Phụ nữ & Sách – Sự khởi đầu cho những điều kỳ diệu

Khoảnh khắc yên tĩnh khi người phụ nữ cầm trên tay cuốn sách cũng là thời điểm tâm trí được thức tỉnh, thoát khỏi thực tại, những giấc mơ nhen nhóm, và nàng bắt đầu kiến tạo bản thân qua những con chữ. Từ đó, nàng tìm thấy sức mạnh và lý tưởng để viết nên huyền thoại mang tên mình.

a-3
Nhiếp ảnh gia Ferréol de Nexon chụp Gabrielle Chanel với cuốn sách trên tay (khoảng thời gian năm 1908)

Chương thứ 7 của sự kiện triển lãm “Culture Chanel” với tên gọi “The woman who reads” được tổ chức tại Venice, thành phố mang nhiều cảm hứng và gắn liền với những kỷ niệm của nhà thiết kế Gabrielle “Coco” Chanel. Lần đầu tiên không gian thư viện của Gabrielle Chanel tại căn hộ số 31 đường Cambon, Paris được tái hiện lại.

Không gian triển lãm được chia thành 4 phòng chính: “Cuộc sống của chúng ta”, “Những thông điệp vô hình”, “Những tâm tư khiến bạn suy nghĩ” và “Muôn mặt thời gian”. 350 đồ vật trưng bày gắn liền với hình ảnh người sáng lập nhà mốt Chanel đã hé lộ thế giới quan phong phú cùng sở thích đọc sách của bà. Các cuốn sách, những bức ảnh, tranh vẽ, các thiết kế, những tác phẩm nghệ thuật trong thư viện nhỏ của Gabrielle Chanel được bày biện cùng nữ trang và nước hoa bên cạnh tủ đồ thiết kế của Karl Lagerfeld. Những món đồ này làm nên bảng từ vựng duy mỹ về Gabrielle Chanel.

a-6
Không gian trưng bày “The woman who reads” tại Venice trong chuỗi sự kiện “Culture Chanel”

Triển lãm “The woman who reads” bắt đầu bằng một trang giấy ghi những dòng chữ của Gabrielle Chanel: “Cuộc sống thực tại của chúng ta rất ngắn ngủi, cuộc sống mà chúng ta mơ ước sẽ tồn tại mãi bởi nó vẫn luôn tiếp diễn, vượt qua cả cái chết.” Đọc sách và mơ mộng đến mức muốn thay đổi trật tự cuộc sống, Gabrielle Chanel khiến mọi người liên tưởng đến Emma Bovary thời trẻ, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Quý bà Bovary” của văn hào Pháp Gustave Flaubert – 1 trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Bản thảo viết tay cuốn sách này (từ năm 1856) được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc tế, trong không gian triển lãm “The woman who reads”.

a-5

a-2
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc tế (Venice) nơi diễn ra triển lãm “The woman who reads”

Trong thư viện của Gabrielle Chanel ở số 31 đường Cambon (Paris), những giá sách dựng quanh bốn bức tường cho bà cảm giác được sống giữa những đại văn hào, được thấm nhuần các tác phẩm kinh điển. Những cuộc đối thoại vượt thời gian, từ các cây bút cổ điển cho đến đương đại như Sophocles, Virgil, Rabelais, Shakespear, Montaigne, Madame de Sévigné,… từng diễn ra trong căn phòng nhỏ này đã làm nên người phụ nữ Gabrielle Chanel huyền thoại. Và từ đó bà trở thành nàng thơ của những tác giả nổi tiếng như Jean Cocteau, Max Jacob, Pierre Reverdy.
Chính mối liên hệ giữa Gabrielle Chanel với các nhà văn lớn, những tác phẩm văn học, thi ca đã giúp bà tìm được cách biểu đạt ngôn ngữ thời trang của riêng mình. Vượt qua mọi vòng xoáy thời gian, những gì Gabrielle Chanel mang đến đã, đang và chắc chắn sẽ luôn có sức ảnh hưởng lớn tới làng thời trang thế giới.

a-4
Những thiết kế trang phục và nữ trang cao cấp của Chanel lấy cảm hứng từ thành phố Venice

From the same category