Chồng đi làm về đưa tiền lương cho vợ để đảm bảo các khoản chi tiêu của gia đình là chuyện bình thường trong xã hội. Việc đó vừa được coi là trách nhiệm của trụ cột trong gia đình vừa được các ông chồng coi là niềm vui khi thể hiện được sự quan tâm chăm sóc tổ ấm.
Từ những người quên mặt tiền….
Phương châm lâu nay của các bà chủ trong gia đình là tích cực chống thất thoát ngay từ trong gia đình – phần mà các nhà xã hội học vẫn coi là tế bào của xã hội – với phương pháp được áp dụng đầu tiên là… tận thu. Các quý bà tự cho rằng việc các ông chồng nộp đúng số lượng ghi trong hóa đơn lĩnh lương, nộp đủ các khoản thu và đúng hạn được coi là pháp lệnh trong các gia đình có… văn hóa cao! Biện minh cho việc tận thu rất đơn giản: có như thế mới đảm bảo các khoản chi cho cả gia đình. Nhưng thật tệ, khi vật dụng trong nhà đã tương đối đủ đầy, các khoản tích cóp cũng đã dư dả, đối tượng nộp vẫn tiếp tục bị áp dụng chính sách cũ. Lý lẽ của các bà cũng không mấy phức tạp hơn: vừa phải tiếp tục tích lũy để đề phòng khi trái gió trở giời, phần khác khi mà các ông “no cơm ấm cật” thì dễ dậm giật lung tung lắm, chuyện đó tất phải đề phòng thật kỹ!
“Vật chất sản sinh ý thức”, vật chất giấu giếm sẽ sản sinh những thứ ý thức lằng nhằng dây điện, cứ thu hết vật chất thì mấy ý thức linh tinh sẽ không còn đường mà sinh nữa, đơn giản mà vô cùng hiệu quả.
Có một bà đã tâm sự rất thật: Thấy chồng đem tiền thưởng Tết về, khoái quá chị ta vét được trong ví của chồng đúng 10 triệu đồng, sau đó ra tuyên bố rất chi là lạnh gáy: “Hễ mà thấy còn đồng nào trong túi thì chết với “bà” đây!” Khốn khổ, hì hụi cả năm mà lại rơi vào cảnh tay trắng khi xuân về, anh chồng tức muốn chết, nhưng mà ai bảo không nghe bạn, cứ chịu khó “găm” chút ít ở cơ quan thì đâu đến nỗi… bạch định. Với chế độ nộp thuế 100%, các đấng mày râu sẽ mặc những thứ được cấp phát, ăn những thứ đã có sẵn trong nhà và đi những thứ “lâu nay vẫn gắn bó cùng ta” cho tới… lúc chết!
Có một lần, mấy anh em đồng nghiệp cùng nhau ăn sáng, khi móc ví ra để thanh toán, cả bọn chăm chăm nhìn vào ví của tôi bằng những đôi mắt sáng rực rồi lại thở dài đánh thượt vì thấy những tờ bạc có mệnh giá lớn. Một gã nói rằng hắn đã quên mất hình dáng của những tờ bạc có mệnh giá lớn hơn 50 ngàn từ lâu rồi. Thấy tội quá, tôi bèn bảo: “Mỡ đâu mà húp, sáng nay “tư lệnh” (tôi đặt tên cho vợ tôi như vậy khi nói về nàng và đặt tên trong danh bạ điện thoại là Đại tướng!) đưa tiền để đóng tiền học cho con đấy”! Khổ thật, cùng cảnh mà bọn chúng cứ làm như tôi là tiên không bằng.
… Đến thời trang quần không túi
Hai vợ chồng làm khác cơ quan, dẫu có là chân chuyển phát nhưng dù sao cũng vẫn còn được một đoạn… làm chủ lương của mình từ cơ quan về đến nhà. Nếu rủi mà cả hai cùng làm một cơ quan thì còn rơi vào cảnh… không biết lương mình ở đâu.
Tôi có quen một anh sáng đèo vợ đi làm, trưa ngồi với nhau ăn cơm hộp, chiều đèo nhau về và tối không bao giờ hắn bước chân ra khỏi cửa. Tóm lại là mấy con sam dưới biển còn phải tôn vợ chồng hắn làm sư phụ! Thấy vẻ an nhàn kiểu “sớm chả vừa, trưa chẳng vội” của hắn, tôi mới thấy mình vất vả ra làm sao. Một lần tôi hỏi hắn: “Ông sướng thật đấy, không phải quan tâm giá cả, không cần biết mọi sự chen lấn khi mua bán cũng chẳng cần biết cái gì bán ở đâu, dễ mấy mà thành tiên”? Hắn cười cười kiểu rất đặc biệt rồi nói: “Ông có biết không, kể từ khi đi làm tới nay không ai có thể rủ tôi đi nhậu nhẹt được chứ đừng nói đến chuyện đi hát karaoke hay mấy loại tệ nạn vớ vẩn. Chẳng phải vì sợ vợ tôi biết mà chính là tôi tự biết rằng tôi chẳng thể nào ăn không của người ta mãi được. Ông tính mà xem, bố nó thì không phải, cụ nó cũng không, đến lượt mình mời nó thì… vặn răng ra trả à”!
…quần áo đều không may túi trông vừa phẳng phiu, đã dễ ủi lại rất có thể đó là một sự phá cách táo bạo về mốt ấy chứ! Có lẽ ra đường cứ nhìn thấy ai mặc quần không có túi là làm cũng cơ quan với vợ chăng?
Tôi trêu hắn rằng không hút thuốc lá thì không có nguy cơ bị ung thư phổi, không uống rượu bia thì vẫy tay chào mấy bệnh tim mạch, không ngồi hàng nước thì tránh được nạn buôn dưa lê, quan trọng hơn khi mà chúng tôi cứ phải tính tính đếm đếm thì sự văn minh của hắn ở chỗ là đã thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt từ lâu rồi. Hắn đáp với vẻ không ra nghiêm túc cũng chẳng ra hài hước: “Một lần tôi đã bắt đền tay thợ may vì đã thêm vào hai bên quần tôi hai cái túi đấy. Túi chẳng để làm gì mà nhỡ quen tay đút vào trông khệnh khạng lắm, vô phúc mà đứng trước mặt sếp thì khốn!”. Phải đến lúc ấy tôi mới để ý quần hắn không bao giờ có túi thật, mà kể cũng hay, nếu quần áo đều không may túi trông vừa phẳng phiu, đã dễ ủi lại rất có thể đó là một sự phá cách táo bạo về mốt ấy chứ! Có lẽ ra đường cứ nhìn thấy ai mặc quần không có túi là làm cũng cơ quan với vợ chăng?
Hôm ngày Tình yêu, tôi hỏi anh bạn thân có tặng vợ món gì để… yêu nhau hơn không? Hắn cười méo mó: “Có bao nhiêu nộp cả rồi, lấy đâu ra kinh phí mà sắm với mua”. Thế còn ngày Quốc tế phụ nữ, nhất định phải có tí quà chứ? Hắn nhìn tôi hồi lâu rồi bảo: “Ông ở hành tinh nào đến đây vậy?”…
(Huyền Thi)
Chia sẻ bài viết này