Dùng mỹ phẩm handmade, được gì và mất gì? - Tạp chí Đẹp

Dùng mỹ phẩm handmade, được gì và mất gì?

Làm Đẹp

Vì sao đồ handmade vẫn có chỗ đứng?

Công bằng mà nói, mỹ phẩm handmade chính là tiền thân của ngành công nghiệp mỹ phẩm trị giá hàng tỉ đô la ngày nay. Trước cả khi phụ nữ thế kỷ 21 biết dùng serum hay tiêm botox, các bà hoàng thời cổ đại đã bào chế nọc rắn để bôi lên mặt, ép dầu ô-liu dưỡng tóc dưỡng da, nấu hoa để tắm và nghiền kiến để làm son môi. Dòng chảy của mỹ phẩm theo hàng ngàn năm đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng những giá trị tinh thần và hiệu quả của mỹ phẩm tự làm bằng tay chưa bao giờ bị dập tắt.

Lý giải cho sự trở lại của cơn sốt mỹ phẩm handmade, có hai luồng ý kiến lớn:

Thứ nhất, handmade là một phong cách sống. Nhiều năm trước, loài người từng mơ đến một thế giới hiện đại đầy ắp những công nghệ thuận tiện, thì giờ đây, chúng ta lại bắt đầu rùng mình khi chứng kiến mặt trái của những thiết bị thông minh này. Ước mơ về một phong cách sống công nghệ đang dần bị thay thế bởi mong muốn được trở về với thiên nhiên.

Khi ngành công nghiệp mỹ phẩm bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế như lạm dụng hóa chất, nguyên liệu kém an toàn và giá thành đắt đỏ, thì mỹ phẩm đậm chất thiên nhiên với cách làm thủ công có cơ hội nổi lên như một nhu cầu mới của thị trường. Những cái tên dài đằng đẵng mô tả hợp chất hóa học được thay thế bằng tên thảo dược Đông y khiến khách hàng cảm thấy an toàn, thân thiện hơn. Công sức và thành ý của người điều chế gửi trọn trong từng món đồ chính là giá trị khiến mỹ phẩm handmade chiếm được cảm tình rộng rãi của khách hàng.

Thứ hai, việc chế biến mỹ phẩm handmade giờ đây đã dễ dàng hơn xưa rất nhiều. Các đơn vị nhập khẩu thành phần mỹ phẩm tại Việt Nam đang xuất hiện ngày một nhiều, như Sheaghana hay Grandpa’s Garden, khiến những người pha chế mỹ phẩm không còn bị cản trở trong việc tiếp cận nguyên liệu tốt. Nếu 5 năm về trước, tất cả những gì người ta có thể tự làm chỉ loanh quanh ở son dưỡng đơn điệu hay kem dưỡng ẩm dày đặc, thì hiện tại, cộng đồng những người làm mỹ phẩm handmade có thể tạo ra những sản phẩm đặc trị như serum, kem chống lão hóa, kem chống nhăn mắt… đủ chất lượng để người tiêu dùng phải gật gù. Ngoài ra, với sự trợ giúp của internet, công thức pha chế cũng như bảo quản mỹ phẩm được chia sẻ mạnh mẽ từ những chuyên gia uy tín đã thúc đẩy sự bùng nổ thực sự của mỹ phẩm ‘’tự tay làm hết’’.

Hạn chế không tránh khỏi

Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào thế giới mỹ phẩm handmade, mọi thứ không hẳn đã lung linh như ta nghĩ.

Quan niệm rằng handmade đồng nghĩa với mỹ phẩm thiên nhiên lành dịu không hoàn toàn đúng. Không quá khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp khách hàng bị “bung bét’’ cả khuôn mặt vì sử dụng đồ tự chế. Đó là tác hại của mỹ phẩm handmade được sản xuất bởi những người điều chế thấp kém cả về tri thức lẫn lương tâm.  

Không phải người pha chế nào cũng đủ kiến thức để có thể kiểm soát tỉ lệ hoạt chất trong sản phẩm. Đơn giản như: nồng độ axit cao sẽ biến một sản phẩm tẩy tế bào chết bình thường thành thứ chất tẩy gây kích ứng mạnh, hay chất bảo quản nếu bị cho quá nồng độ sẽ gây hại cho cơ thể. Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp đón ít nhất 40 trường hợp bị kích ứng với các loại mỹ phẩm, hóa chất không rõ nguồn gốc, góp phần không nhỏ trong số này chắc chắn phải kể đến những hũ kem ‘’khuấy’’ bằng tay.  

Thực tế là, chỉ với một vài nguyên liệu cơ bản và công thức có sẵn trên mạng, ai cũng có thể tự làm ra một hũ mỹ phẩm cho riêng mình. Chính vì sự dễ dàng này mà thị trường mỹ phẩm handmade online đang bùng nổ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có trong tay các nguyên liệu hoàn toàn lành tính, thì việc cho ra đời một thành phẩm có kết cấu lý tưởng như của các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới lại là điều mà không phải nhãn hiệu handmade nào cũng làm được. Trên các diễn đàn làm đẹp, gần đây, chị em liên tục phàn nàn về những thỏi son handmade bị cho quá nhiều dầu khiến kết cấu nhão nhoét, hoặc quá nhiều sáp nên cứng đơ không ăn màu, chưa kể sau một thời gian ngắn thì lõi son sần sùi nấm mốc. Chắc chắn, nếu nhà sản xuất chỉ học lỏm công thức trên mạng mà không được đào tạo bài bản về an toàn trong mỹ phẩm, cách bảo quản, kiểm soát độ pH, … thì sản phẩm sẽ dễ dàng bị tách lớp, nhanh hỏng, gây lãng phí và có hại cho sức khỏe.

Pháp lý cũng là một khía cạnh không thể không nhắc tới khi bàn về mỹ phẩm handmade. Để có giấy công bố mỹ phẩm của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, người sản xuất mỹ phẩm ngoài việc phải chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu, độ hiệu quả của sản phẩm, độ an toàn của chai lọ đựng mỹ phẩm, còn phải đạt được chứng nhận về nhà xưởng, dây chuyền máy móc theo tiêu chuẩn GMP Asean.

Cũng có nghĩa là, để đứa con tinh thần được phép thông hành rộng rãi chứ không chỉ bán cho người thân, họ phải có hàng tỉ đồng để đầu tư. Mỹ phẩm handmade đến thời điểm này vẫn đang đứng ngoài vòng kiểm soát của luật, và nếu người kinh doanh mỹ phẩm handmade muốn từ bỏ yếu tố “handmade”, họ phải tự nâng tầm lên quy mô sản xuất công nghiệp. Mà điều này, e chừng với sự nhỏ lẻ vốn có, sẽ là một điều khá khó khăn đối với họ.

Mỹ phẩm handmade không xấu, nhưng trước khi quyết định chọn một món mỹ phẩm để đưa lên làn da, khuôn mặt mình, bạn hãy cân nhắc thật kỹ. Việc làm đẹp, tuy phù phiếm nhưng luôn đòi hỏi rất nhiều lý trí.

Bài: Duy Khánh

logo

Thực hiện: Phạm Huyền

03/12/2016, 16:30