Hoa hậu Thu Thủy: 20 tuổi tôi vẫn chưa biết nấu ăn

Tết này nhà bạn có món gì? Từ câu hỏi ấy, Đẹp tìm về căn bếp.

Những ấm – lạnh trong mỗi căn nhà đều tỏa ra từ bếp. Và trong mùi khói xưa của ký ức, trong không khí tiện lợi của đời sống hiện đại hôm nay, căn bếp đã theo thời gian thay đổi thế nào? Lần theo hành trình đó, Đẹp có câu trả lời về vai trò và tâm thế của người giữ lửa trong gian bếp ấy hôm nay.

 

– Mùi gì chị không thể quên trong ký ức?
– Mùi dầu hỏa trong gian bếp. Ngày xưa nhà rất nhỏ, cả gia đình tôi sống trong căn tập thể chưa đầy 20m, bếp được đặt cuối cùng trong không gian sống ấy. Tôi nhớ những buổi chiều chờ mẹ đi làm về được phân công khêu bấc bếp, nhớ mùi dầu hỏa tỏa ra từ góc căn nhà nhỏ, nhớ những ngày đầu tháng xếp hàng đi mua dầu… Nếu ở quê có mùi rơm rạ, thì với tôi, mùi dầu hỏa gợi lên cảm giác rất no ấm.

Trong không gian của bếp, chiếc chạn tre với những cánh được đan mắt cáo bằng mây, nơi chưa đựng sự no đủ hay khốn khó của mỗi gia đình. Chiếc chạn cũng thể hiện người phụ nữ trong nhà có ngăn nắp, gọn gàng không.

thu-thuy1-copy

– Phụ nữ vẻ như thường gắn với bếp nên nỗi nhớ của nhiều người bắt đầu từ đó. Hiện tại trong căn nhà chị ở, gian bếp chắc đã có nhiều đổi thay và lớn hơn trước rất nhiều. Nhưng so với trước đây, nó có ấm cúng hơn?

– Ngày xưa nấu bếp hay ngồi dưới đất, hoặc ngồi ghế đẩu chứ không có thói quen đứng nấu. Giờ đây sau nhiều lần chuyển nhà, tôi thấy giống như nhiều gia đình khác trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, gian bếp đã được đầu tư hơn: dụng cụ làm bếp ngày càng trở nên phong phú…

Trước đây gian bếp rất chật hẹp nhưng buổi chiều nào ở đấy cũng rất rộn rã, những đứa trẻ ngóng về bếp xem mẹ nấu món gì. Còn bây giờ những gian bếp tiện nghi hơn, rộng và đẹp hơn nhưng không khí ở đấy có vẻ lại lạnh hơn. Ngày xưa tôi rất thích món chả trứng, rất hạnh phúc mỗi khi mẹ làm món đó. Giờ đây, trẻ con rất thờ ơ với đồ ăn và ít sự hào hứng với thức ăn hơn trẻ con ngày xưa.

Tôi có hai con, giờ sinh hoạt của hai đứa đã khác nhau rồi, và khác cả với giờ sinh hoạt của tôi. Một nhà bây giờ có đến vài chế độ ăn: con cái ăn giờ khác, bố mẹ ăn đồ khác, chưa kể một số ngày ăn chay hoặc ăn kiêng.

– Lạnh hay ấm là do cách con người hướng về nó. Theo chị, điều gì đã thay đổi không khí trong gian bếp ấy?

– Thứ nhất là do nhịp sống. Thứ hai, ngày cả cách chế biến đồ ăn bây giờ cũng ngày càng tiện lợn. Ngày mùa đông khi về nhà mình sẽ ngửi thấy mùi khói, ấm sực bởi lửa. Bây giờ nấu bằng bếp từ, không còn cảm thấy những điều đó.

thu-thuy-2-copy

Bếp vì sự tiện lợi và vệ sinh cũng chủ yếu được ốp đá hoặc sơn bằng hai màu đen trắng. Mọi thứ quy củ hơn nhưng cũng lạnh hơn trước rất nhiều. Tôi cho rằng, chính tư duy và cách tổ chức cuộc sống đã khiến nhiều thói quen sinh hoạt thay đổi trong đó có sự thay đổi không khí trong bếp.

– Chị học nấu ăn từ ai?

Tôi có một hành trình tìm đến nấu ăn rất khác mọi người. Trong gia đình lớn trước đây, mẹ tôi là người Hà Nội gốc nhưng lại là thế hệ đầu tiên trong gia đình thoát ly sớm, mẹ không biết thêu thùa, may vá, nấu ăn.

Tôi giống mẹ, do ngày nhỏ tôi yếu nên bố mẹ không bắt nấu ăn. Tôi khá vụng. Đến 20 tuổi cũng chưa biết nấu ăn. Cho đến khi đi học, ra đời, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau tôi thấy cách tổ chức nấu nướng, tổ chức ăn uống nói lên rất nhiều điều. Đặc biệt sau này có con, bé trai lớn khó ăn, con gần như không ăn gì cả nên tôi khủng hoảng. Tôi ngồi xuống nói chuyện với con, đến trường quan sát thì thấy con ăn rất vui vẻ với bạn. Tôi suy nghĩ lắm. Một ngày con nói nó thích ăn shushi, tôi qua một cửa hàng đặt mang về. Một hôm con nói: “Sao mẹ không tự làm đi?” và tôi bắt đầu thử. Khi làm, con tôi thích ăn hơn. Tôi và con trai đã cùng nhau vượt qua từng món ăn như thế. Đến bây giờ cũng nấu tạm một số món! (cười)

Tôi thấy hành trình đó rất thú vị và tôi có cơ hội hiểu con mình hơn. Tôi nhận ra dinh dưỡng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cách tiếp nhận nó thế nào.

– Được biết ngoài công việc kinh doanh, hiện tại chị còn đảm nhận công việc MC trực tiếp trong chương trình An ninh toàn cảnh và dẫn một số chương trình khác. Làm thế nào để một người mẹ mới biết nấu ăn có thể duy trì những bữa tối cùng con cái trong nhà?

– Tôi không bận rộn như người ta nghĩ. Quan trọng cuối cùng là cách mỗi người tổ chức cuộc sống.

Tôi kể lại chuyện này, năm 2015 tôi đi làm phim với một đoàn người Việt ở châu Âu. Sang nước bạn, do thói quen, kinh phí và văn hóa nên không thể ăn mãi đồ Tây, chuyến đó chỉ mình tôi là nữ, tôi trở thành người nấu ăn cho cả đoàn. Lạ là, sau cả một ngày mệt lả, đến tối về vẫn đi chợ và nấu cơm cho mọi người. Lúc đó mình mới thấy bữa cơm rất quan trọng, nó kết nối mọi người với nhau.

hnn7085_copy_olvq-copy

Trên chương trình An ninh Toàn cảnh, tôi phải dẫn thậm chí thông Tết. Sáng mùng 1 Tết cũng phải dẫn trực tiếp, điều này làm xáo trộn một chút lịch trình của gia đình. Tôi phải dậy sớm nhưng cùng các con đến chúc Tết ông bà muộn hơn các năm trước. Mọi thứ còn lại không có thay đổi nhiều. Những bữa ăn cũng vậy, không vì công việc mà mọi việc thay đổi.

– Vậy căn bếp nhà chị ngày Tết có gì đặc biệt?

– Tết nhà tôi cũng như ngày thường thôi, trừ việc là sẽ có bánh chưng. Con tôi sáng nay kể với mẹ trên đường tới trường là hôm nay thi gói bánh chưng. Tôi hỏi con có thích bánh chưng không và nó trả lời: “Con thích”. Tôi thực ra có giật mình, vì chính mình đôi khi quên mất điều đó.

Ngày Tết trong gia đình lớn ngày xưa bao giờ cũng có lá dong, có thịt, gà… Ngày Tết mẹ sẽ ngâm đỗ gói bánh, thổi xôi. Bây giờ nhà tôi chắc cũng sẽ có bánh chưng. Nhà bố mẹ sẽ không bao giờ thiếu món canh măng nấu chân giò. Và tôi biết giao thừa không bao giờ thiếu món xôi gấc của mẹ. Mẹ nấu không ngon nhưng xôi gấc của mẹ là nhất.

Tôi muốn giữ lại không khí háo hức đó cho con mình.


From the same category