Có một điều rất lạ dễ nhận ra ngay khi vừa đến với thủ phủ Seville của vùng Andalucia là tuy thành phố này có tới hơn 10.000 cây cam trên mọi đường phố, nhưng chẳng ai buồn hái cam về ăn, và cứ sáng sớm là hàng ngàn quả cam chín rụng lại được hốt vào thùng rác. Sở dĩ như vậy là do giống cam này, còn được gọi là cam Seville, tuy có mùi thơm nhưng lại có vị rất chua và hậu vị đắng, nên chủ yếu chỉ được dùng để trang trí. Với khả năng thích nghi khá tốt mà hầu như không cần chăm sóc, có nhiều cây cam đắng đã sống tới hàng trăm năm tuổi. Trong ngành công nghiệp thực phẩm, cam đắng chủ yếu được dùng làm mứt marmalade hoặc ngâm rượu. Ngày nay, người ta còn dùng chiết xuất của giống cam này để làm thực phẩm chức năng, nhờ một số tác dụng kích thích.
Vườn cam trĩu quả trong sân vườn của Đại Giáo đường Seville. Tương truyền, khi khởi công xây dựng nhà thờ này, dân Seville đã nói với nhau: “Hãy xây một nhà thờ thật lớn và thật đẹp tới mức ai nhìn thấy cũng nghĩ chúng ta đã phát cuồng”.
Ít ai ngờ rằng cây cam đắng có một hành trình chu du vòng quanh thế giới khá kỳ thú. Bắt nguồn từ vùng biển phía Nam Thái Bình Dương, giống cam đắng đã được tìm thấy bởi các thương nhân Ả Rập đi thu mua gia vị ở vùng này, và sau đó được họ đưa về bán đảo Ả Rập vào thế kỷ thứ 9. Lúc ấy, vùng Andalucia đang phát triển vô cùng rực rỡ dưới sự cai trị của các tiểu vương Hồi giáo, và những thành phố lớn của vùng này như Cordoba, Seville hay Granada đều là những đô thị văn minh bậc nhất châu Âu khi đó.
Từ bán đảo Ả Rập, cây cam đắng được du nhập vào đảo Sicily của nước Ý vào thế kỷ thứ 10, và sau đó là tới những tiểu vương quốc Hồi giáo ở vùng Andalucia vào khoảng thế kỷ 12. Trong hàng trăm năm sau đó, đây là giống cam duy nhất được trồng ở châu Âu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều ngôn ngữ châu Âu, từ “orange” (tiếng Anh/Đức), “arancia” (tiếng Ý) hay “narancs” (tiếng Hungary) đều bắt nguồn từ chữ “naranja” trong tiếng Tây Ban Nha. Theo bước chân chinh phục thế giới của đế quốc Tây Ban Nha, cây cam đắng tiếp tục có mặt tại châu Mỹ, và ngày nay có mặt suốt từ vùng miền Nam nước Mỹ trải dài xuống tận Argentina.
Là một biểu tượng văn hóa không thể thiếu của xứ sở Andalucia, không có gì ngạc nhiên khi cây cam thường xuyên là đề tài sáng tác cho các văn sĩ vùng này. Trong số đó, phải kể đến nhà thơ Federico Garcia Lorca, người được đa số dân Việt Nam biết tới qua câu thơ để đời: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Trong những bài thơ của Lorca, cây cam xuất hiện với muôn hình muôn vẻ, lúc thì là tâm sự nhói lòng của kẻ lỡ thời như “Bài ca cây cam đắng”, lúc thì là biểu tượng tình yêu như bài “Nàng Lola”, và cũng có lúc lại là bối cảnh cho một câu chuyện tình bất thành như bài “Cam và chanh”.
Có một chuyện kỳ thú nữa là ngay cả đội bóng đá lâu đời nhất Tây Ban Nha là FC Sevilla cũng có nguồn gốc từ những cây cam. Mọi chuyện bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, khi có rất nhiều doanh nhân và thủy thủ người Anh đến Seville để thu mua cam đắng mang về Anh làm mứt marmalade, vốn là món ăn sáng khoái khẩu của người Anh. Từ đó, một cộng đồng người Anh khá đông đảo đã hình thành tại Seville, và tạo điều kiện cho môn bóng đá du nhập vào Tây Ban Nha. Năm 1890, đội bóng FC Sevilla được thành lập, và cho đến nay thì đây vẫn là một trong những đội mạnh nhất giải vô địch La Liga của Tây Ban Nha. Còn người Anh đến nay mỗi năm vẫn hăng hái nhập hơn 10.000 tấn cam đắng về để tiếp tục làm mứt marmalade.
Bên trong Chợ Hiện thân (Mercado de la Encarnacion) nằm dưới Metropol Parasol, bạn có thể tìm thấy đủ thứ sản vật nông nghiệp của xứ Andalucia