Một Châu Đăng Khoa với phong cách giản dị, gần gũi, tràn đầy năng lượng tích cực. Không khí tại buổi hậu trường sôi nổi hẳn lên. Anh thường xuyên pha trò, làm mọi người cười nghiêng ngả với những câu chuyện tiếu lâm trong “phòng thay đồ” của mình.
Khó mà tưởng tượng nhạc sĩ “Thèm yêu” này là chủ nhân của những ca khúc trầm buồn, “ủ ê” được nhiều ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, Vicky Nhung, Kyo York, Bằng Kiều thể hiện.
– Anh có thể cho độc giả rõ hơn cái duyên sáng tác đến với anh như thế nào?
– Bài hát đầu tiên tôi sáng tác lúc tôi học lớp… ba, nội dung bài hát là về một con mèo, chỉ có một vài câu và tôi cứ hát đi hát lại hoài cả ngày đến khi mẹ tôi phát bực “Con hát bài gì mà tầm bậy tầm bạ vậy” (cười).
Nếu mà nói về sáng tác thật sự và bước vào con đường chuyên nghiệp là khi tôi tham gia Bài hát Việt vào cuối năm 2012 đầu 2013 và đoạt giải “Bài hát ấn tượng”. Một điều mà ít người biết đến về tôi là trước thời gian sáng tác, tôi là một ca sĩ. Vì không có tiền… mua nhạc của người ta nên tôi buộc phải sáng tác để kiếm tiền.
– Vậy ra anh từng có thời gian đi hát, rồi thiếu tiền quá nên chuyển sang sáng tác và giờ đây anh trở lại thuở ban đầu?
Tôi đến với con đường nghệ thuật đầu tiên là muốn trở thành ca sĩ, nhưng cái duyên khi ấy nó chưa tới vì nhiều lý do. Thật ra tôi vẫn đang đi hát ở phòng trà và ở quán cà phê đó chứ. Một mặt là để nuôi dưỡng đam mê của mình, một mặt tôi vẫn đi làm rồi cái duyên nhạc sĩ tự nhiên nó tới nhanh hơn và được mọi người biết đến.
– Xu hướng nhạc điện tử (EDM) đang làm mưa làm gió trên các BXH thế giới. Sáng tác của Khoa cũng không nằm ngoài xu thế này chứ?
– Tất nhiên là tôi không muốn mình đứng ngoài cuộc vui. Điểm đặc biệt nhất của tôi chính là sự đa dạng. Tôi không dám tự nhận nhạc của mình hay hơn bất kỳ một ai khác, nhưng tôi khẳng định là mình có thể làm được đa dạng mọi thể loại nhạc từ ballad, buồn, tự sự cho đến EDM.
– Sáng tác chuyên một thể loại vẫn hơn chứ “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” mà?
– Tôi cũng lo là khi mình kiêm nhiều cái thì chẳng chuyên một cái gì cả. Nhưng làm xong rồi, thấy thể loại nào ra thể loại đó nên tôi cũng yên tâm. Có người thì chọn riêng một thể loại cho mình, còn cái tôi lựa chọn chính là sự đa dạng.
Tuy nói là đa dạng nhưng mọi người khi nghe sẽ biết ngay là nhạc của tôi. Trong đó có những điểm đặc trưng như cách viết ca từ, và đặc biệt cách sử dụng kèn saxophone trong rất nhiều các ca khúc của tôi mà khi nghe thì mọi người nhận ra ngay là nhạc của Châu Đăng Khoa.
– Anh nghĩ gì khi tác phẩm của mình ra đời không được nhiều khán giả đón nhận và “nhạt” hơn so với nhiều tác phẩm khác?
– Tôi rất sợ mình sẽ trở thành “nhạt” sĩ chứ không phải là nhạc sĩ (cười). Tôi không cho phép bản thân dễ dãi với những tác phẩm của chính mình. Tại vì nếu dễ dãi với những “đứa con tinh thần” thì giống như tôi đang tự “đào hố” chôn mình vậy. Nên giờ tôi rất giới hạn việc sáng tác, một tháng trung bình tôi chỉ cho ra 1-2 tác phẩm. Thay vào đó tôi chăm “đứa con” ấy từng li từng tí một, và nhúng tay vào mọi giai đoạn từ khâu sản xuất, phối khí cho đến làm nhạc.
“Tôi rất sợ mình sẽ trở thành “nhạt” sĩ chứ không phải là nhạc sĩ (cười). Tôi không cho phép bản thân dễ dãi với những tác phẩm của chính mình. Tại vì nếu dễ dãi với những “đứa con tinh thần” thì giống như tôi đang tự “đào hố” chôn mình vậy.” – Châu Đăng Khoa
“Tôi rất sợ mình sẽ trở thành “nhạt” sĩ chứ không phải là nhạc sĩ (cười). Tôi không cho phép bản thân dễ dãi với những tác phẩm của chính mình. Tại vì nếu dễ dãi với những “đứa con tinh thần” thì giống như tôi đang tự “đào hố” chôn mình vậy.” – Châu Đăng Khoa
Lúc trước, tôi hay thụ động trong âm nhạc, chỉ ngồi chực chờ cảm xúc đến với mình rồi mới sáng tác.
Bây giờ thì khác, khi đã bắt tay vào con đường chuyên nghiệp rồi, tôi chủ động tìm kiếm và giữ cảm xúc đó ở lại với mình. Những cảm xúc này đến khi tôi đọc một quyển sách hay, xem một bộ phim hay hoặc nói chuyện với một người thú vị.
– Tôi thấy một Đăng Khoa trầm lắng, lãng mạn và bay bổng trong những ca khúc do ca sĩ khác thể hiện. Và một Đăng Khoa nổi loạn, hơi “điên điên” khi chính mình thể hiện những ca khúc ấy. Sự khác biệt này là thế nào?
– Tôi luôn phân định rõ ràng là nhạc dành cho mình và nhạc dành cho người khác. Nhiều người đã hát những ca khúc có giai điệu buồn, tâm trạng của tôi rồi thì tôi phải hát những ca khúc có giai điệu vui tươi, nhún nhảy một chút. Chứ bắt khán giả mình chìm đắm hoài trong nỗi buồn của mình là điều không nên. Vả lại tôi còn đang rất trẻ, tại sao mình không yêu đời, tích cực hơn trong cuộc sống.
“Mọi người đừng đặt quá nhiều kỳ vọng cho tôi. Với một người trẻ như Khoa thì tự do là điều cần thiết, tự do sáng tạo, tự do sống với chính mình và làm được những điều mình muốn.”
– Cùng với Phạm Toàn Thắng, Khắc Hiếu, và cả Đăng Khoa nữa là những nhạc sĩ trẻ định hình thế hệ âm nhạc mới của Việt Nam. Khoa nghĩ thế nào về nhận định này?
– Tôi cảm thấy vui và tự hào khi được mọi người nghĩ mình như vậy, đi theo đó là một chút áp lực (cười). Tôi đến với âm nhạc thoải mái lắm. Nói thẳng một điều là âm nhạc giúp tôi kiếm tiền và tôi kiếm tiền cũng vì âm nhạc.
Trước kia vì không mua được nhạc của người khác nên tôi phải tự viết nhạc cho mình. Sau này, tôi làm nhạc cũng chỉ vì muốn lo cho gia đình và cuộc sống của bản thân thôi. Vậy nên mọi người đừng đặt quá nhiều kỳ vọng cho tôi. Với một người trẻ như Khoa thì tự do là điều cần thiết, tự do sáng tạo, tự do sống với chính mình và làm được những điều mình muốn. Điều đó rất cần thiết cho người nghệ sĩ vì khi họ được tự do chính là lúc họ thăng hoa nhất và làm việc hiệu quả nhất.
– Xin cảm ơn Anh!