Ngày cuối cùng của tháng Tư, cả thế giới chào mừng Quốc tế nhạc Jazz - Tạp chí Đẹp

Ngày cuối cùng của tháng Tư, cả thế giới chào mừng Quốc tế nhạc Jazz

Sống

Bạn có biết 30/4 là Ngày Quốc tế nhạc Jazz? Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Irina Bokova và Đại sứ thiện chí của UNESCO Herbie Hancock đã công bố ngày nhạc Jazz quốc tế lần thứ 6 diễn ra vào ngày 30/4 tại Cuba. Buổi hòa nhạc được trình chiếu trực tiếp bởi UNESCO với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới nhằm vinh danh loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Qua thời gian, nhạc jazz phát triển và biến hóa với nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên ở giai đoạn nào thì thể loại này vẫn luôn có một lượng khán giả nhất định và chiếm một vị thế quan trọng trong lòng người yêu nhạc.

  1. Jazz – nghệ thuật của người Mỹ có nguồn gốc từ Châu Phi

Jazz có lịch sử kéo dài hơn 100 năm, từ thời kỳ ragtime tới ngày nay. Jazz ra đời khoảng năm 1895 ở New Orleans, thành phố lớn nhất thuộc tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Thể loại nhạc này được sản sinh từ những người nô lệ da đen châu Phi bị bắt và đem bán sang châu Mỹ trong thời điểm đó. Nhạc Jazz dần trở thành một phương tiện để cộng đồng người da đen sống trên đất Mỹ diễn đạt tâm tư, tình cảm của họ.

jazzradio
(Nguồn ảnh: Jazzradio)

Vào thời đó, Jazz nổi lên ở nhiều nơi trên nước Mỹ với phong cách âm nhạc độc lập phổ biến, là kết nối chung giữa âm nhạc Mỹ gốc châu Âu và âm nhạc Mỹ gốc Phi. Tiến sỹ Bill Taylor, một nghệ sỹ nổi tiếng, nhà nghiên cứu nhạc Jazz và là cố vấn nghệ thuật của Trung tâm Kennedy nhận xét: “Jazz là âm nhạc cổ điển Mỹ. Đây chính là cách người Mỹ chơi nhạc”. Còn theo nhà phê bình Joachim-Ernst Berendt thì thuật ngữ Jazz nên có một định nghĩa rộng hơn, xác định nó là “một dạng âm nhạc nghệ thuật xuất hiện tại Hoa Kỳ qua sự kết hợp giữa âm nhạc người da đen và âm nhạc châu Âu”. Âm nhạc phương Tây và châu Phi đã gieo hạt nên Jazz và văn hoá Mỹ là nơi để thể loại này nảy mầm và phát triển. Nhìn chung, Jazz là sản phẩm trực tiếp của di sản âm nhạc Mỹ gốc Phi.

  1. Vì sao gọi là nhạc “Jazz”?

Chưa có một lời giải thích thật sự thuyết phục nào cho cái tên “Jazz”. “Jazz” được nêu tên trong quyển “Word of the 20th Century” của công ty American Dialect, từ này đặc biệt vì không ai rõ nguồn gốc của nó.

“Jazz” khởi đầu như một từ lóng vào năm 1912 dưới một số cách viết khác nhau, nó được sử dụng với nhiều nghĩa nhưng đều không liên quan đến âm nhạc như: jas, jass, được cho là dựa theo từ “jasm” (sinh lực) hay “jasmine” (hoa nhài).

jazzradio2
(Nguồn ảnh: Jazzradio)

Vài thông tin cho rằng việc dùng từ này với ý nghĩa âm nhạc nằm trong số báo ngày 14/11/1916 của tờ Times-Picayune qua bài viết “Những ban nhạc jas”. Đó là lần đầu tiên từ Jazz được dùng để chỉ âm nhạc tại New Orleans.

Cũng có thể từ này có nguồn gốc từ tên một ban nhạc Jazz. Original Dixieland Jass band đã phải đổi tên thành Original Dixieland Jazz Band vì bọn tinh nghịch hay xóa chữ “J” trên áp-phích (thành một từ tục tĩu), khi họ chuyển từ New Orleans về New York.

  1. Âm nhạc của sự sáng tạo

Bên cạnh tính đồng nhất đặc trưng trong âm nhạc của người da đen ở Mỹ, không thể không nhắc đến tính ngẫu hứng và sáng tạo trong nhạc Jazz. Jazz là sự kết hợp tinh tế và hài hòa giữa chất nhạc Blues với hòa âm của nhạc cổ điển, pha trộn với một chút vui nhộn trong âm nhạc Châu Phi. Không như nhạc cổ điển, nhạc Jazz không hề theo những khuôn mẫu chuẩn mực. Nghệ thuật nhạc Jazz là một loại nghệ thuật sống động, như nhạc sĩ Jelly Roll Morton đã viết: “Nhạc Jazz thuộc về một phong cách thể hiện chứ không thuộc về sáng tác”.

jazzradio3
(Nguồn ảnh: Jazzradio)

Trong nhạc Jazz, người nghệ sĩ phải luôn “tùy cơ ứng biến” và sáng tạo khi biểu diễn. Người chơi nhạc Jazz không chỉ là một nhạc công đơn thuần mà là một nghệ sĩ ứng tấu ngẫu nhiên, họ thỏa sức sáng tạo. Tính ngẫu hứng là một đặc điểm nổi bật để so sánh Jazz với các thể loại khác.

Qua thời gian dài phát triển, jazz không ngừng đổi mới và sản sinh ra nhiều “nhánh” như: Cool Jazz, Hot Jazz, Free Jazz, Latin Jazz, Soul Jazz, Jazz fusion, Jazz-funk…

  1. Tạo cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật khác

Không chỉ xuất hiện như một yếu tố nghệ thuật xuyên suốt bộ phim đình đám La La Land, Jazz còn là cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc khác, trong điện ảnh và cả văn học.

71vxl8ms3rl
Portrait in Jazz (Tạm dịch: Chân dung trong nhạc Jazz) của tác giả Haruki Murakami (Nguồn ảnh: Amazon)

Tiểu thuyết gia Haruki Murakami biết đến Jazz năm 15 tuổi và thể loại nhạc này đã trở thành niềm đam mê sâu sắc của ông: “Art Blakey và Messengers biểu diễn tại Kobe vào tháng Giêng năm đó và tôi nhận được tấm vé nhân dịp sinh nhật. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự nghe Jazz, nó khiến tôi sửng sốt. Tôi như bị sét đánh. Có một cái gì đó đang cuộn thành những con sóng mạnh mẽ. Tôi tự hỏi rằng nếu được, có thể cho tôi chuyển âm nhạc đó vào tác phẩm. Đó là cách tôi bắt đầu.” Mỗi tiểu thuyết của Haruki Murakami như một tuyển tập các ca khúc Jazz. Những giai điệu Jazz được “chuyển thể” một cách mượt mà trong các tác phẩm của ông như: “Lắng nghe gió hát”, “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”,…

  1. Toàn cầu hóa

Jazz chính là một sản phẩm của toàn cầu hóa, là sản phẩm của một cuộc gặp gỡ và pha trộn văn hóa trên một vùng đất mới. Nghệ thuật nhạc Jazz phát triển rộng khắp thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận. Nhạc Jazz đã đem đến cho nền âm nhạc những màu sắc tươi mới và đa phong cách.

oxford-dictionaries-blog
(Nguồn ảnh: Oxford Dictionaries Blog)

Tại châu Âu, nhạc Jazz được xem như một sự kết hợp tinh tế giữa các dòng nhạc từ thuở sơ khai đến ngày nay. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có “Hội nghiên cứu nhạc Jazz”, thậm chí Jazz đã trở thành một môn học chính thức, một khoa đào tạo chính quy trong nhiều trường dạy nhạc chuyên nghiệp. Ở Việt Nam cũng có một số trường âm nhạc chính thức đào tạo nhạc Jazz như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Thực hiện: depweb

30/04/2017, 23:30