“Sống chung với mẹ chồng”: Ông Phương và Thanh giải đáp về sự nhu nhược của mình trong phim

– Nhân vật anh đóng trong “Sống chung với mẹ chồng” bị đánh giá là khá nhu nhược. Anh có thấy vậy không?

NSƯT Trần Đức: Có người cho ông Phương là nhu nhược, có người lại cho rằng thế mới khôn ngoan. Cách xử sự của ông Phương giữ cho cuộc sống gia đình cân bằng, nếu ai cũng cương, không ai nhu thì gia đình đó đã tan nát ngay từ những phút đầu chứ không phải kéo dài đến thế. Có những người nghĩ nếu ai cũng từ tốn, giữ thái độ vừa phải như ông Phương thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng có những người lại muốn ông Phương phải dữ hơn, mạnh mẽ hơn để trị lại bà vợ, cũng như khuyên nhủ con dâu… Tôi thì nghĩ, trong cuộc sống mình như giọt nước, đổ vào ống thì dài, đổ vào bầu thì tròn, mình phải thích nghi với những khó khăn, phải biết giữ hòa khí trong gia đình thì cuộc sống mới ấm êm.

Diễn viên Anh Dũng: Với những người đã có gia đình, sẽ thấy nhân vật Thanh (chồng của Vân) không hẳn là người đàn ông nhu nhược. Mà ở Thanh có tình yêu, tình thương rất lớn với hai người phụ nữ – mẹ và vợ – cả hai người đều rất yêu thương anh ta. Đứng giữa hai người phụ nữ “phức tạp” như vậy, để dĩ hòa vi quý Thanh buộc phải cư xử như vậy.

10646775_341724625996853_3493063032920351288_n
NSƯT Trần Đức

Nếu gặp những tình huống ngoài đời giống như trong phim, anh cũng sẽ làm như vậy?

NSƯT Trần Đức: Cũng có lúc ông Phương đã tìm gặp con dâu để khuyên bảo cô thay đổi suy nghĩ về mẹ chồng, ông cũng nói rằng: “Bố sẽ khác đi, sẽ thẳng thắn với mẹ hơn nữa…”. Nhưng rồi ông không có nhiều thời gian để ý sâu xa câu chuyện mẹ chồng nàng dâu trong gia đình. Đọc kịch bản, tôi hiểu quan điểm của ông Phương, phải biết chịu đựng, chấp nhận, nhường nhịn hay gọi là “sống chung với lũ” thì mới ở được với nhau. Tôi cũng cùng quan điểm như vậy, nhưng sẽ mạnh mẽ hơn ông Phương.

Ngoài đời, rất may tôi chưa gặp tình huống khó xử nào (cười).

Diễn viên Anh Dũng: Những tình huống trong phim đều là những câu chuyện sát với đời sống hiện thực, phải ở trong cuộc mới biết cần cư xử thế nào chứ không nói “cứng” được (cười).

Hiện tại tôi mới chỉ có bạn gái chứ chưa kết hôn. Mẹ và bạn gái của tôi gặp gỡ rất vui vẻ, mẹ rất tôn trọng cuộc sống riêng của tôi.

19030230_1491846880865530_1752084171832366878_n
Diễn viên Anh Dũng

– Nếu được sửa kịch bản, anh có muốn thay đổi tính cách nhân vật mình thể hiện không?

Diễn viên Anh Dũng: Quay xong bộ phim cảm giác của tôi là thoải mái, như trút được gánh nặng khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân khủng khiếp như thế.

NSƯT Trần Đức: Bên là mẹ, bên là vợ, đứng về phe nào cũng… “chết”.

NSƯT Trần Đức: Tôi muốn ông Phương phải thẳng thắn hơn nữa để rèn giũa bà vợ. Nếu là tôi, tôi sẽ nói với bà Phương rằng, “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đấy”, nết bà thế nào, thì con dâu sẽ như thế. Phải có lúc vạch ra được nhân quả nhãn tiền, những việc bà Phương làm sẽ phải nhận lại hậu quả từ con dâu đang sống chung nhà… Ông Phương đôi khi phải là “người phán xử” mới được.

Phải đưa ra nhiều hơn nữa những bài học, ví dụ trong sâu thẳm ông Phương là người rất yêu thương vợ, vì bà là người chăm sóc, nấu nướng cho ông hàng ngày…, nhưng như thế chưa phải là tất cả. Chỉ thêm vài tình huống này thì khán giả sẽ không chê ông Phương nhu nhược được nữa. Nhưng nhân vật chính là “Sống chung với mẹ chồng” chứ không phải “Sống chung với bố mẹ chồng” nên ông Phương hơi đuối (cười).

Tuy nhiên, tôi cũng đã chỉnh sửa một chút ở phần cuối kịch bản gốc. Đó là phân đoạn cô trợ lý gọi hẹn hò, trong kịch bản gốc, ông Phương trả lời là: “Em đấy à, mụ vợ anh hôm nay ốm mệt nên anh không đến với em được, để hôm khác nhé!’’ Câu nói đó phá vỡ tư cách nghiêm túc của ông Phương được xây dựng xuyên suốt bộ phim, vì thế tôi đã nói với đạo diễn đổi thành “hội chơi thể thao” gọi chứ không phải cô trợ lý, tôi không muốn nhân vật này bị nhuốm vết đen.

Diễn viên Anh Dũng: Tôi sẽ không sửa. Ở trong cuộc chiến mẹ chồng và nàng dâu, nếu người đàn ông có tiếng nói thì sẽ không còn cuộc chiến nữa (cười). Cả 3 nhân vật, ai cũng có cả cái đúng và cái sai. Nhìn nhận công bằng khán giả sẽ thấy, mẹ chồng hơi quá, còn cô con dâu cũng không vừa. Những người đứng về phía mẹ chồng sẽ thấy Vân (con dâu) khá bộc trực và cứng đầu. Người đứng về phía cô con dâu thì thấy bà mẹ chồng quá quắt. Thanh – anh con trai không có tiếng nói, trong cuộc sống chung đã phải chịu sức ép rất lớn giữa hai người phụ nữ. Để sống được với nhau quãng thời gian lâu như thế là quá tốt rồi.

maxresdefault
Một cảnh khá căng thẳng giữa ông Phương (NSƯT Trần Đức) và vợ (NSND Lan Hương) trong phim “Sống chung với mẹ chồng”

– Theo anh, các cặp vợ chồng mới kết hôn có nhất thiết phải ở riêng mới giữ được hạnh phúc?

NSƯT Trần Đức: Với cuộc sống hiện đại, ở riêng tránh được va chạm cũng rất tốt, nhưng vợ chồng sẽ phải tự gánh vác, lo toan mọi việc. Tôi vẫn nghĩ theo nếp sống của người Việt, gia đình có cha mẹ, ông bà, con cái, cháu chắt sống chung là đầm ấm nhất. Bố mẹ sẽ chăm sóc giúp đỡ được con cái, muốn chỉ dạy con điều gì cũng dễ. Con tôi lập gia đình sống riêng, muốn căn dặn con việc gì chỉ có thể gọi điện nói dăm ba câu… Nhưng thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tùy điều kiện mà liệu cơm gắp mắm.

Diễn viên Anh Dũng: Không phải người đàn ông nào cũng giống nhân vật Thanh trong phim, nên không phải cứ sống riêng mới giữ được hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng sống riêng vẫn ly hôn đấy thôi. Giữ được hạnh phúc hay không quan trọng là do hai vợ chồng có biết cách giữ gìn, vun xới. Sống chung hay sống riêng đều phải biết nhìn nhau mà sống, đối xử trân trọng với bố mẹ hai bên.

17201260_817434058404546_3386750468538409018_n
Anh Dũng vào vai Thanh – anh chồng được cho là nhu nhược. Hai vợ chồng Thanh và Vân (Bảo Thanh) thường xuyên phải đối mặt với những tình huống đau đầu từ mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu

Những người đàn ông sống giữa hai chiến tuyến sẽ phải làm những gì để giữ hòa khí trong gia đình?

NSƯT Trần Đức: Bình tĩnh, công bằng, không theo “phe” nào cả, phải có tầm nhìn chuẩn, khéo léo, đừng có nghĩ mẹ đẻ ra mình nên mẹ là nhất, còn vợ không lấy người này lấy người khác. Mẹ thuộc thế hệ trước, nhiều suy nghĩ cổ rồi, vợ có thể còn non nớt nên sơ ý, chứ tâm không xấu. Phải hiểu, nhường nhịn, chịu đựng cả cái tốt, cái xấu của nhau mới sống chung được.

Diễn viên Anh Dũng: “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” là việc đầu tiên, nói theo kiểu phong kiến là vậy, còn thực tế, chồng phải có nhiệm vụ giúp vợ hòa nhập vào cuộc sống gia đình mình theo cách tôn trọng nhất.Tiếp theo phải cho vợ sự tin tưởng, bao bọc, yêu thương tuyệt đối.

Người đàn ông còn phải làm chủ kinh tế, có kinh tế sẽ có tiếng nói trong gia đình (vừa có tiền đưa cho mẹ, vừa có tiền đưa cho vợ, không giống như anh Thanh trong phim thì mọi sự sẽ êm hơn nhiều) (cười).

Người đàn ông cũng phải lễ phép với gia đình mình, biết nghĩ cho gia đình hai bên. Trong từng trường hợp phải giải quyết các tình huống một cách khôn khéo.

Là đàn ông không được vũ phu, tuyệt đối không giằng co đánh nhau, tôi biết có nhiều cặp vợ hơi một chút là xô xát và họ không tránh khỏi chuyện ly hôn.

– Sau vai người đàn ông phải đứng giữa hai “làn đạn”, anh có muốn nhắn gửi gì đến các bà vợ?

NSƯT Trần Đức: Các bà mẹ chồng chắc chắn không muốn mình giống bà Phương trong phim. Các cô con dâu sẽ thấy cần phải điều chỉnh, hoàn thiện mình như thế nào để giữ hòa khí với gia đình nhà chồng. Hy vọng rằng, sau bộ phim, các gia đình rút ra được những kinh nghiệm “xương máu” và muốn sống chung với nhau hơn, chứ không phải sợ cảnh “mẹ chồng nàng dâu” rồi rủ nhau ra ở riêng (cười).

Diễn viên Anh Dũng: Bộ phim là câu chuyện thực tế, ai cũng có cái đúng và cả cái sai, qua mỗi nhân vật trong bộ phim, tôi nghĩ mỗi người đều có thể tự ngẫm ra một giá trị cho riêng mình, tôi cũng vậy.

17634559_774494726053172_7561996877124728878_n
Bữa tối chẳng mấy khi vui vẻ của các thành viên trong phim “Mẹ chồng và nàng dâu”

– Vậy những trải nghiệm trong phim đã giúp anh có thêm những “chiêu” gì trong cuộc sống gia đình?

NSƯT Trần Đức: Chắc chắn tôi sẽ biết cách xử lý các tình huống tốt hơn với con dâu, với vợ.

Tôi xin kể câu chuyện này, có lần đến ngày giỗ mẹ của tôi, con dâu không về được cũng không báo gì, hỏi con trai thì nó bảo, vợ bận đi diễn (con dâu cũng làm nghệ thuật như tôi). Lúc đó tôi muốn bốc điện thoại lên phê bình con dâu rằng: “Tại sao con không đến thắp hương bà trước rồi mới đi...”. Nhưng nghĩ lại, nghề của con cũng như nghề của mình đều rất bận, thông cảm cho con vậy. Thôi thì đành ngậm ngùi góp ý với con trai về bảo vợ rút kinh nghiệm. Nếu mình cố chấp sẽ thành chuyện to, mình thông cảm sẽ thành chuyện nhỏ, bỏ qua cho nhau mà sống mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.

Diễn viên Anh Dũng: Quay xong bộ phim cảm giác của tôi là thoải mái, như trút được gánh nặng khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân khủng khiếp như thế. Tuy nhiên, bộ phim cũng giúp tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm sống trong ứng xử giao tiếp, biết nghĩa cho người khác… Sau này khi lập gia đình, chắc tôi sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh trong cuộc sống hôn nhân một cách khôn khéo nhất (cười).

– Vợ/bạn gái anh nhận xét gì về nhân vật anh thể hiện trong phim? Cô ấy có bị “ám ảnh” với nhân vật anh thể hiện không?

NSƯT Trần Đức: Bà xã tôi thích thú không bỏ qua tập nào, có lẽ lâu không được xem chồng diễn vai hiền giống như tôi ở ngoài đời (cười). Trước kia hầu như tôi chỉ diễn vai dữ, đi đâu người ta cũng bảo, ông này “gái gú”, giết người, này kia… Sau vai ông Phương “Sống chung với mẹ chồng”, đến đâu cũng được mọi người quý mến.

Diễn viên Anh Dũng: Chắc biết ngoài đời tôi không như nhân vật Thanh nên cô ấy không nói gì cả (cười).

– Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của NSƯT Trần Đức và diễn viên Anh Dũng!


6 tình huống “cân não” khi ở giữa mẹ và vợ dành cho NSƯT Trần Đức và diễn viên Anh Dũng

1. Khi cả hai cùng tố tội nhau, bên nào cũng có lý

NSƯT Trần Đức: Tôi sẽ nói với mẹ: “Con sẽ góp ý với cô ấy”, đồng thời nói với vợ “Anh sẽ góp ý với mẹ” cho chuyện êm xuôi. Phải xử hòa, không được để bị “kích động” mà lung lay mà nghiêng về phe nào, đứng về phe nào cũng… “chết”.

Diễn viên Anh Dũng: Tôi sẽ nói chuyện riêng với từng người, phân tích ai sai, ai đúng và đợi khi cả hai nguôi nguôi thì giảng hòa.

2. Khi mẹ gắp đầy thức ăn vào bát con trai mà lờ đi con dâu

 NSƯT Trần Đức: Tôi sẽ chuyển thức ăn sang cho vợ nói: “Vợ con cũng thích món này lắm”, làm như vậy để nhắc khéo mẹ phải quan tâm cả con dâu nữa.

Diễn viên Anh Dũng: Tôi sẽ gắp cho vợ đầy bát thức ăn y như mẹ gắp cho tôi.

3. Hai vợ chồng son ở riêng, một hôm mẹ muốn gọi con trai về ăn cơm cùng, trong khi đó vợ cũng đang nấu cơm

NSƯT Trần Đức: Tôi sẽ rủ vợ về ăn cùng mẹ. Nếu vợ từ chối tôi sẽ đi một mình. Chắc chắn vợ sẽ không giận vì chồng về ăn cơm với mẹ chứ có phải đi ăn cơm với… bồ đâu.

Diễn viên Anh Dũng: Về đón mẹ sang ăn cơm cùng hai vợ chồng.

4. Mẹ và vợ đều muốn anh diện chiếc áo mình mua tặng trong buổi tiệc sinh nhật

NSƯT Trần Đức: Là ngày sinh nhật của tôi, áo nào đẹp thì tôi mặc.

Diễn viên Anh Dũng: Tôi sẽ mặc áo của tôi. Vì mặc áo của người này, người kia sẽ tị.

5. Mẹ muốn con trai chở bà đến thăm bạn thân, cùng lúc vợ muốn anh đưa đi xem phim

NSƯT Trần Đức: Lái ô tô đưa mẹ đến nhà bạn trước rồi quay về chở vợ đi xem phim. Nếu mẹ muốn về sớm sẽ nhờ mẹ tự gọi taxi, nếu mẹ chờ được, hết phim hai vợ chồng cùng đi đón mẹ.

Diễn viên Anh Dũng: Đưa mẹ đi thăm bạn của mẹ vào lúc 6 giờ tối, và đặt xuất xem phim muộn cho vợ lúc 21 giờ 30, vẹn cả đôi đường.

6. Lại là giả thuyết mẹ và vợ cùng rơi xuống nước

NSƯT Trần Đức: Nếu nghĩ xem cứu ai trước thì cả hai… chết đuối mất rồi.

Diễn viên Anh Dũng: Nhảy xuống cứu cả hai, ai ở gần, tôi ôm vào trước rồi bơi ra cứu người ở xa.

17201133_817433591737926_8773728045342148218_n
Giây phút hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ Thanh và Vân ở đầu bộ phim

From the same category