“Đắng-cay-ngọt-bùi”: Chuyện đời hai chàng đầu bếp long đong

Bếp trưởng Nguyễn Đức Hoàng (giữa), đầu bếp Nguyễn Quang Thanh (phải) và đầu bếp Nguyễn Quang Huy (trái) tại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng

Chia sẻ về món ăn mang cái tên không liên quan gì đến ẩm thực, bếp trưởng Đức Hoàng cho biết, anh đặt tên món ăn là “đắng-cay-ngọt-bùi” để nói về cuộc sống của chính mình. Đức Hoàng đã từng gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc tuyệt vọng anh đã nghĩ đến cái chết. Và câu chuyện về hai anh đầu bếp với món ăn thú vị dần được hé mở.

Món “đắng-cay-ngọt-bùi” và gỏi thịt heo hoa lộc vừng và súp tôm sú khổ qua mang tên “ước mơ”

Đức Hoàng tâm sự, anh đến với nghề bếp như sự xô đẩy của số phận. Anh từng ước mơ học y khoa sau khi tốt nghiệp PTTH, nhưng giấc mơ ấy đã không thành vì bố mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ khi anh vừa học xong lớp 11, Hoàng đã bỏ nhà ra đi. Chán nản và bất cần, anh nhập băng với đám bụi đời choai choai. Sau đó chàng thanh niên 17 tuổi lang thang tới Nha Trang. Công việc đầu tiên là chân chạy bàn tại một nhà hàng và làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống. Siêng năng, được mọi người khen ngợi, anh đã được chuyển tới quầy pha chế nhưng Hoàng từ chối vì mùi xào nấu ngào ngạt từ gian bếp nhà hàng quyến rũ hơn. Sau ba tháng học việc trong bếp, Hoàng bắt đầu đứng nấu. 

Đủ 18 tuổi, Hoàng có giấy gọi nhập ngũ. Hết 18 tháng nghĩa vụ, anh lại ra Nha Trang đầu quân cho một nhà hàng ở Hòn Chồng trước khi qua Lào “tu nghiệp”. Sau hai năm tích lũy kinh nghiệm, anh trở lại Kontum làm đầu bếp cho một nhà hàng mới khai trương. Ở đấy, vào một ngày giáp Tết anh gặp đã gặp anh Nguyễn Quang Thanh – người đồng đội sau này sát cánh hai mùa Chiếc Thìa Vàng liên tiếp. 

Á hậu Hoàng My – Đại sứ của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng động viên đầu bếp Đức Hoàng

Quang Thanh quê ở Phú Thọ, anh mồ côi cha khi mới lên ba. Mẹ đi bước nữa, anh qua ở với cô ruột. Vợ chồng cô làm nông, cuộc sống vất vả. Hết lớp một, anh buộc phải nghỉ học. Thanh xin làm mướn, hái chè thuê.

Năm 16 tuổi, anh theo một người cùng làng xuống Hà Nội bán ngô xào. Sau này, anh ra bán thêm xôi gấc, xôi đậu đen… Cực nhất là những buổi ế hàng hay bị trật tự đô thị thủ đô thu đồ, giam xe, đóng phạt, anh đành đi chỗ khác kiếm ăn. Thanh xuôi dần vào Nam, đến Huế, Sài Gòn, Bình Dương… rồi ngược lên Kontum làm chân chạy bàn và gặp Đức Hoàng ở đó. Từ chân chạy bàn, Thanh được rút dần vào trong bếp và rửa chén dĩa. Cả hai anh đều có hoàn cảnh khó khăn, trải qua nhiều gian truân nên có sự đồng cảm, họ đã về ở trọ cùng nhau. 

Món rau rừng vị tỏi Lý Sơn, Súp hạt bo bo lụa bí đỏ tôm sú

Sau những tháng ngày làm việc cực nhọc và tích góp được một số tiền kha khá, năm 2012 anh Hoàng quyết định mở một nhà hàng cho riêng mình mang tên – Quán 79 Gia Bảo với khoảng 100 món ăn đặc sản Tây Nguyên như cơm lam, gà lai gà rừng, heo làng… Thực đơn nổi bật nhất là những món ăn từ các loại cây rừng như: mây đắng, gỏi lá rừng; các loại cá đặc sản của sông Sê San như: cá niên, các anh vũ, cá lăng, cá hô, cá sọc dưa…

Lúc quán mới mở vì chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên không có lời, ít khách, một năm sau quán ăn của anh đã có tiếng vì những món ăn đặc trưng núi rừng được chế biến khéo léo, mọi người truyền tai nhau khách đến đông hơn.

Trái muối rừng ở Kontum – gia vị vàng độc đáo đã giúp đội của Đức Hoàng giành giải nhất sơ kết Tây Nguyên và giải nhì bán kết phía Nam

Nghề bếp đã giúp hai người đàn ông có cuộc sống long đong tạo dựng nên tình bạn, tình đồng nghiệp bền đẹp, họ đã gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng nhau trong cuộc sống. Đây là lần thứ ba hai anh góp mặt ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, Đức Hoàng cho biết, ngoài mục đích học hỏi thêm kỹ năng nghề bếp, được nghe các chuyên gia ẩm thực góp ý và tư vấn để các món ăn trở nên hoàn thiện hơn, hơn hết đó là mong muốn giới thiệu rộng rãi các món ăn độc đáo của địa phương Kon Tum, như một cách để thu hút du khách đến với tỉnh nhà, khám phá ẩm thực và tham quan cảnh đẹp núi rừng nơi hai anh sinh sống.

Súp hạt ươi hải sản ăn kèm salad hạt ươi trái cây

Khẳng định một màu sắc Tây Nguyên không thể trộn lẫn, hai đầu bếp đến từ Kontum đã khiến nhiều người phải bất ngờ bởi những hương vị độc đáo đậm chất núi rừng trong từng món ăn. Đó là khi biến tấu món súp hải sản bằng hạt ươi bay. Hạt ươi có nhiều ứng dụng trong đông y, thường được gắn với món chè nhưng dùng để nấu súp là điều chưa từng thấy. “Các đầu bếp đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỳ công tìm gia vị lạ để làm mới món ăn”, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương nhận xét. Tại vòng bán kết khu vực phía Nam cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm nay, bếp trưởng Nguyễn Đức Hoàng đã mang theo nhiều loại gia vị đậm chất Tây Nguyên như rau rừng tỏi vị, lá tàu bay, lá bạc hà rừng… . Trong đó, nổi bật là trái muối rừng – một loại gia vị độc đáo được đồng bào dân tộc ưa dùng. Trái muối rừng có vị mặn vừa phải, hương chua thoang thoảng cho cảm giác thơm ngon mà không ngấy khi ăn kèm thịt gà. 

Món “ước mơ” – cá lăng nấu nghệ tươi và mẻ

Riêng món ăn “đắng-cay-ngọt-bùi” gây bất ngờ trong vòng bán kết bởi cái tên kỳ lạ. Hai đầu bếp đã chia sẻ công thức của món ăn độc đáo với ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn: 

Món ăn này được chế biến từ trái khổ qua (mướp đắng) xay nhuyễn vắt lấy nước làm súp, vị đắng giống như hương vị cuộc sống. Món gỏi làm từ thịt heo, hoa lộc vừng mang tên “ước mơ” muốn nói lên ước mơ của Quang Thanh –  ước mơ về mái ấm gia đình. Hoàng may mắn hơn khi tìm được một người bạn đời tâm lý và đã có con trai tên Gia Bảo (anh đã dùng tên con trai để đặt cho quán ăn của mình ở Kontum). Thông qua món ăn “cay-đắng-ngọt-bùi”, Đức Hoàng muốn gửi thông điệp đến những người cùng cảnh ngộ – dù cuộc sống có khó khăn vất vả tới đâu vẫn phải đứng lên và bước tiếp. 

Anh Đức Hoàng giới thiệu các lá gia vị độc đáo Tây Nguyên

Trong cuộc thi Chiếc Thìa Vàng lần này, đội của hai người bạn Đức Hoàng – Quang Thanh đã giành giải nhất cụm Tây Nguyên vòng sơ tuyển diễn ra tại Đà Nẵng và giải nhì bán kết Chiếc Thìa Vàng tại Tp.HCM, Top 15 chung kết Chiếc Thìa Vàng vừa diễn ra đầu tháng 12 vừa qua.

Bài: Thùy Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp
logo

 


From the same category