả trong việc khống chế dịch sốt xuất huyết.

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phòng chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyêt nói riêng từ trước đến nay là công việc thường xuyên, thực hiện khá tốt từ dự phòng đến điều trị. Những thay đổi thời tiết cũng làm dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có giải pháp bổ sung, quyết liệt hơn.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết không mới, cốt lõi là tuyên truyền vận động, kết hợp với xử lý kiên quyết. Riêng lực lượng y tế, chính quyền làm sẽ không xuể, nhất thiết phải vận động tất cả mọi người dân cùng vào cuộc, phòng chống dịch bền vững, liên tục thay vì theo đợt.”

Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện chiến dịch tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay rửa bình hoa…

Hằng tuần, người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảng chai, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà

hoachat-1501300754-97
Phun hóa chất diệt muỗi, phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Hoài Đức, Hà Nội

.

Thực hiện: depweb

31/07/2017, 13:13