Bức xúc khi bị đóng khung trong tủ kính
– Chị tự hào không khi là nữ đạo diễn duy nhất trong dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam?
– Không! Đôi khi tôi cảm thấy bức xúc khi người ta đóng khung và định hình mình ở một mảng duy nhất, trong một cái tủ kính như thế.
– Chị thấy bức xúc nhưng ngay cả bản thân chị còn không thuyết phục được mình thay đổi thì làm sao người ta có thể tin rằng một đạo diễn như Nguyễn Hoàng Điệp có thể làm những phim thương mại hơn?
– Tại mọi người đẩy hai thái cực quá xa nhau, rằng phim nghệ thuật thì nhất định không thể bán được vé, nhất định phải là một phim không hấp dẫn, làm cho khán giả không hiểu gì. Và phim thương mại thì phải ngược lại tất cả những yếu tố trên. Thậm chí, ở Việt Nam, cứ nhắc đến phim thương mại thì nhiều chỗ gắn liền với các cụm từ: hài, nhảm, mì ăn liền, rẻ tiền… Vì sao phải thế? Vì sao chúng ta không thể bình tĩnh để mọi thứ ở đúng vị trí của nó.
– Vậy chị có gặp phải trái đắng nào khi mang phim của mình ra rạp không?
– Trước khi phát hành phim đầu tay “Đập cánh giữa không trung”, tôi đã nói rất nhiều về những định kiến chết người trên mà không ai tin. Mọi người nghĩ, phim của tôi khi phát hành sẽ không có khán giả, mà nếu khán giả có xem thì cũng không hiểu và đương nhiên sau đó, phim sẽ phải ra khỏi rạp. Hay nếu phim nghệ thuật phát hành cũng chỉ có từng này người xem thôi, nó chỉ được chiếu ở vài ba rạp, ngay cả chủ rạp cũng không mặn mà.
Thứ tư duy trên khiến các nhà làm phim luôn mặc định là: Tôi làm phim tác giả nên tôi không phải đi nói chuyện với chủ rạp, vì đằng nào tôi cũng sẽ không ra rạp theo cách ấy.
Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Người làm phim muốn cải chính thì họ phải nghĩ đúng trước đã. Đằng này họ ngày càng tự đẩy mình xa khỏi khái niệm thực sự.
Làm phim bị coi là nghề hái ra tiền
– Dường như chị đang tự đặt mình vào sứ mệnh của Nữ Oa, vá lại khoảng trống giữa dòng phim nghệ thuật và thương mại?
– Trước đây là vậy. Nếu như tôi tập trung vào làm phát hành hoặc sản xuất, thì quả thực tôi cũng thích sứ mệnh đấy. Và nếu làm, thì tôi sẽ làm được. Nhưng sản xuất và phát hành không phải là việc mà tôi yêu thích. Tôi đam mê một công việc vất vả hơn thế, đó là đạo diễn. Tôi hiểu rằng mình không nên kỳ vọng, dù đó không phải là một việc quá khó. Nhưng sẽ có người làm việc này tốt hơn tôi trong thời điểm hiện tại.
– Nhưng muốn điện ảnh nước nhà thay đổi thực tế đó, thì tốt hơn hết những nhà làm phim, như chị, nên xắn tay vào chứ?
– Không! Tôi sẽ không làm gì để thay đổi điều mình muốn thay đổi. Giờ tôi làm giống như những người đi trước thường hay khuyên, một câu rất nhàm chán: “Thôi hãy tập trung vào làm việc của mình đi!”.
Tôi chưa bao giờ thích câu đấy. Nhưng giờ nếu tôi không làm vậy thì cũng không biết làm thế nào?
– Vì sao chị lại chán chường vậy?
– Tôi thấy mọi người đang mắc phải một sai lầm rất lớn, đó là cố tìm những thứ không có trong phim tác giả hay phim nghệ thuật, cũng như tìm những điều không bao giờ tồn tại trong phim thương mại ở Việt Nam.
Làm phim bây giờ bị coi là một nghề, một công việc kiếm tiền, như một khoản đầu tư vậy. Khi đã coi như vậy thì tại sao mọi người lại tìm kiếm những thứ khác?
– Tôi tưởng nghề nào chẳng là nghề kiếm tiền?
Không! Với tôi, điện ảnh không bao giờ là nghề tầm thường như thế. Vì chẳng có cái gì liên quan đến điện ảnh thực sự mà có thể trở thành tầm thường được.
– Chị thất vọng không khi nhiều người nghĩ làm phim để kiếm tiền?
– Tôi chỉ tức giận thôi chứ không thất vọng. Có lẽ, tại tôi ít khi kỳ vọng.
– Những lí tưởng, mộng mơ mà chị mang theo trong bộ phim đầu tay (“Đập cánh giữa không trung” – PV) có còn vẹn nguyên hay ít nhiều rạn vỡ sau những va đập thực tế này?
– Những gì tôi cho là lí tưởng thì sẽ không bao giờ thay đổi. Còn những thứ góp phần làm nên lớp vỏ của nó thì, quả thực, có thay đổi đấy. Ví dụ như, những thứ trước khi bấm máy “Đập cánh giữa không trung” với tôi là rất quan trọng, bây giờ nó nằm ở mức độ quan trọng, và khi làm xong “Câu chuyện buồn nhất thế gian” (bộ phim thứ hai của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đang trong giai đoạn sản xuất – PV), có thể nó sẽ ở mức độ bình thường.
– Chị đang tự thỏa hiệp?
– Không! Tôi nghĩ mình đang thích ứng dần.