Năm 2016, làng nhạc Việt ghi nhận sự xuất hiện của một loạt sao quốc tế gạo cội. Khán giả trong nước có cơ hội nhìn tận mắt các thần tượng của mình. Sức hút từ những cái tên “lão làng” rõ ràng chưa bao giờ nguội, giống như nghệ thuật không có tuổi. Đến Việt Nam vào những ngày cuối cùng của tháng 12 theo lời mời của công ty Daikin Vietnam, Richard Marx – giọng ca có sức công phá bảng xếp hạng Billboard và giải thưởng Grammy này đã khép lại một năm đầy hoài niệm với người yêu nhạc.
– Xin chào Richard, lần đầu tiên đến Việt Nam, lại vào những ngày cận kề năm mới, anh có cảm xúc gì đặc biệt không?
– Những năm cuối thập kỷ 80, khi thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, tôi đã đến các nước ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, khi đó tôi đã muốn đến Việt Nam. Gần 30 năm sau, tôi mới có cơ hội đến và biểu diễn cho khán giả Việt Nam. Trong thời điểm giáp ranh giữa năm mới và năm cũ, mọi người đều vội vã, nhưng chắc chắn tôi sẽ còn trở lại Việt Nam, chỉ để là khách du lịch mà thôi.
– Anh trở thành nghệ sĩ solo đầu tiên trong lịch sử thu âm thế giới khi có tới 7 đĩa đơn trong album đầu tay chiếm vị trí top 5 liên tục nhiều tuần trên bảng xếp hạng Billboard. Con đường âm nhạc của anh dường như đã thênh thang từ ngày đầu tiên?
– 1987 là một năm có nhiều ý nghĩa trong sự nghiệp của tôi. Nhưng có lẽ ít người biết, trước đó tôi đã từng viết nhạc và đi hát từ hồi 5 tuổi. Chưa từng có một giây phút nào trong đời tôi nghĩ mình sẽ làm gì đó khác ngoài âm nhạc. Như thể đó là định mệnh. Bố tôi, Dick Marx, là một nghệ sĩ nhạc jazz, một nhà sản xuất, nhà soạn nhạc, mẹ tôi là ca sĩ. Tôi lớn lên trong ngôi nhà được bao phủ bởi âm nhạc, có thể nói, chảy trong huyết quản tôi là giai điệu. Đi học về là tôi đến phòng thu của bố để học và làm việc. Chính ông là người khích lệ tôi viết những nốt nhạc đầu tiên.
– Cha đỡ đầu của anh cũng là nghệ sĩ lớn, ca sĩ Lionel Richie, ông có ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của anh?
– Tôi nhớ, khi đó tôi khoảng 17, 18 tuổi, còn Richie đã là một nghệ sĩ lớn. Không biết bằng cách nào đó, cuốn băng ghi âm những sáng tác đầu tay của tôi đến được với Lionel. Ông gọi cho tôi và nói: “Con làm rất tốt, con nên viết nhạc để sống. Ta không thể hứa trước với con điều gì, nhưng hãy tìm cách đến Los Angeles”. Tôi đã không thể tin vào tai mình lúc đó, một người mình thần tượng nói với mình như vậy.
Tôi tìm đến phòng thu của Richie đúng lúc ông đang gặp bế tắc trong việc tìm giọng bè. Ông nói: “Con thử xem nào”. Tôi đã bắt đầu trở thành nghệ sĩ hát bè như vậy, và được cộng tác với rất nhiều nghệ sĩ lớn như Whitney Houston, Madonna, Barbra Streisand…
– Bây giờ ai là người thẩm âm đầu tiên những sáng tác của anh?
– Vợ tôi, Daisy. Chúng tôi mới kết hôn năm ngoái. Cô ấy không phải là nghệ sĩ, cô ấy là phóng viên truyền hình. Daisy có nhiều hiểu biết về thị trường âm nhạc. Cô ấy nghe tất cả những ca khúc mới ra hàng ngày và giới thiệu chúng trên kênh MTV.
Có một điều rất thú vị, Daisy chính là người giới thiệu một video clip của tôi trên truyền hình, từ rất lâu trước khi chúng tôi thực sự quen nhau.
Điểm đặc biệt ở Daisy là cô ấy có một đôi tai rất tinh. Nếu sản phẩm nào mà cô ấy nhận xét: “Ca khúc này sẽ làm nên chuyện đấy!”, thì chắc chắn nó sẽ trở thành một bản hit. Đó là một năng lực kỳ lạ.
– Cá nhân anh, mỗi khi sáng tác, có bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là một bản hit không?
– Nói thật, chưa bao giờ tôi nghĩ theo cách đó, và tôi cũng không hề có cảm giác rằng ca khúc này sẽ phổ biến. Tôi viết nhạc, trước hết, để thỏa mãn chính mình, sau đó nếu gặp được sự đồng cảm từ phía khán giả thì tuyệt vời.
Ví dụ, ca khúc “Endless summer nights”, trước khi trở nên nổi tiếng khắp thế giới, nó đã bị các hãng thu âm và phát hành lắc đầu từ chối. Đó là bài hát mà tôi rất thích. Vậy đấy. Tôi nghĩ cần phải có cả hai yếu tố: lao động nghiêm túc và sự may mắn.
– Ồ, anh đã có tới 30 triệu bản thu cùng rất nhiều giải Grammy và giải thưởng âm nhạc đấy chứ.
– Tôi nghĩ mình may mắn.
– Với khán giả Việt Nam, cái tên Richard Marx có lẽ gắn liền với “Right here waiting”. Nhiều đôi lứa yêu nhau, nhiều thế hệ đã lớn lên cùng bản tình ca này. Câu chuyện đằng sau “Đại dương cách trở, ngày nối ngày…” là gì vậy?
– Tôi viết ca khúc này năm 1988, trong chuyến lưu diễn đầu tiên của mình, khi đó tôi đang hẹn hò cùng người vợ đầu tiên (Cynthia Rhodes), cô ấy là diễn viên và đang đóng phim tại Châu Phi. Suốt 3 tháng trời chúng tôi không được gặp nhau. Thời gian đó chưa có những công nghệ như nhắn tin, Facetime hay Skype, viết thư tay thì phải mất tới 2 tuần mới nhận được. Đó là một khoảng thời gian khó khăn với cả hai chúng tôi.
Một ngày, không thể chịu nổi sự xa cách này, tôi đã ngồi xuống đàn và bắt đầu chơi. Lúc đó, tôi không nghĩ gì nhiều về sáng tác, tôi chỉ muốn nói ra những dồn nén trong mình. Tôi đã thu âm những giai điệu đầu tiên của ca khúc trong khoảnh khắc đó.
Tối qua, khi mới đến Hà Nội, tôi và vợ đã đi dạo ở phố đi bộ. Một ban nhạc đường phố đang biểu diễn “Right here waiting”. Tôi đoán là họ không hề biết sự có mặt của mình. Được nghe ca khúc này vang lên giữa một không gian như vậy là một trải nghiệm tuyệt vời.
– Sự lãng mạn ấy có còn nữa không khi internet xuất hiện?
– Đúng vậy, internet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta khá nhiều, đôi khi nó làm cho tôi thấy mệt mỏi. Kết nối với mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp âm nhạc hiện nay. Nhưng đôi khi, tôi lại bị giằng xé giữa câu hỏi “Kết nối hay không?”. Ví như, trên quãng đường đến đây, tôi cứ bị thúc ép giữa việc chụp ảnh, quay video hay đơn giản là thảnh thơi ngắm nhìn đường phố và tự ghi lại những hình ảnh đó trong đầu. Đó là sự xung đột mà ta phải đối diện hàng ngày. Tôi nghĩ, chúng ta nên đặt chiếc điện thoại xuống một chút để thực sự tận hưởng cuộc sống.
– Các ca khúc của anh đều trữ tình, lãng mạn, nhẹ nhàng. Những điều này có nói gì về con người anh không?
– Một vài ca khúc, đúng là, gắn liền với cuộc sống của tôi, chúng đến từ ký ức, từ cảm xúc hay những trải nghiệm cuộc sống. Nhưng cũng có rất nhiều ca khúc tôi viết từ câu chuyện của những người khác. Tôi biến mình trở thành người đàn ông trong bài hát, để nói với “cô ấy” điều mà chủ nhân câu chuyện muốn nói.
– Điều gì là động lực để anh tiếp tục sáng tác?
– Đó là cho ra đời những tác phẩm tốt nhất. Khi hợp tác cùng các nghệ sĩ khác, tôi muốn những ca khúc mình viết ra hay sản xuất phải trở nên phổ biến. Dù đã sở hữu nhiều bản hit, nhưng tôi vẫn muốn có nhiều hơn nữa. Cái cảm giác được nghe đi nghe lại ca khúc của bạn ở bất kỳ nơi nào bạn đi qua là một trải nghiệm tuyệt vời.
– Trong số các bản hit đó, ca khúc nào là đáng kể với anh?
– Là ca khúc tôi sẽ viết ngày mai.
Chúc anh thành công.